Hiệu quả được đánh giá từ thực tiễn
Nhiều năm trước, Khu công nghiệp Thanh Bình (KCN), huyện Chợ Mới chủ yếu là những dự án chế biến khoáng sản. Sau một thời gian, nhiều dự án không hiệu quả gây lãng phí đất, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Để thay đổi điều đó, tỉnh Bắc Kạn đã chuyển hướng thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ nông, lâm sản.
Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki ở KCN này là ví dụ điển hình. Từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, sản phẩm sau chế biến từ quả mơ, mận, củ gừng, rau cải đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki cho biết: 8 tháng đầu năm 2022 sản lượng chế biến của công ty đạt hơn 400 tấn, doanh thu hơn 18 tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 750.000 USD. Hiện nay, Công ty giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 70 lao động, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Về vùng nguyên liệu, mỗi năm có hàng nghìn hộ dân liên kết với công ty.
Tại Bắc Kạn, trong thời gian qua, chế biến gỗ cũng là lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Hiện có 7 dự án sản xuất ván ép công nghiệp, ván dán và ván sàn đã đăng ký đầu tư và hoạt động tại KCN Thanh Bình.
Chỉ tính riêng năm 2021, các nhà máy tại khu công nghiệp có tông doanh thu hơn 1 000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD, nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng.Trong đó, giá trị từ các dự án chế biến nông, lâm sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của khu công nghiệp.
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố trên toàn tỉnh Bắc Kạn, có hàng trăm cơ sở chế biến gỗ khác, đặc biệt sản phẩm đũa dùng một lần đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Hầu hết các dự án chế biến lâm sản tại Bắc Kạn hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều việc làm, thu nhập công nhân ổn định.
Nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Năm 2023, Bắc Kạn tiếp tục thu hút 11 dự án trồng và chế biến nông, lâm sản, chiếm hơn một nửa trong tổng số những dự án thu hút đầu tư của tỉnh. Đáng chú ý một số dự án quy mô lớn như: Dự án nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm từ hoa quả có múi; Dự án trồng, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tre, nứa, vầu…
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Kạn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Sau khi tuyến Quốc lộ 3 mới từ Thái Nguyên đến Khu công nghiệp Thanh Bình đã đi vào hoạt động, đoạn còn lại từ huyện Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn đang chuẩn bị được đầu tư.
Sau khi hoàn thiện, thời gian từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Bắc Kạn sẽ được rút ngắn chỉ còn khoảng 2 tiếng. Ngoài ra, tuyến đường trọng điểm từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể cũng đã khởi công. Hai tuyến đường này sẽ đi qua hầu hết các dự án đang thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Ngoài tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, tỉnh đang thu hút đầu tư đầu tư 7 cụm công nghiệp ở các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn.
Riêng cụm công nghiệp ở thành phố Bắc Kạn cơ bản đã hoàn thành, đang mời gọi các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở để tỉnh thu hút các nhà đầu tư, phương châm là ưu tiên chế biến sâu nông, lâm sản, gia tăng giá trị, hạn chế thấp nhất bán nông, lâm sản dạng thô ra thị trường.
Bắc Kan có trên 410.000ha đất nông, lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác hàng năm trên 63.000 m3. Diện tích cây cam, quýt hơn 2000 ha; Hồng không hạt khoảng 1000 ha; Diện tích trồng cây quế khoảng 5000 ha; Khoảng 6000 ha cây Hồi; Gần 1000 ha cây dong riềng/vụ… Đây là những vùng nguyên liệu chủ lực để tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.