| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chưa kể về lão nông 'tự nguyện' giám sát vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Thứ Bảy 27/10/2018 , 13:15 (GMT+7)

Lão nông Phạm Tấn Lực ngồi trên chiếc xe máy đang nhảy chồm chồm qua những vũng bùn và chạy dọc con đường đang thi công nham nhở. Bùn bắn tung tóe khắp người, nên trông lão càng có vẻ thảm thương. Đó là hình ảnh gần 3 năm trước tôi gặp lão trên đường đi giám sát cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.500 tỷ đồng mới đưa vào vận hành 1 tháng đã "lở loét". Nhưng đó chỉ là căn bệnh “ngoài da”. Lão nông Phạm Tấn Lực (59 tuổi) cùng những nông dân khác ở thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ ra gần 4 năm giám sát để chỉ ra những lỗi nằm trong “xương tủy” sẽ khiến cao tốc mau phai “sắc”. Vẫn còn những câu chuyện chưa kể về lão nông này.
 

Công trình của nhà...

Lão nông Phạm Tấn Lực ngồi trên chiếc xe máy đang nhảy chồm chồm qua những vũng bùn và chạy dọc con đường đang thi công nham nhở. Bùn bắn tung tóe khắp người, nên trông lão càng có vẻ thảm thương. Đó là hình ảnh gần 3 năm trước tôi gặp lão trên đường đi giám sát cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gói thầu A3 băng qua khu vực huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Công việc giám sát không công dường như đang quá sức nên dù trời lạnh, mồ hôi vẫn chảy ròng trên khuôn mặt của lão.

14-56-34_1_lo_nong_phm_tn_luc_f_5
Lão nông Phạm Tấn Lực với những lá đơn phản ảnh về cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Lão phải nói chậm và giọng hơi lặp vì căng thẳng: “Chú Sáu chỉ trông cho ăn tết xong là gởi đơn ra Thanh tra Nhà nước và Bộ Giao thông vì chú Sáu nắm quá rõ rồi, không thể làm như thế được, làm gì mà để chú Sáu bắt đào lên đào xuống mấy lần mà vẫn cứ vi phạm”.

Ông Lực thường xưng hô với tôi là anh Sáu theo cách dân giã. Khi nói chưa dứt hết lời thì chợt nhớ ra điều gì, ông vội vã móc điện thoại nói với giọng lo lắng: “a lô, anh Sáu đây em! Khu vực nền đường mà sao anh em cứ đổ đất xấu, toàn rễ cây, lá cây lên thì sau này làm sao giữ được đường, lúc nãy anh Sáu đã chỉ rồi, anh em xe lu cũng nhận xét là đất không tốt, đề nghị ủi đất này ra khỏi lề đường”.

Người được ông Lực điện thoại là một nhân viên giám sát kỹ thuật trên công trường. Ông Lực lắc đầu và cho biết, lo cho đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không khác gì lo cho ngôi nhà của mình, cứ phải chỉ bảo và đốc thúc thì họ mới chịu đưa những vật liệu xấu ra khỏi lòng đường, nhưng khi đi khỏi thì đất xấu lại được ủi vào.

Những nông dân ở khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi “thức tỉnh” việc tự tổ chức đi giám sát, từ khi vào đầu năm 2016, bà con phát hiện khoảng 30 xe ô tô hoạt động cả ngày lẫn đêm, xúc đất bùn dưới lòng hồ Hóc Dọc để đắp lên đường cao tốc. Bùn đắp đường là có vấn đề? Rất nhiều lão nông khẳng định điều này. Không cần phải là kỹ sư, mắt thường cũng có thể nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ. Từ đó các lão nông bắt đầu thiết lập đường dây nóng, ông Lực là đầu mối tiếp nhận thông tin, đồng thời tự tổ chức đi giám sát cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Những lần sau tôi gặp lại, lão nông này vẫn bộ dạng lấm lem và thói quen không thay đổi - ngày 2-3 lần lặn lội khắp công trường, điện thoại lưu rất nhiều số điện thoại của cán bộ kỹ thuật, kể cả lãnh đạo của Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải. Mỗi ngày ông Lực điện nhiều cuộc điện thoại cho giám sát công trường và chỉ ra chỗ sai cần khắc phục.
 

Lăn lộn trên công trường

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe vào ngày 2/9 thì sau một tháng đã xuất hiện nhiều vết "lở loét", nằm ở khu vực Đà Nẵng. Còn tuyến đường thuộc gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô của Trung Quốc thi công đoạn đi qua khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì vẫn êm đẹp. Nhưng những chứng cứ mà ông Lực và nhiều lão nông khác cung cấp cho thấy, phần ruột, xương cốt của công trình này thì chưa chắc đã thọ nổi.

14-56-34_2_su_con_mu
Cầu cống lúc còn xây dựng bị sạt lở chỉ sau một cơn mưa

Những chứng cứ được lão nông chứng minh bằng hình ảnh như: cống vòm nằm ở đoạn km 106 + 554 km và 106 + 43 thi công sai, không trám xi măng các mối kết nối; đoạn km 102 + 800 đổ nền đường toàn đá tảng lớn, lão nông gọi điện cho ông Minh giám sát tới hiện trường bắt thay lại đất; đoạn km 106 + 154, sắt rọ sau khi đan xong nằm phủ đầy đất bùn và không được xử lý thật sạch khi đổ bê tông; sàn chống lún cầu ở km 107 + 307 được bện sắt thưa một cách bất thường và có biểu hiện bị cắt xén vật liệu… Vấn đề mà lão nông nhắc lại nhiều nhất và phản đối mạnh là “các bãi thải để đổ đất phân hóa gạt ra khỏi mặt đường, nhưng họ có đổ ra đây hột nào đâu, mà đôn hết xuống lòng cao tốc”.

“Đất phân hóa, đất xấu họ không cào đi mà đôn lấp luôn xuống lòng cao tốc, vậy thì hồ sơ của họ chắc chắn sẽ quyết toán khối lượng đất chở đi, khối lượng đất mới mang đến, cả 2 chiều đi - về đó thì liệu có thể trở thành những con số đưa vào hồ sơ quyết toán khống để rút tiền chia nhau?”, lão phân tích về một vấn đề và đưa ra lý giải nghe có vẻ lô-gíc.

Vài lần ông Lực nóng nảy khi nghe nhà thầu cho rằng báo chí đã phản ảnh không đúng về chất lượng đất đắp mặt đường cao tốc. Lão nông gặp và nói thẳng với Ban quản lý: “Không cần mời báo chí tới đây đối chất, tôi sẽ đứng ra trả lời hết các ông sai cái gì, chỗ nào, ngày giờ, ai làm? Vì đã có ảnh chụp, nhật ký ghi đầy đủ trong sổ đây”. Chứng cứ lão đầy đủ nên chả ai dám đứng ra đối chất tay đôi.

14-56-34_3_ong_luc_voi_bn_ve
Ông Lực với tấm bản vẽ hàng ngày ra giám sát công trường (Ảnh 3 năm trước)

Rất nhiều hôm ông Lực tới hiện trường và điện ngay cho nhân viên giám sát tới chỉ ra những hòn đá tảng nhưng lại mang chôn xuống mặt đường. Các lão nông ở địa phương đã cẩn thận mang thước dây đến đo những hòn đá to để chụp ảnh và điện báo cho lãnh đạo ban quản lý. Ông Lực yêu cầu công ty cung cấp mỏ đất phải xử lý đất tại chỗ, đá phải nghiền nhỏ đá theo kích thước quy định, sau đó toàn bộ đất qua xử lý mới được đưa lên xe chở đổ lên mặt đường cao tốc. Ông Lực than thở: “Mình yêu cầu thì họ thực hiện, nhưng mình về nhà rồi thì họ lại làm tiếp”.
 

Cảm hóa công nhân

Quá trình theo dõi và tự tổ chức giám sát cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Lực đã nhiều lần bị người của nhà thầu đến đe dọa. Có thời gian, các đối tượng điện đến dọa sẽ "lấy mạng", nếu lão nông còn bép xép và chụp ảnh. Gần đây nhất là lão bị một người tên là Nguyễn Thái Hưng đánh bị nội thương và phải nằm viện 7 ngày. Lão ngại không nói ai là người đánh, nhưng các lão nông khác cho biết, do tên này có quan hệ họ hàng. Sự việc xảy ra do lão chụp móng cầu có dấu hiệu bị thiếu sắt và ông Hưng là người làm cai quản lý công trình này. Đơn phản ảnh vụ việc này chưa được công an xã giải quyết.

14-56-34_4_mot_lo_nong_khc_
Một lão nông trong nhóm cùng tổ chức đo kích thước đá định đổ xuống làm nền đường để yêu cầu giám sát phải sàng lọc

Trong những năm qua, đường dây nóng tiếp nhận thông tin được ông Lực công khai số điện thoại và lần lượt gửi đến anh em công nhân thi công trên công trường. Ông Lực thường ghé tai thì thầm với họ “tiền vay nước ngoài để làm đường đó em ơi (ODA của Nhật Bản 673 triệu USD, Ngân hàng Thế giới 631 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam), nếu nhà thầu thi công gian dối mà đường nhanh hỏng thì con em mình sau này sẽ ghánh nợ, nợ công đang cao lắm rồi”.

Một công nhân giấu tên cho biết, “những điều mà ông Lực nói với chúng tôi cũng làm anh em suy nghĩ, vì vậy nhiều người đã cung cấp thông tin qua số điện thoại để nhờ ông Lực nói ra ngoài. Từ đó báo chí phản ảnh, giúp cho việc thi công đường đảm bảo chất lượng”.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành, lão nông lại sống bình yên trong ngôi nhà đầy tiếng gà, ngồi bóp trán với sổ bệnh án xơ gan mãn tính F 3, 4 của vợ. Dù vừa nhận được sổ hộ nghèo, nhưng lão vẫn tỏ vẻ rộng rãi và bảo rằng: Tháng tới là tới ngày giỗ cha liệt sĩ, chú Sáu sẽ mời nhà báo ra dự, hoặc sẽ bắt 2 con gà mang ra Đà Nẵng tặng cho anh em, vì đã đồng hành cùng tiếng nói của người nông dân.

 

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.