| Hotline: 0983.970.780

Chuyện hiếu & chuyện tình

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:56 (GMT+7)

Cô kính mến!

Cháu năm nay 30 tuổi, con gái cháu 6 tuổi. Cháu hiện có  một công việc tốt, trên cả mơ ước. Việc cháu cần ý kiến cô không phải chuyện trục trặc vợ chồng mà là sự lựa chọn giữa hiếu và tình dù chúng cháu đã vượt qua việc  đó khi mới lấy nhau.

Chồng cháu là người miền Bắc, chính vì vậy mà cháu mới khó xử. Cháu là con gái một, mồ côi cha từ sớm, mẹ cháu đã ở vậy nuôi cháu lớn khôn và cho ăn học tới nơi tới chốn như hiện nay.

Lúc cháu mới yêu anh ấy, mẹ cháu đã không chấp nhận vì mẹ bảo người Bắc gia trưởng, dâu con nặng nề, anh ấy là con cả của gia đình 3 anh em. Nhưng rồi mẹ cũng chịu thua vì chúng cháu đánh liều, quan hệ trước và cố ý có bầu, đứa bé chính là con gái cháu bây giờ.

Dĩ nhiên mẹ không vui và đám cưới chỉ có nhà trai là tưng bừng. Sâu xa, bên ngoại cháu đều là người gắn bó với chế độ trước, họ hàng hiện nay ở Mỹ rất đông nhưng con rể của mẹ thì mới vào thành phố sau này. Mẹ bảo mẹ không thoải mái khi ngồi nói chuyện và đi lại với sui gia, cả tính tình và tác phong của chồng cháu cũng khiến mẹ cứ xét nét.   

Năm ngoái, chồng cháu đi cao học ở Hàn Quốc. Mẹ có vẻ vui vì anh ấy có chí và thành đạt. Khi chồng cháu đi, chúng cháu đã bán căn hộ mà chúng cháu tự mua trả góp để lấy tiền cho anh ăn học và cũng để cháu và con gái về sống với mẹ, tối sớm có nhau.

Chúng cháu định khi anh về, cháu sẽ thuyết phục anh ấy ở luôn chỗ hiện nay để cháu được chăm sóc mẹ, dù mang tiếng là ở rể nhưng dù sao, cuối cùng anh cũng được mẹ thương yêu. Lấy con gái rượu của người ta là sớm muộn gì cũng phải ở rể, đúng không cô?

Nhưng mới đây anh ấy đã quyết định làm nghiên cứu sinh luôn. Anh bảo anh đã có cách kiếm tiền chẳng những nuôi mình mà còn nuôi được cả con và khi lấy bằng tiến sĩ rồi sẽ tính tiếp.

Vậy cũng có nghĩa là cháu phải sang bên đó với chồng. Không thể nào tưởng tượng được chúng cháu lại đi xa đến vậy. Chắc cô cũng hình dung mẹ đón nhận tin này như thế nào. Mẹ bảo mẹ đã tiên lượng đúng, anh ấy là vậy, chỉ nghĩ cho mình và gia tộc anh ấy. Cháu cãi thì mẹ nói thêm, anh ấy sẽ làm rạng danh cho bên anh và trong mọi bài toán của anh không có mẹ vợ!

Cháu thấy mẹ nói quá nhưng sao anh nghĩ cháu có thể đi sang đó dễ dàng? Nhưng nếu anh học lên và nhiều năm nữa mới xong tiến sĩ thì chồng đâu vợ đó là phải. Có quá nhiều  điều cháu phải cân nhắc, khí hậu bên đó, công việc của cháu bên đó và sự học của con cháu bên đó nữa?

Nhưng tính chồng cháu đã quyết thì miễn rút lui, anh bảo anh đã tính đủ đường và lót ổ rồi mới lên tiếng với vợ con chứ. Biết cháu đã xuôi nên mẹ cháu cứ ngày đêm nước mắt, cháu khổ tâm quá cô ơi.

Cháu mong sớm nhận được sự chia sẻ của cô.

Giữ kín email giúp cháu

Cháu thân mến!

Cô cũng biết nhiều gia đình chồng Bắc vợ Nam trong hoàn cảnh gia tộc từng là người của hai phía thời xưa. Dĩ nhiên cũng có một số vấn đề khiến hai bên khó thân nhau một cách bình thường nhưng rồi những đứa cháu đã khỏa lấp hết cả.

Vả lại người trong một nước, bên nào cũng tang thương, bên nào cũng có người ở phương trời, người Bắc thì có bà con làm ăn ở Đông Âu, người Nam thì dây mơ rễ má với Mỹ, xét cho cùng đều tha hương mà thôi. Cuối cùng rồi vợ chồng cháu cũng đã chứng minh cho sự lựa chọn của mình là chính xác, bằng hạnh phúc lứa đôi và một tương lai sáng rỡ.

Cô thấy chồng cháu quá giỏi, học lên sau đại học, còn kiếm được tiền để chuẩn bị cho vợ con sang. Dĩ nhiên là cháu cũng sẽ làm việc, kiếm sống để nuôi mình và cùng chồng nuôi con. Nhưng mới đi có 1 năm mà có được kế hoạch hoành tráng như vậy là rất đáng nể. Chắc chắn cậu ấy đã được các thầy quý và khả năng thành công với bằng tiến sĩ đã thấy. Bứng vợ con đi đâu phải chuyện đùa.

Để mẹ lại một mình cũng đứt ruột thật. Cô nghĩ mẹ cháu chưa già chưa yếu thì phải ủng hộ con gái cho nó biết chân trời mới và môi trường văn minh. Con của cháu sẽ học hành bên bố nó, điều đó chồng cháu đã lên kế hoạch cùng với mơ ước đang nung nấu trong lòng rồi.

Sao gia tộc mẹ ở Mỹ được mà con gái và cháu ngoại đi Hàn Quốc thì mẹ lại giãy nảy lên? Mẹ chỉ có một con gái, cuộc sống biến động, sao mẹ không chuẩn bị tinh thần xa con hoặc theo con? Nhưng con rể chỉ đi học thành tài chứ phải đi di tản đâu mà mẹ sụt sịt dữ vậy?

Cháu không có lựa chọn khác thì phải đấu tranh để mẹ xuôi theo và trong vòng mấy năm, mẹ phải tự lực cho giỏi. Vì vậy mà cháu phải ra điều kiện với chồng rằng lấy bằng xong thì về để bù đắp cho mẹ, chăm sóc mẹ.

Mẹ buồn vẫn buồn, con gái theo chồng vẫn phải theo. Nhưng đi để về, rạng danh rạng sáng, tiện lợi  đủ đường, cháu hãy an lòng cất bước và thu xếp cho mẹ có người bầu bạn. Hàng năm cố về và nếu được thì thi thoảng mời mẹ sang thăm, cùng châu Á với nhau, đường bay cũng tiện thôi mà.                                              

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm