| Hotline: 0983.970.780

Chuyện giữ rừng giữa biển

Thứ Hai 11/03/2024 , 06:15 (GMT+7)

Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

Rừng nuôi dưỡng những loài động vật quý hiếm

Đảo Hòn Khoai nằm trên vùng biển Tây Nam thuộc xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) trên độ cao 318m so với mặt nước biển, cách đất liền điểm gần nhất gần 15km, gần tuyến đường hàng hải quốc tế là cửa ngõ phía đông đi vào vịnh Thái Lan. Hòn Khoai được ví như trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc.

Tương truyền, đảo có tên gọi Hòn Khoai là do nhìn từ xa, hòn đảo trông như 1 củ khoai khổng lồ nên được gắn luôn cái tên ấy. Lại cũng có người cho rằng vì ngày xưa người dân trong bờ ra đảo làm rẫy trồng trọt, bây giờ trên đảo vẫn còn những bụi khoai nên có tên gọi là đảo Hòn Khoai.

Trụ sở làm việc của Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai. Ảnh: Mai Phương.

Trụ sở làm việc của Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai. Ảnh: Mai Phương.

Dù mang cái tên không được mỹ miều cho lắm, nhưng Hòn Khoai được cho là hòn đảo đẹp nhất vùng cực nam Tổ quốc, bởi còn giữ được vẻ nguyên sơ của rừng giữa biển. Do trên đảo không có dân cư sinh sống, nên Hòn Khoai vẫn bao phủ khắp đảo là những cánh rừng xanh bạt ngàn với rất nhiều cây gỗ lớn.

Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, cụm đảo Hòn Khoai gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất có diện tích rừng là 570 ha. Nếu tính cả diện tích rừng của đảo Hòn Chuối thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) 140ha cũng do đơn vị này quản lý, thì tổng diện tích rừng mà Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai quản lý, bảo vệ là 701 ha.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai chăm sóc vườn rau xanh cải thiện đời sống. Ảnh: Mai Phương.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai chăm sóc vườn rau xanh cải thiện đời sống. Ảnh: Mai Phương.

Rừng trên đảo đảo Hòn Khoai có hệ thực vật rất phong phú với hơn 1.400 loài và có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao; trong đó, cây lấy gỗ có lim, bằng lăng, chiêu liêu, vân vân, dầu rái, muỗng, quế quan, rè vàng, thị rừng, sao, trám mạo, trâm trắng… Cây dược liệu có cốt toái bổ lá lớn, cốt toái bổ lá nhỏ, dây tiết dê, huyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan, sầu đâu, thần thông, thiên kim đằng, thiên niên kiện…

“Rừng trên đảo Hòn Khoai còn có nhiệm vụ bảo vệ các loài động vật quý hiếm như: Tắc kè đuôi vàng, heo rừng, khỉ, kỳ đà, trăn gấm… Đảo Hòn Khoai không có dân cư, xa đất liền, chỉ có 4 đơn vị đóng quân làm nhiệm vụ là kiểm lâm, biên phòng, hải quân và hải đăng, nên không xảy ra tình trạng săn bắt động vật quý hiếm như rừng ở đất liền”, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, chia sẻ.

Cũng theo ông Kiệt, rừng trên đảo Hòn Khoai trước đây thỉnh thoảng cũng bị ngư dân lén chặt vài ba cây rừng để sửa chữa ghe tàu, chứ không bị lâm tặc khai thác rầm rộ như ở đất liền; 1 phần là do 4 lực lượng đóng quân trên đảo thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, 1 phần do cách đất liền điểm gần nhất đến gần 15km đường biển, nên nếu có khai thác cũng khó lòng vận chuyển gỗ lậu về đất liền để tiêu thụ, còn bây giờ thì hầu như tuyệt đối không có tình trạng khai thác gỗ nũa.

Hiện lực lượng của Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai có 7 người, 1 hạt trưởng, 1 hạt phó và 5 nhân viên cùng 1 chiếc tàu để đi tuần tra. Tàu tuần tra có thể hoạt động trong sóng gió cấp 7, cấp 8. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quân và hải đăng tổ chức tuần tra bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, trò chuyện với phóng viên.  Ảnh: Mai Phương.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, trò chuyện với phóng viên.  Ảnh: Mai Phương.

Theo các nhà khoa học, đa dạng sinh học trên đảo Hòn Khoai không có nhiều, nhưng xét mức độ đa dạng về cá thể là rất lớn. Hiện ở đảo Hòn Khoai tuy có ít loài sinh sống, nhưng số lượng cá thể trong các loài lại có rất nhiều, do vậy mới duy trì được quần thể sống của các loài này. Đặc biệt loài thằn lằn chân vàng, 1 loài bò sát đặc hữu của Hòn Khoai. Đây là loài thằn lằn chỉ xuất hiện duy nhất ở Hòn Khoai, không có ở một nơi nào khác trên thế giới.

“Vai trò đặc biệt của rừng trên đảo Hòn Khoai là bảo vệ, nuôi dưỡng những loài động vật quý hiếm. Rừng ở đây nằm biệt lập, xa khu dân cư nên không xảy ra nạn săn bắt thú rừng như ở đất liền”, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai cho hay.

Những mùa khô khắc nghiệt

Nỗi lo lớn nhất của ngành chức năng và các đơn vị đóng quân trên đảo Hòn Khoai là nạn cháy rừng. Mùa khô ở đây rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến cây rừng rụng hết lá, nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất. Do đó, từ trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm cùng các đơn vị đóng quân trên đảo Hòn Khoai dốc lực cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai, trong năm, 4 đơn vị đóng quân trên đảo gồm kiểm lâm, hải quân, bộ đội biên phòng và hải đăng phân ra từng vị trí rừng cụ thể để quản lý, chủ động tuần tra bảo vệ rừng, nhất là phòng cháy rừng. Nhiệm vụ thường xuyên của ngành chức năng trên đảo Hòn Khoai là tuyên truyền cho các đơn vị đến đảo xây dựng các công trình khi vào rừng thi công tuyệt đối không được đun nấu và hút thuốc để ngăn chặn nạn cháy rừng. Đặc biệt là ngăn chặn ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển khi lên đảo nghỉ ngơi không sử dụng lửa để bảo đảm an toàn rừng trên đảo.

Vai trò đặc biệt của rừng trên đảo Hòn Khoai là bảo vệ, nuôi dưỡng những loài động vật quý hiếm. Ảnh: Mai Phương.

Vai trò đặc biệt của rừng trên đảo Hòn Khoai là bảo vệ, nuôi dưỡng những loài động vật quý hiếm. Ảnh: Mai Phương.

“Rừng trên đảo Hòn Khoai càng bị đe dọa khi trong mùa khô nước trong các con suối đều khô cạn, nguy kịch hơn nữa là lượng nước tích trữ trong 2 hồ chứa cũng bị nắng nóng làm bốc hơi cạn kiệt”, ông Huỳnh Tuấn Kiệt chia sẻ.

Có vào những cánh rừng trên đảo Hòn Khoai chúng tôi mới thấy công tác phòng cháy rừng ở đây được quan tâm đặc biệt, nhan nhản khắp nơi là những tấm biển cảnh báo cháy rừng. Hơn nữa, ngành chức năng trên đảo còn quan tâm đến việc bố trí phương tiện chữa cháy ở những nơi có nguy cơ cháy cao để ứng cứu kịp thời khi có cháy xảy ra. Các tuyến đường dẫn vào rừng cũng được dọn dẹp thực bì để hạn chế vật liệu dễ cháy.

Cũng theo ông Kiệt, vào mùa khô, lực lượng kiểm lâm trên đảo phối hợp với 3 đơn vị hải quân, hải đăng và biên phòng hết tuần tra rừng trên đảo đến xuống tàu đi tuần tra rừng dưới chân đảo để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy rừng. Hàng năm, vào khoảng tháng 10 tháng 11 năm trước, lực lượng chức năng cùng các đơn vị đóng quân trên đảo đều lên phương án phòng cháy chữa cháy rừng, từ tháng 1 đến tháng 5 năm sau là cao điểm của công tác phòng chống cháy rừng.

“Do đó, thời gian trước Tết, kiểm lâm trên đảo sẽ dồn hết lực lượng cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Cận Tết, chúng tôi chia mà 2 ca trực, 1 ca trực từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 tháng Giêng, 1 ca trực từ mùng 2 đến mùng 6 tháng Giêng. Qua Tết là kiểm lâm trên đảo dồn toàn lực lượng cho công tác phòng chống cháy rừng”, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai cho hay.

Công tác tuyên truyền phòng cháy rừng trên đảo Hòn Khoai được quan tâm đặc biệt. Ảnh: Mai Phương.

Công tác tuyên truyền phòng cháy rừng trên đảo Hòn Khoai được quan tâm đặc biệt. Ảnh: Mai Phương.

Thời gian “thong thả” nhất của người lính kiểm lâm trên đảo Hòn Khoai là những tháng mùa mưa. Trong mùa mưa, lực lượng kiểm lâm trên đảo Hòn Khoai có thể tranh thủ chia nhau mỗi tháng về thăm nhà 1 lần. Vào mùa khô, chuyện về thăm nhà đối với người lính kiểm lâm trên đảo Hòn Khoai được xem là chuyện “xa xỉ”, phải 2-3 tháng mới được về thăm nhà 1 lần, toàn thời gian được tập trung cho công tác phòng cháy rừng.

“Mùa mưa bão áp lực về nạn cháy rừng có giảm, nhưng trách nhiệm của người lính kiểm lâm dồn hết sang công tác phối hợp với các đơn vị đóng quân trên đảo tổ chức tuần tra trên biển để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn những tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển, nhất là những trường hợp tàu cá bị chìm do sóng to gió lớn”, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm