| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

Chuyển mạnh từ sản xuất tự phát sang liên kết trong các tổ chức nông dân

Thứ Tư 12/08/2020 , 06:01 (GMT+7)

Tái canh cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên đang chuyển mạnh từ sản xuất tự phát sang mô hình liên kết trong các tổ chức nông dân, hợp tác xã (HTX).

Vườn cà phê tái canh cho năng suất vượt trội. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê tái canh cho năng suất vượt trội. Ảnh: Tuấn Anh.

Chính việc chuyển sang mô hình liên kết đã giúp người dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng.

Phát triển mạnh tái canh cà phê trong các HTX

HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng EaKmat – Hòa Đông (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Mê Thuột) là một trong những đơn vị có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh Đăk Lăk với hơn 460 ha. Trong những năm qua, các thành viên trong HTX đã đẩy mạnh tái canh nhằm thay thế cho những vườn cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Đến nay, với sự hỗ trợ của dự án VnSAT, tổng diện tích tái canh của HTX đã đạt khoảng 200 ha.

Ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Giám đốc HTX Công Bằng EaKmat - Hòa Đông cho biết,  trước đây, người dân chủ yếu chủ yếu trồng cà phê theo phương thức truyền thống, năng suất không cao. Tuy nhiên, từ khi các thành viên thực hiện tái canh, được dự án VnSAT mua giống cà phê chất lượng, cùng với đó là công tác đào tạo, tập huấn nên sản lượng được nâng cao rõ rệt.

Ông Quyền cho biết: “Trồng cà phê theo phương thức truyền thống sản lượng chỉ đạt 1,8 – 2 tấn nhân/ha, trong khi với quy trình tái canh bền vững, trong năm đầu tiên thu hoạch đã cho sản lượng khoảng 4 tấn nhân/ha".

Nhờ hiệu quả trong tái canh bền vững, đời sống người dân trong HTX Công Bằng EakMat – Hòa Đông đã thay đổi rõ rệt. Điển hình, gia đình ông Y cưm êban (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) có 7 sào cà phê, trước đây sản lượng chỉ đạt khoảng 7 tạ, doanh thu hàng năm gần 30 triệu đồng. Sau khi tái canh, vườn cà phê của gia đình ông đã cho năng suất 2,7 tấn, doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Quyền, ngoài việc được hỗ trợ tập huấn cho các thành viên, HTX còn được dự án VnSAT hỗ trợ vốn hơn 7 tỷ đồng để xây dựng cơ cở hạ tầng với hệ thống đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà kho, sân phơi và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc sơ chế cà phê. Qua đó từng bước nâng cao chuỗi giá trị cho cây cà phê của các thành viên trong HTX.

Thông qua dự án VnSAT, sức lan tỏa tái canh phủ sóng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Thông qua dự án VnSAT, sức lan tỏa tái canh phủ sóng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, tái canh cà phê tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) cũng diễn ra mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.

Bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Bình Minh cho biết, tính từ 2014 đến nay, diện tích tái canh cà phê của tất cả các thành viên trong HTX lên đến gần 500 ha. Sở dĩ có diện tích tái canh lớn như vậy là do nhiều vườn cà phê già cỗi của người dân trồng từ những năm 1992 sinh trưởng kém buộc phải trồng mới.

Năm 2017, HTX bắt đầu tiếp cận được dự án VnSAT, các thành viên được đưa đi đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê tái canh. Cùng với đó các thành viên được giới thiệu cây giống chất lượng để thay thế cho các cây giống kém hiệu quả.

Thông qua dự án VnSAT, công cuộc tái canh cà phê của người dân đã mang lại nhiều thành công, năng suất cà phê vượt trội. Hiện tại, nhiều vườn cà phê của các hộ dân đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4 tấn nhân/ha.

“Trước đây người dân sử dụng giống không có chọn lọc dẫn đến năng suất không cao. Những năm gần đây, thông qua dự án VnSAT, họ đã chọn mua cây giống cho ra quả lớn, năng suất cao, dễ chăm sóc” – bà Châu cho biết.

Tại Kon Tum, công cuộc tái canh cà phê cũng đã có những chuyển biến rõ nét. HTX Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) là đơn vị tiên phong trong tái canh với gần 2 ha trồng mới trong thời gian qua.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung, tái canh cà phê cho năng suất vượt trội, mới chỉ bước vào thu bói đã đạt trên 2 tấn nhân/ha.

“Trồng cà phê bây giờ quan trọng nhất phải có kỹ thuật cao trong phòng trừ tuyến trùng đất. Thông qua các lớp tập huấn của VnSAT, bệnh tuyến trùng đất đã được xử lý hiệu quả, vườn cà phê của người dân phát triển rất tốt” – ông Sáu nói và cho biết, HTX sẽ mở rộng thêm 5 ha diện tích tái canh cà phê trong năm 2020.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kon Tum cho biết, tái canh cây cà phê bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị của ngành cà phê đang được các tổ HTX đặc biệt chú trọng.

Theo đánh giá của bà Lương, các hộ dân nằm trong HTX tham gia tái canh cà phê thường mang lại hiệu quả hơn các hộ dân tái canh đơn lẻ. Các hộ dân trong HTX khi tái canh phải theo quy trình trồng nghiêm ngặt, sản phẩm phải đạt chất lượng để đáp ứng trong liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Sức lan tỏa từ dự án VnSAT

Thông qua dự án VnSAT, phong trào tái canh cà phê bền vững đang phủ khắp ở các tỉnh Tây Nguyên. Các lớp đào tạo, tập huấn, cùng nhiều mô hình trình diễn tái canh cà phê được VnSAT triển khai khắp nơi đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong các hộ dân.

Tại Đăk Lăk,  cho đến thời điểm này, VnSAT đã đào tạo, tập huấn cho 531 lớp tái canh bền vững với khoảng 19.000 lượt người tham gia trên diện tích 20.000 ha cây cà phê. Hiện có 52 tổ chức nông dân thuộc vùng dự án được VnSAT hỗ trợ.

Trong năm 2020, VnSAT Đăk Lăk dự kiến sẽ tập huấn cho 150 lớp và đã triển khai được 50 lớp. Sau khi được đào tạo, VnSAT Đăk Lăk sẽ cấp chứng chỉ để cho người dân có cơ sở vay vốn của dự án tại các ngân hàng thương mại.

Tái canh cà phê giúp đời sống người dân nâng cao rõ rệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Tái canh cà phê giúp đời sống người dân nâng cao rõ rệt. Ảnh: Tuấn Anh.

Song song với việc đào tạo, tập huấn, VnSAT Đăk Lăk cũng sẽ xây dựng mô hình tái canh bền vững để bà con nông dân có thể học hỏi.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk đánh giá: “Cho đến bây giờ, chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề tái canh của tỉnh Đăk Lăk rất thành công. Đến nay, đã có gần 4.000 ha cà phê tái canh do VnSAT đào tạo, trong đó 50% người dân được hỗ trợ vay vốn về tái canh, còn lại người dân tự bỏ kinh phí để thực hiện tái canh.

Tại Kon Tum, dự án VnSAT đã thực hiện được hơn 300 ha, tập trung chủ yếu ở Đăk Hà, Kon Plông, Đăk Glei. Mục tiêu của VnSAT Kon Tum khi kết thúc dự án sẽ đạt 500 ha tái canh cà phê bền vững.

Hiện nay, VnSAT Kon Tum cũng đẩy mạnh tập huấn tái canh bền vững cho các hộ dân có nhu cầu theo quy trình của Bộ NN-PTNT.

Để hỗ trợ tập huấn, VnSAT Kon Tum đã ký hợp đồng trách nhiệm với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum xây dựng nhiều mô hình trình diễn tái canh để các hộ dân có thể học hỏi. Tính đến hết năm 2019, VnSAT đã thành lập được 23 mô hình với 17,1 ha cà phê tái canh bền vững.

Đối với các hộ dân thực hiện mô hình tái canh cà phê được dự án hỗ trợ 100% chi phí cây giống, chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, thuốc BVTV.

Từ các lớp tập huấn, người dân đã nắm bắt tốt quy trình chăm sóc cà phê bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ các lớp tập huấn, người dân đã nắm bắt tốt quy trình chăm sóc cà phê bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Về hiệu quả trong tái canh, theo đánh giá của bà Lương, hiện nay phần lớn người dân đã sử dụng giống cho năng suất cao.

Trong đó, giống TRS1 và TR4 được người dân sử dụng nhiều. Mặt khác, nguồn đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum rất tốt, ít bị tuyến trùng nên cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt. Năng suất của cà phê tái canh cũng rất tốt, trồng năm thứ 2 đã thu bói, bước sang năm thứ 3 đã kinh doanh với sản lượng khoảng 16-17 tấn quả tươi/ha.

“Khi dự án VnSAT bắt đầu triển khai tại Kon Tum, người dân còn bỡ ngỡ nhưng đến thời điểm này, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, người dân đã chú trọng hơn trong việc trồng cà phê theo hướng bền vững. Họ đã biết cách sử dụng nguồn nước, phân bón hiệu quả, tránh dư thừa về đạm.

Đặc biệt đã chú trọng hơn về cây che bóng. Trước đây người dân sử dụng nhiều cây muồng để che bóng, nhưng hiện nay đã được thay bằng cây ăn quả góp phần tăng thu nhập”, bà Lương cho biết.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Gia Lai cho biết, VnSAT Gia Lai đã đặt ra những mục tiêu chính trong tái canh cà phê bền vững. Cụ thể, trong vùng sản xuất cà phê, số người hưởng lợi từ dự án VnSAT ngày càng tăng lên. Tại Gia Lai, hiện số người hưởng lợi từ dự án VnSAT đạt khoảng 4.000 người.

Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, người dân sẽ được nâng cao trình độ về sản xuất cà phê bền vững. Chuyển dần từ sản xuất tự phát sang mô hình liên kết sản xuất trong các tổ chức nông dân, HTX, qua đó giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cách quản lý chất lượng nông sản để đưa sản phẩm ra thị trường và bảo đảm đầu ra ổn định.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất