| Hotline: 0983.970.780

Chuyện khu rừng thiêng của đồng bào M’nông và người phụ nữ 'ngoại tộc'

Thứ Tư 06/09/2023 , 08:47 (GMT+7)

Một khu rừng nhỏ, không chỉ rất đẹp mà còn nguyên vẹn, không bị tác động bởi bàn tay con người, mặc dù nằm giữa tứ bề là những khu dân cư đông đúc.

Khu rừng nằm ở thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Không chỉ là rừng nguyên sinh, nơi đây còn có một con thác đẹp nổi tiếng, thác Đắk Búk So. Sở dĩ khu rừng còn nguyên vẹn là do nó được cộng đồng người M’nông sống quanh coi là rừng thiêng, đã gắn bó và gìn giữ từ bao đời. Nhưng, từ gần chục năm nay, một người phụ nữ trẻ, không phải người M’nông, đã được đồng bào tin tưởng, “giao” lại khu rừng cho chị trông coi.

Người phụ nữ đó là chị Mai Thị Thái, ở thôn 8, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, Giám đốc HTX Vos Đắk Nông, một trong những thành viên của Công ty TNHH Hệ sinh thái Vos, có trụ sở ở tỉnh Đồng Tháp.

Thác Đắk Búk So mùa mưa. Ảnh: Phúc Lập.

Thác Đắk Búk So mùa mưa. Ảnh: Phúc Lập.

Khu rừng thiêng giữa vòng vây “đô thị hóa”

Tôi tình cờ biết khu rừng này khi đến tham quan mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng của HTX Vos Đắk Nông của chị Thái qua giới thiệu của Hội nông dân huyện Tuy Đức. Đến nơi, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy giữa khu dân cư, có một khu rừng già, còn nguyên vẹn với những cây cổ thụ gốc to vài vòng tay người lớn.

Phía đầu rừng, sát đường DT6, là con thác Đắk Búk So, đẹp như một dải lụa từ độ cao khoảng 20 mét, tuôn trào xuống suối Đắk Búk So. Từ hồ nước nhỏ phía dưới, một làn sương hơi nước mờ ảo, bảng lảng bốc lên, quyện vào những phiến đá mốc meo, đủ hình thù dưới lòng suối, rồi lại bay lên, thấm đẫm những tán lá, thân cây cổ thụ rêu phong, khiến cảnh vật huyền ảo. Phụ họa cho bức tranh cổ tích này còn có một bản hoà tấu, đó là âm thanh từ dòng thác, cùng tiếng ve rừng, tiếng lá rừng xào xạc.

Vào mùa khô, thác Đắk búk So nhìn như suối tóc người con gái, dịu dàng với âm thanh êm dịu. Ảnh: Phúc Lập.

Vào mùa khô, thác Đắk búk So nhìn như suối tóc người con gái, dịu dàng với âm thanh êm dịu. Ảnh: Phúc Lập.

“Không biết con thác này được đặt tên Đắk Búk So từ bao giờ, nhưng chắc chắn do đồng bào M’nông đặt. Bởi vì đây vốn là vùng đất người M’nông đã sinh sống từ bao đời trước. Thêm nữa, theo tiếng M’nông thì “Đắk” nghĩa là nước (cũng hàm ý là đất), còn “Búk So” là suối tóc. Do kết cấu của lớp đá phía trên thác vốn hình thành từ trầm tích núi lửa xưa, giống như một loại đá ong, nên khi dòng nước từ trên đổ xuống, đã tạo thành vô số những sợi nước nhỏ, mềm mại như mái tóc người con gái M'nông. Có lẽ đó là nguồn gốc cái tên Đắk Búk So”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nói với tôi.

Theo chân chị Thái xuống lòng suối, tôi phải rất vất vả mới theo kịp, mặc dù người phụ nữ có vẻ “chân yếu tay mềm và mang thêm một đôi ủng bảo hộ khá công kềnh. Xuống đến lòng suối, tôi ngồi xuống mỏm đá có lớp rêu dày, hít một hơi đầy lồng ngực và cảm nhận cái không khí mát mẻ, dễ chịu lạ thường.

“Dù ở ngoài nóng bức đến đâu đi nữa, vào đến đây 1 lúc là mát, lâu sẽ cảm thấy lạnh. Cho nên lúc nào tôi vào rừng cũng phải mặc áo khoác”, chị Thái nói rồi ngồi bệt xuống một phiến đá lớn giữa “chảo” nước từ thác đổ xuống, và nói tiếp: “Tảng đá này nếu là mùa mưa thì nằm giữa hồ nước, không thể lội ra ngồi được. Thác Đắk Búk So vào mùa mưa, nước chảy cuồn cuộn, ầm ào suốt ngày đêm, người nào mới đến đây không quen, buổi tối khó mà ngủ được. Còn vào mùa khô, như anh thấy đấy, thác “dịu dàng” hơn, âm thanh êm ái hơn, giống như một bản nhạc ru mình vào giấc ngủ vậy. Không biết mọi người thì sao, chứ riêng tôi, mỗi khi xuống suối, hay vào rừng ngồi dưới tán cây cổ thụ, vào mỗi thời điểm trong ngày, lại có cảm nhận khác nhau. Lúc thấy như mọi thứ đang dừng lại, thời gian ngừng trôi, lúc lại thấy bản thân mình là một thành viên trong cái “tập thể” rừng này. Có thể là một cây, là một viên đá, hay một sợi nước của dòng thác kia. Nói vậy có vẻ trừu tượng phải không? Thực ra, ý tôi muốn nói là tôi yêu khu rừng này, không biết từ khi nào, tôi đã coi nó là ngôi nhà của mình”, chị Thái tâm sự.

Với đôi ủng bảo hộ dưới chân và chiếc áo khoác bảo hộ, chị Thái có thể xuyên rừng cả ngày, không thua 'đấng mày râu'. Ảnh: Phúc Lập.

Với đôi ủng bảo hộ dưới chân và chiếc áo khoác bảo hộ, chị Thái có thể xuyên rừng cả ngày, không thua "đấng mày râu". Ảnh: Phúc Lập.

“Đó có phải nguyên nhân khiến chị được đồng bào tin tưởng, không phản đối khi nhà nước giao khu rừng này cho chị quản lý?”, tôi hỏi. Chị Thái trầm ngâm: “Đúng, nhưng chỉ một phần. Khu rừng này diện tích chỉ gần 3,5ha, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nhờ có cộng đồng người M’nông bản địa ở 2 Bon là Bu boong và Bu N’rung (thôn 6 và 8, xã Đắk Búk So) gìn giữ từ bao đời nay. Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình rất may mắn, hạnh phúc khi được cộng đồng bà con M’nông tin tưởng, ủng hộ khi nhà nước giao cho quản lý khu rừng này. Nhưng để được bà con tin tưởng không phải đơn giản đâu”. Tôi hỏi: “Không phải người bản địa mà được đồng bào đặt niềm tin, chị đã làm những gì?”.

“Hầu hết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có điểm chung là không chặt phá rừng bừa bãi. Họ cũng làm nhà bằng cây rừng, nhưng họ không chặt cây to, ai cũng có thể vào rừng tìm thức ăn như hái măng, bắt cá suối, hái rau rừng, săn thú….nhưng chỉ lấy những thứ cần thiết, đủ dùng. Đặc biệt, mỗi cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên đều có những khu rừng thiêng, ví dụ như khu rừng này của đồng bào M’nông. Họ quan niệm khu rừng đó là ngôi nhà của thần linh, nên không chỉ bảo vệ nghiêm ngặt mà còn có luật tục về bảo vệ rừng thiêng hẳn hoi”, chị Thái kể.

Chị Mai Thị Thái: 'Cách đây 1 tuần, có người dân đến hỏi tôi cho vào rừng tìm cây thuốc, tôi đồng ý, đến hôm sau vào thì thấy dây huyết rồng, cũng là một loại dược liệu quý bị chặt ngang. Họ chỉ cần 1 đoạn thôi mà chặt hết cả dây thế này. Rất tiếc. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Mai Thị Thái: "Cách đây 1 tuần, có người dân đến hỏi tôi cho vào rừng tìm cây thuốc, tôi đồng ý, đến hôm sau vào thì thấy dây huyết rồng, cũng là một loại dược liệu quý bị chặt ngang. Họ chỉ cần 1 đoạn thôi mà chặt hết cả dây thế này. Rất tiếc. Ảnh: Phúc Lập.

“Luật tục đó như thế nào”, tôi hỏi. Chị kể tiếp: “Ví dụ mỗi khi muốn chặt một cây cổ thụ, họ phải họp làng, được già làng đồng ý. Trước khi định chặt cây nào, họ mang gà, heo, hoặc lớn hơn là dê, bò, rượu cần, vào ngay gốc cây đó để cúng tế thần linh, nói rõ chặt cây nào, chặt làm gì. Khi chặt cây thì không được để cây đổ làm gãy cây xung quanh. Nếu ai tự ý chặt cây, sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, khi đốt rẫy gần rừng thiêng, nếu vô ý để lửa cháy lan sang cũng sẽ bị phạt. Luật tục M’nông còn qui định, người nào thấy rừng cháy mà không dập lửa, hoặc không thông báo cho mọi người, cũng bị phạt, nặng hay nhẹ tùy mức độ cháy”.

“Chị không phải người bản địa, lại sống ở đây chưa lâu, sao hiểu rõ nhiều tập tục của đồng bào vậy?”, tôi ngạc nhiên. Chị cười: “Đó là một lý do để đồng bào ở đây quý mến, tin tưởng và không coi tôi là “ngoại tộc”. Ngừng giây lát, chị nói tiếp: “Tôi là người mê rừng, yêu thiên nhiên, nên hễ sắp xếp được thời gian là lại “xách ba lô lên và đi”. Ngoài rừng ở Đắk Nông, tôi còn đến những khu rừng ở Đắk Lắk, Gia Lai, thậm chí Kon Tum. Vì thế, không chỉ hiểu tập tục, văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, mà còn gắn bó với họ, chia sẻ mọi thứ với họ, chỉ cho họ cách làm kinh tế, cách chăm sóc cây trồng…khi về đây lập nghiệp, tôi còn có điều kiện tiếp xúc với đồng bào nhiều hơn, riết rồi họ coi tôi như người nhà vậy thôi. Một lý do nữa là tôi có 15ha vườn trồng sầu riêng, gần như bao quanh khu rừng này. Với điều kiện thuận lợi như vậy nên sau khi tôi đề xuất với cơ quan chức năng về các kế hoạch bảo tồn rừng, sưu tầm và phát triển các nguồn gen dược liệu quý tại đây, họ xem xét rồi hướng dẫn tôi làm hồ sơ. Đến hôm nay thì như anh thấy”.

Chị Thái cho biết, mô hình nấm linh chi hữu cơ dưới tán rừng sau 3 năm trồng thử nghiệm, được đánh giá hiệu quả cao. Đây sẽ là một hướng mới giúp người đồng bào nâng cao đời sống. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Thái cho biết, mô hình nấm linh chi hữu cơ dưới tán rừng sau 3 năm trồng thử nghiệm, được đánh giá hiệu quả cao. Đây sẽ là một hướng mới giúp người đồng bào nâng cao đời sống. Ảnh: Phúc Lập.

"Đây là một khu rừng quý, tiềm năng rất lớn, nó có thể mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người dân quanh rừng. Một minh chứng là mô hình trồng nấm linh chi hữu cơ dưới tán rừng của tôi, sau 3 năm trồng thử nghiệm thì nay đã cho cho kết quả rất khả quan. Với giá từ 1,6 - 2 triệu đồng/kg nấm, trồng 1 lần thu hoạch 3 - 4 lần, nên chỉ cần vài sào đất dưới tán rừng trồng nấm là đủ cho một gia đình khá dần lên. Sắp tới đây tôi sẽ nhân rộng mô hình, để người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào M’nông ở Đắk Búk So, cùng tham gia. Tôi tin mô hình sẽ đạt hiệu quả cao”, chị Mai Thị Thái nói.

Và câu chuyện “nữ hoàng trà”

Không chỉ chăm chút cho khu rừng quý, trồng thành công loại dược liệu quá dưới tán rừng nguyên sinh, chị Mai Thị Thái còn dành rất nhiều tâm huyết, đi khắp mọi nẻo rừng Tây Nguyên để tìm cây trà hoa vàng, loại cây được ví là “nữ hoàng” trong các loại cây trà, về trồng ở khu rừng Đắk Búk So này.

Trong lúc trò chuyện, chị Thái “bật mí”: “Tôi đã sưu tầm được gần 100 loại trà hoa vàng ở nhiều vùng trong cả nước, từ Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Quảng Ninh, đến những cánh rừng Tây Nguyên, về đây trồng. Một số cây đã bắt đầu ra hoa rồi. Đây là một dược liệu quý, cần được bảo tồn”.

Một cây trà hoa vàng trong rừng Đắk Búk So trổ bông sau 4 năm di thực từ rừng Chư Pưh (Gia Lai) về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một cây trà hoa vàng trong rừng Đắk Búk So trổ bông sau 4 năm di thực từ rừng Chư Pưh (Gia Lai) về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Từ đâu mà chị lại dành tâm huyết cho cây trà hoa vàng?”, tôi hỏi. “Tôi vốn là người trồng, xuất khẩu các loại cây ăn trái. Trong quá trình làm ăn, tôi thấy thương lái thu mua các loại cây trà (trong đó có trà hoa vàng) với giá khá cao và thu gom tất cả rễ, cành, lá để bán sang Trung Quốc. Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, tôi mới biết đây là một loại dược liệu rất quý và hiếm, nhưng lại bị thương lái Trung Quốc sang đặt mua kiểu tận diệt. Và sau đó, tôi quyết định bảo tồn các giống trà hoa vàng quý này”.

“Sau khi tìm hiểu kỹ về cây trà hoa vàng, năm 2018, tôi lặn lội ra Ba Chẽ, Quảng Ninh, ở lại mấy ngày tham quan, học hỏi mô hình trồng trà hoa vàng của một người quen ở đây. Đến khi về, họ tặng tôi 5 cây giống, loại ươm hạt, nhưng do chỉ có mấy cây giống nhỏ xíu, nghĩ xách tay được nên tôi không gói kỹ, không ký gửi, đến khi ra sân bay thì họ không cho mang đất, tôi phải gỡ hết đất ra, chỉ còn trơ lại bộ rễ, vào đến nơi thì chỉ còn 1 cây sống. Sau lần đó, tôi còn đi ra Lào Cai, Yên Bái, Tam Đảo, tìm cây trà, và rút kinh nghiệm, tôi gửi xe đò”, chị Thái kể.

Chị Thái: 'Cây trà hoa vàng này 3 năm tuổi, chừng 1 năm nữa có thể ra hoa'. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Thái: "Cây trà hoa vàng này 3 năm tuổi, chừng 1 năm nữa có thể ra hoa". Ảnh: Phúc Lập.

Đến nay, sau 5 năm lặn lội từ Bắc vào Nam sưu tầm nữ hoàng trà, khu rừng Đắk Búk So đã có hàng chục loại trà hoa vàng. Nhiều cây đã có hoa. Chị Thái cho biết, sẽ dưỡng số cây này để nhân giống. Ước mơ của chị là sẽ có những thảm trà hoa vàng rải khắp khu rừng này.  “Mỗi buổi sáng thức dậy, không có gì hạnh phúc hơn là được ngắm những bông hoa trà còn đọng những giọt sương đêm, đó là những hạt ngọc đậu trên cánh hoa ngọc. Đã bao lần ngắm nhìn hoa như thế, lòng tôi vẫn xốn xang trước nét kiêu sa, tinh khôi của chúng”, chị Thái trải lòng.

“Ngoài hồng trà, còn một dòng trà hoa vàng khác cũng vô cùng quý hiếm, đó là trà hoa vàng Thạch Châu. “Theo cuốn sách “Cây cỏ Việt Nam” của nhà thực vật học Phạm Hoàng Hộ, thì giống trà hoa vàng Thạch Châu được một người Pháp phát hiện vào những năm đầu thế kỷ 20 ở vùng rừng giáp ranh giữa huyện Đơn Dương và TP. Đà Lạt ngày nay. Năm 2016, TS. Trần Hồ Quang ở Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã đăng ký trình tự mã vạch AND trên Ngân hàng gen Quốc tế, đánh dấu dòng trà này mới chỉ phát hiện duy nhất ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam”, chị Mai Thị Thái.

“Hoa của loài cây này có những công dụng gì, chế biến thế nào?”, tôi hỏi. “Theo tôi tìm hiểu qua các tài liệu và qua TS. Lương Văn Dũng, giảng viên ngành Sinh học của trường Đại học Đà Lạt, người giúp tôi viết đề tài “Xây dựng mô hình phát triển cây trà hoa vàng bản địa gắn với du lịch sinh thái tại huyện Tuy Đức”, thì trên thế giới có hơn 200 loại trà hoa vàng khác nhau. Riêng Việt Nam có nhiều giống trà đặc hữu, quý hiếm. Trong hoa và lá trà hoa vàng có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế, tác động và giảm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ lipid máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, ngăn ngừa huyết khối, phòng ngừa các bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn thần kinh như: Alzheimer hay Parkinson, chống viêm loét dạ dày và kéo dài tuổi thọ. Toàn bộ thân, rễ, hoa, lá của trà hoa vàng đều là dược liệu. Riêng hoa, sau nở khoảng 10 ngày thì tàn, mình chỉ cần thu hái, mang vào phơi khô và pha trà uống thôi. Nước trà có mùi hương dịu nhẹ đặc trưng,  rất quyến rũ”, chị Thái nói.

Chị Mai Thị Thái: 'Tôi mong Việt Nam sẽ có công viên trà hoa vàng'. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Mai Thị Thái: "Tôi mong Việt Nam sẽ có công viên trà hoa vàng". Ảnh: Phúc Lập.

Nghe tôi hỏi: “Chị có kỷ niệm gì đáng nhớ trong những năm tháng lặn lội trên rừng tìm cây trà hoa vàng?”, chị Thái cười: “Kỷ niệm về rừng thì chắc nói cả ngày không hết quá”. Ngừng lời vài giây, chị nói tiếp: “Có một lần, tôi đọc được bài báo nói ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk, có cây hồng trà, một trong số các dòng trà hoa vàng, nhưng đây là giống trà độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Sau khi đọc xong bài báo, cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau, tôi liên hệ ngay với mấy anh kiểm lâm quen để hỏi. Nhưng mấy anh hẹn vài ngày sau mới dẫn đi được. Tôi sốt ruột nên lại gọi cho mấy người dân thường hay đi rừng để hỏi, gửi hình cho họ xem. Cuối cùng, có 1 anh trong số đó gọi cho tôi, nói thấy có cây giống hình chị gửi, tôi nói anh ấy chụp hình cho tôi xem, và xác định đúng là hồng trà. Vậy là tôi lập tức lên đường.

Trước khi đi, anh bạn gọi nói với tôi là chỗ có cây này rất xa, phải vượt qua mấy ngọn núi thấp mới đến nơi, tôi không bận tâm, quyết lên đường. Và đúng như lời anh bạn nói, chuyến đi rừng ấy gian khổ nhất mà tôi từng trải qua. Không chỉ xa, mà còn hết lội suối lại vượt đồi, khắp người tôi đầy vết xước vì cành cây, gai rừng cào, 10 đầu ngón chân đụng vào là đau nhức, dù đồ cá nhân đã được mấy người thợ rừng mang giúp, nhưng tôi vẫn thấy đôi chân như không phải của mình, nặng như chì. Suốt chuyến đi, tôi bị cả mấy chục con vắt hút máu, rồi mấy lần đụng trúng rắn lục ngay trên đầu mình.

Bông hoa của cây trà hoa vàng dòng hồng trà quý hiếm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bông hoa của cây trà hoa vàng dòng hồng trà quý hiếm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng đến khi nhìn thấy những bông hoa hồng trà nở hồng rực, thì không biết sức khoẻ từ đâu trỗi dậy, tôi ù chạy đến ngắm, sờ, ngửi những bông hoa, vuốt ve những lá trà. Không hạnh phúc nào bằng. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại cảm xúc lúc đó, tôi vẫn lâng lâng như mới xảy ra hôm qua”.

Chiều muộn, tôi rời khu rừng thiêng Đắk Búk So trong tiếc nuối, bởi khu rừng và cả những câu chuyện của người phụ nữ như đang muốn níu chân tôi. Lên xe rồi, trong tôi vẫn văng vẳng lời chị Thái: “Tôi ước Việt Nam sẽ có những công viên trà hoa vàng với hàng trăm loài cùng đua nhau khoe sắc. Và ngay tại khu rừng này, những cây cổ thụ sẽ đứng trên những vạt hoa đủ màu sắc của trà hoa vàng”.

Tính đến thời điểm này, mô hình trồng các loại trà quý dưới tán rừng Đắk Búk So của chị Thái là duy nhất của tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, chị Thái đã sưu tầm được khoảng hơn 30 dòng trà hoa vàng trồng trong khu rừng Đắk Búk So này. Mặc dù là cây trồng mới trên vùng đất này, nhưng sau mấy năm trồng, cây phát triển rất tốt, nhiều cây đã ra hoa. Đến bây giờ có thể khẳng định thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất phù hợp với các dòng trà hoa vàng”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.