Kevin Mallory làm gián điệp cho Trung Quốc khiến người Mỹ yêu nước vô cùng phẫn nộ |
Kevin Mallory là ai?
Việc ông Donald Trump trở thành tổng thống không chỉ là sự chấn động nước Mỹ mà còn tạo ra nhiều sự “rung lắc” khiến cả thế giới không khỏi ngỡ ngàng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ chỉnh sửa cái gọi là "sự lạm dụng kéo dài của Trung Quốc với việc phá vỡ luật pháp quốc tế và các hành vi thương mại không công bằng". Vấn đề lớn nhất là việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của nước này, nhưng trong nỗ lực này có sự góp mặt không nhỏ của chính các công dân Mỹ, trong đó có cựu điệp viên Kevin Mallory của CIA.
Theo BBC, việc làm của Kevin Mallory đã trở thành chủ đề bộ phim có tên The American (Người Mỹ). Phim mô tả Kevin, nhân vật với một cuộc sống hai mặt, vừa là con chiên ngoan đạo, hỗ trợ người nhập cư khai báo thuế thu nhập lại có một mặt kia, bí mật liên lạc, bán thông tin mật cho Trung Quốc thông qua các trang mạng xã hội.
Cựu điệp viên CIA Kevin Mallory |
Kevin Mallory (61 tuổi) sinh ra trong gia đình có tới 9 anh chị em, từng tốt nghiệp chuyên ngành chính trị ở Đại học Utah, sau đó gia nhập quân đội trước khi làm việc tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Kevin từng có thời gian dài sống ở Iraq, Trung Quốc và kết hôn với một phụ nữ gốc Hoa tên là Mariah Nan Hua tại Đài Bắc, Đài Loan.
Theo dữ liệu điều tra dân số, khoảng 14% dân số ở quận Loudon là người Mỹ gốc Á nên nơi này được ví là thủ phủ của những người dùng ngôn ngữ Anh-Hoa. Hàng tuần cứ vào Chủ nhật, gia đình nhà Mallory lại đi nhà thờ và do ngoan đạo nên Kevin còn có tên gọi khác là Zhiping Mao, nói và hát thánh ca bằng tiếng Hoa rất thông thạo.
Nhờ thứ ngôn ngữ này mà Kevin dễ dàng liên lạc được với các điệp viên người Trung Quốc. Theo bạn bè mô tả, Kevin là một con chiên mộ đạo “yêu nước kính chúa”, thường xuyên tuyên truyền với cộng đồng người Hoa rằng họ đang sống trong “giấc mơ Mỹ”. Nhưng mọi thứ đã bị lộ tẩy sau sự cố bong bóng bất động sản năm 2008 tan vỡ khiến Kevin rơi vào vòng xoáy của đồng tiền, chịu áp lực tài chính nghiêm trọng và “đang chìm dần trong nợ nần", như một hàng xóm của Kevin nhận xét.
Ngôi nhà của Kevin ở Raspberry Falls được làm đại bản doanh để Kevin liên lạc với đặc vụ Trung Quốc |
Kevin đã nhúng chàm như thế nào?
Đối với cơ quan tình báo Trung Quốc, Kevin là một con mồi hấp dẫn bởi nhiều thế mạnh, cả nội tâm lẫn ngoại hình. Chẳng hạn như có mái tóc nâu sẫm, nụ cười đẹp, cách cư xử ôn hòa, dễ gần, không rượu chè cà phê. Đặc việt, Kevin từng làm việc như một sĩ quan bí mật của CIA, nắm giữ các vấn đề liên quan đến an ninh nên được phép tiếp cận với những thông tin quốc gia giá trị nhất. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm 2017 khi Kevin được người Trung Quốc tiếp cận, thì lại là lúc nhà tư vấn độc lập và đang phải vật lộn để kiếm tiền trả nợ.
Theo Randall Phillips, cựu điệp viên của CIA, người từng làm việc tại Trung Quốc, Cục Tình báo Trung Quốc (PRCIS) đã cố gắng tạo ra một viễn cảnh để khiến Kevin cảm thấy bản thân quan trọng để dễ rơi vào "bẫy mật ngọt" do Trung Quốc giăng sẵn. Đặc biệt hơn, mật vụ Trung Quốc không tiếp cận trực tiếp với Kevin mà thông qua LinkedIn, một trang mạng định hướng kinh doanh, PRCIS không giấu diếm mời Kevin tham gia.
Theo hồ sơ tòa án, chính Kevin cũng thú nhận "Tôi cởi mở với mọi thứ bởi tôi phải trả tiền các hóa đơn". Theo Cơ quan tình báo nội địa Đức (GDIC), các đặc vụ Trung Quốc rất hoàn hảo trên trang mạng LinkedIn, đặc biệt là tuyển chọn điệp viên người nước ngoài. Những người đứng đầu LinkedIn đã cam kết ngăn chặn hành vi này song các quan chức Bắc Kinh lờ đi và cho rằng “vớ vẩn".
Tài liệu mật được Kevin lưu trên thẻ nhớ SD Toshiba |
Vào thời điểm này đặc vụ PRCIS đã tiến hành điều tra tài chính của Kevin và phát hiện thấy trong thẻ tín dụng Kevin nợ 30.000 USD, và đứng tên nhiều khoản thanh toán thế chấp. Nhờ người quen trên LinkedIn, Kevin đã được giới thiệu với một người làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải (SASS).
SASS đề nghị Kevin trở thành cộng tác viên cho họ nhưng thực chất là cung cấp thông tin bí mật. Ngay sau đó Kevin đã có mặt tại Thượng Hải, gặp một người đàn ông mang biệt danh PRC1 trong một khách sạn sang trọng.
PRC1 không nói cụ thể việc Kevin phải làm, nhưng bóng gió là cộng tác với cơ quan tình báo, cả hai bên cũng không phủ nhận điều này mà chỉ hiểu ngầm với nhau. Sau đó, Kevin đồng ý làm việc và nhận tiền. Kevin trở lại Leesburg với chiếc điện thoại Samsung Galaxy mà những người bạn Trung Quốc tặng, tải về một ứng dụng trò chuyện để liên lạc. Chiếc điện thoại này sau đó trở thành bằng chứng chống lại Kevin.
Kevin đã cung cấp cho Trung Quốc những thông tin thu thập được khi làm việc tại CIA, một số tài liệu này đã được phân loại. Khi bị bắt, Kevin khai đặc vụ Trung Quốc muốn tìm hiểu chính sách của chính quyền Trump, đặc biệt là thông tin về hệ thống phòng thủ tên lửa và các vấn đề nhạy cảm khác. Kevin còn khai qua hai nhân viên lưu trữ của CIA, ông ta đã tiếp cận được nhiều thông tin quan trọng để chuyển cho PRCIS.
Để che đậy việc làm của mình Kevin cũng chuyển cho CIA một số thông tin thu được từ Trung Quốc, điều này chứng tỏ Kevin thực sự là một điệp viên hai mang. Phân tích thiết bị cũng tiết lộ cho thấy Kevin đã chuyển cho Trung Quốc nhiều tài liệu quan trọng. Trong số này có 8 tài liệu còn lưu trên điện thoại, ba tài liệu trong số này có 1 được phân loại “tuyệt mật”, hai thuộc diện bí mật quốc gia.
Tin nhắn của Kevin trước khi gửi cho đặc vụ Trung Quốc trên chiếc điện thoại mà TQ đã tặng Kevin |
Sau này khi ra tòa, luật sư của Kevin đã biện hộ cho thân chủ của mình không làm gì sai mà chỉ thu thập thông tin về gián điệp Trung Quốc để cung cấp cho CIA nhưng các công tố viên đã đưa ra các bằng chứng, đó là chiếc điện thoại với các tin nhắn. Cũng tại tòa Kevin rất ngạc nhiên khi một đặc vụ của FBI (Cục Điều tra Liên bang) lại xuất hiện.
James Hamrock, một kỹ sư kiểm tra điện thoại cho FBI cho hay Kevin đã quá tin vào điện thoại và những người tặng mình mà không hề biết rằng đây là cái bẫy mật ngọt mà Trung Quốc đã dụ ông vào, trong đó có hai tin nhắn được FBI phục hồi cho thấy Kevin đã bán cho Trung Quốc nhiều thông tin mật. Các bằng chứng này không khiến Kevin phải tử hình nhưng phải bóc lịch suốt đời trong tù.
Kevin bị cáo buộc mắc tội MICE (tức hoạt động vì mục đích tiền bạc, thỏa hiệp, vì lợi ích cá nhân). Đúng là Kevin muốn kiếm tiền từ người Trung Quốc, nhưng cuối cùng thì không nhiều, chỉ được trả 25.000 USD từ việc bán thông tin mật. Trong số này có 16.500 USD bị thu giữ do không khai báo sau hai chuyến đi từ Thượng Hải trở về hồi tháng Tư tại sân bay O’Hare Airport ở Chicago. Hiện Kevin đang tạm giam tại trại cải tạo Alexandria ở Virginia chờ ngày tuyên án.
Kevin bị khám xét nhà hồi tháng 6-2017 |
Thấy gì qua vụ án Kevin Mallory?
Theo BBC, Leesburg, một thị trấn nhỏ thuộc quận Lounoun, nơi có nhiều người Hoa sinh sống và là ví dụ về phương thức hoạt động của Trung Quốc mặc dù nó ở xa Washington tới 65km, biểu tượng nước Mỹ đáng tin cậy, và dường như nằm ngoài những xung đột toàn cầu nhưng lại bị Trung Quốc lợi dụng tối đa. Bắc Kinh mua quyền truy cập vào một trạm phát thanh ở Leesburg, tần số WCRW 1190 AM, thông qua một công ty con. Theo cách quản lý của người Trung Quốc, các máy phát WCRW đã được chuyển đến Ashburn, một thị trấn gần Washington hơn.
Các tháp phát thanh được dựng trên vùng đất thuộc sở hữu của Công ty Loudoun Water, gần nơi diễn ra Lễ hội đèn lồng Zigong của Trung Quốc, một triển lãm du lịch được mở vào cuối năm ngoái. Trạm phát sóng có tên Đài Phát thanh Trung Quốc tại Washington (CWR) làm việc 24 giờ mỗi ngày với tín hiệu vô tuyến cực mạnh. Theo các quan chức tình báo Mỹ thì mục tiêu xây dựng đài phát này là thu thập và tuyên truyền thông tin tình báo, kinh tế và quân sự nhắm vào Mỹ.
Ngoài Leesburg, Trung Quốc còn phát các bản tin tương tự ở Philadelphia, Atlanta và nhiều thành phố khác. Theo báo cáo mang tên "Ảnh hưởng của Trung Quốc và lợi ích của Mỹ", việc tạo ra WCRW và các trạm phát thanh là một phần trong Chiến dịch Tuyên truyền Đối ngoại cung cấp cho thính giả trong khu vực "quan điểm" và "bình luận" về tin tức và sự kiện hiện tại để người dân ở Mỹ biết “những gì Trung Quốc đang nói và làm".
Theo các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, Kevin sẽ bị kết án vào đầu năm 2019 này. Bản án là lời cảnh báo cho những người đang có ý định làm gián điệp chống lại nước Mỹ và tiếng chuông cảnh tỉnh cho bản chất căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung mà theo như lời Mike Collins, phó trợ lý Giám đốc Trung tâm truyền giáo Đông Á của CIA nói tại Diễn đàn an ninh Aspen hồi năm ngoái thì "Mỹ đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào các hoạt động gây ảnh hưởng và gián điệp trên toàn cầu.
Trung Quốc đang cố gắng thu thập thông tin về Nhà Trắng và chính phủ, qua đó định hình cách các chính sách của Bắc Kinh và các hoạt động thương mại và quân sự của nước này để áp dụng trên trường thế giới. Xa hơn, Trung Quốc đang cố gắng thay đổi quan điểm của các chính trị gia và người dân Mỹ để có lợi cho Bắc Kinh, từ các vấn đề từ biển Đông cho đến việc thao túng tiền tệ”.
|
Đại bản doanh của đài phát thanh CWR |