| Hotline: 0983.970.780

'Có chết cha mẹ mới buông các con'

Thứ Tư 25/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tôi muốn mượn câu hát này để viết về họ. Bố mẹ nào chẳng thương con, nhưng tình thương của đôi vợ chồng già dành cho những đứa con kém may mắn mà tôi sẽ kể dưới đây thì chắc không nhiều người có.

Cả đời, họ đã vắt đến những giọt sức lực cuối cùng để che chở, bồi đắp cho các con.

Trên con đường bê tông ngoằn ngoèo dẫn vào xóm nhỏ trên quốc lộ 1A, một căn nhà cấp bốn đã cũ nát là tổ ấm của 5 con người. Hai già và 3 người trẻ tàn tật sống dựa vào nhau. Họ quấn quýt không rời trong những cơn cùng cực khốn khó.

Đó là gia đình của ông Nguyễn Vỹ (SN 1945) và bà Võ Thị Dung (SN 1952, ngụ thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cùng 3 đứa con bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam.

Vì những đứa con đều bị tàn tật nên cả ông Vỹ và bà Dung đều đã dành trọn cuộc đời cho các con. Họ quần quật từ sáng đến tối với đồng ruộng, với con trâu, cái cày. Đêm về họ lại không yên bởi giấc ngủ chập chờn của những đứa con.

Không còn nước mắt để khóc

Quen biết nhau vì là hàng xóm láng giềng, bà Dung và ông Vỹ kết hôn. Năm 1971, bà Dung sinh con trai đầu đặt tên là Nguyễn Vũ Á. Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng đến hơn 1 tuổi, Á vẫn không biết khóc, cười, đi đứng.

“Thời đó khó khăn quá nên vợ chồng tôi chỉ biết bồng con đi những thầy thuốc gần nhà. Chữa không khỏi rồi đành chịu chứ biết làm sao”, ông Vỹ tâm sự.

Năm năm sau, bà Dung lại tiếp tục sinh lần lượt hai người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Phú và Nguyễn Thị Phát. Cả hai cô con gái đều có triệu chứng giống anh trai.

“Phát đỡ hơn con Phú vì có thể đi lại được nhưng thân hình còm cõi. Lớn rồi mà vẫn như một đứa con nít, suốt ngày chỉ cười ngặt nghẽo rồi khóc chứ không biết nói. Con Phát thì thân hình mềm oặt, không đi đứng được, chỉ ú ớ như trẻ tập nói”, bà Dung chua xót.

Thời đó, ông Vỹ làm cho Hợp tác xã nên được động viên sinh ít con. Ông đã trần tình với lãnh đạo rằng 3 đứa con ông đều tật nguyền nên xin được đẻ thêm đứa nữa. Hạnh phúc nở nụ cười khi người con trai út là Nguyễn Bá Huy (SN 1978) khỏe mạnh, lành lặn đến tuổi trưởng thành.

“Những ngày chăm Huy mà vợ chồng tôi phập phồng lo sợ. Sợ nó rồi đây cũng như các anh, các chị”, ông Vỹ kể.

Huy phát triển bình thường như bao trẻ khác và chăm chỉ học tập. Năm 2003, Huy bắt đầu xin vào làm việc trong một xưởng may tại TP Đà Nẵng. Từ khi nhận được đồng lương đầu tiên, Huy luôn ý thức mang về giúp đỡ gia đình. Thấy con trai trưởng thành khôn lớn, cả vợ chồng ông Vỹ đều có ý muốn Huy lập gia đình để sinh con nối dõi tông đường.

Đầu năm 2007, sợ bố mẹ già yếu phải lo toan anh chị nhọc lòng, Huy xin về làm một Cty may mặc tại TP Tam Kỳ. Sáng sớm, Huy đi làm và chiều tối lại về phụ bố mẹ chăm lo cho anh chị.

Định mệnh như đã viết sẵn, tai ương lại ập đến với gia đình họ khi mà Huy bị tai nạn trong một chuyến đi chơi.

“Đó là vào buổi sáng Chủ nhật, nó nghỉ làm nên đi chơi ở đập Phú Ninh với bạn bè. Chiếc ghe chở nó cùng với hơn 10 đứa bạn bị lật úp. Nó cùng 5 đứa nữa bị chìm hút trong lòng hồ”, ông Vỹ kể mà đôi mắt đỏ hoe chực khóc. Bà Dung đứng bên cạnh cũng không nén được cảm xúc òa khóc nức nở.

Buổi sáng định mệnh đó đã cướp đi sinh mạng của đứa con trai lành lặn duy nhất, niềm hy vọng cuối cùng của hai vợ chồng già ở cái tuổi gần đất xa trời.

Ông Vỹ nhanh chân chạy lên đập Phú Ninh với hy vọng con trai ông vẫn còn sống. Ngày thứ 4 sau sự cố lật ghe, Huy được tìm thấy khi xác nổi lên cùng các bạn.

14-52-42_nh-2-ong-vy-phu-vo-chm-soc-con
Ông Vỹ cũng phụ vợ chăm người con trai đã hơn 40 tuổi

Tang tóc phủ lên gia đình và nỗi đau dường như tăng lên gấp ngàn lần. “Tất cả hy vọng của gia đình là ở Huy, vậy mà nó nỡ lìa xa ba mẹ nó khi còn quá trẻ. Lời hứa của con sẽ ở vậy để chăm lo cho gia đình đã như gió thoảng mây bay”, bà Dung nghẹn ngào.

Mặc dù rất đau xót nhưng nghĩ đến 3 đứa con tàn tật, cả ông bà lại gượng dậy làm lẽ sống cho các con. Bất hạnh chồng chất, nước mắt cũng không còn để khóc, họ lại dìu nhau đứng dậy làm chỗ dựa cho con.

Có chết cha mẹ mới buông các con

Khi chúng tôi đến, cả gia đình ông Vỹ đang ngồi bên mâm cơm. Bữa cơm không trọn vẹn của đôi vợ chồng già thường nhật vì ông bà phải đút cơm cho mỗi đứa con.

Anh Á nay đã qua tuổi 40 nhưng thi thoảng mới biết tự dùng thìa xúc cơm. Thấy con khổ sở đưa cơm lên miệng, bà Dung lại nhào đến đút cho con.

Nhìn thấy mâm cơm mà không ai khỏi chạnh lòng xót xa. Một tô cơm đã nguội lạnh nằm bên cạnh một chiếc chén nhỏ để một khúc cá kho. Đó là bữa ăn của cả gia đình 5 người.

Bà Dung chia khúc cá ra trộn vào bát cơm để lần lượt đút cho từng người con. Các con ăn xong thì mới đến lượt hai ông bà. Nhìn cảnh hai vợ chồng đầu tóc bạc trắng ngồi bón từng thìa cơm cho các con mà tôi chực rơi nước mắt.

Không chỉ bón cơm, vợ chồng bà còn phải chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh, dỗ dành từng giấc ngủ cho những đứa con. Nhà có 7 sào ruộng, thu nhập mỗi năm hai mùa chỉ chừng 6 triệu đồng. Chính quyền xót thương nên hỗ trợ chính sách cho vay để mua trâu giống. Nhà ông Vỹ sống nhờ tất cả vào đó.

“Ruộng thì đến mùa gieo, gặt hàng xóm vào làm giúp cho chứ vợ chồng tôi già rồi cũng chỉ làm phụ thôi. Nuôi con trâu để đẻ rồi khi cần lại bán lấy tiền xoay xở”, bà Dung tâm sự.

Vất vả là thế nhưng mỗi khi nhìn các con, vợ chồng ông bà lại vui vẻ, hạnh phúc. “Từng tuổi này rồi, các con tôi vẫn chưa một ngày phải xa mẹ. Đi đâu về cũng dụi đầu vào lòng mẹ như một đứa trẻ”, bà Dung trải lòng.

14-52-42_nh-3-vo-chong-ong-vy-vt-v-muu-sinh
Mặc dù đã già, ông Vỹ và vợ vẫn mưu sinh để nuôi 3 con tàn tật

Nhưng rồi ông bà lại đối diện với nỗi lo. “Bả năm nay 61, tôi đã gần 70. Không biết khi nào thì chúng tôi rời khỏi cõi đời vì tuổi tác. Tôi và bả chẳng lo ngại chi cả, ngặt một điều, chết rồi ai sẽ chăm lo cho mấy đứa con tôi”, ông Vỹ đau xót.

Nỗi lo đó càng ngày càng tăng dần khi sức khỏe của hai người mỗi ngày một yếu đi vì tuổi tác. Có nhiều người đã khuyên gia đình ông đưa 3 người con đi chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Cũng có lần những trung tâm này đến tận nơi để xin nhận nuôi nhưng ông bà đều lắc đầu.

“Chúng tôi đã bên nhau trong những ngày đau khổ nhất. Còn sống, tụi tôi cũng quyết chăm lo cho con. Chỉ khi chúng tôi trút hơi thở cuối cùng thì mới thôi nắm tay các con”, bà Dung rắn rỏi.

Hàng xóm có người thương ủng hộ vợ chồng bà miếng gạo, manh áo mỗi khi đói nghèo. Có người bảo ông bà dại khi không đưa con đi trung tâm bảo trợ để an hưởng tuổi già. Chúng tôi rời khỏi nhà, lời bà Dung cưng nựng cô con gái  vẫn vang lên: “Cha mẹ sẽ nuôi tụi bây đến khi cha mẹ chết mới thôi”.

Chị Phú cười ngặt nghẽo. Không hiểu mẹ nói gì nhưng người phụ nữ 38 tuổi này vẫn rúc đầu vào lòng mẹ như thuở còn ấu thơ.

Chiếc điện thoại cũ kỹ của anh Huy thường dùng được vớt lên nguyên vẹn cùng với xác vẫn được ông Vỹ cất giữ cẩn thận. Khi nào máy hết pin, ông lại cắm sạc cho đầy.

“Những thứ vật dụng thằng Huy xài, vợ chồng tôi luôn cất giữ rất kỹ. Chiếc xe máy nó đi vẫn còn để trong nhà chứ không bán đi. Thậm chí đến đôi giày vẫn còn để dưới tủ quần áo”, ông Vỹ nấc nghẹn.

Còn bà Dung thì luôn nhắc đến câu chuyện anh Huy hứa với mẹ sẽ mua cho bà một chiếc áo ấm bằng nhung vào mùa đông năm anh mất.

“Nó nói con muốn mẹ có một chiếc áo mới chứ từng tuổi này, con chưa khi nào thấy mẹ mặc đồ mới. Chưa kịp thực hiện thì nó đã đi rồi”, bà Dung khóc. Niềm hy vọng của đôi vợ chồng già vẫn ở mãi trong tâm khảm của họ.

 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).