| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời phía sau 'Cô Vy':

Cô giáo chật vật mưu sinh

Thứ Năm 09/04/2020 , 09:39 (GMT+7)

Khi học sinh tạm nghỉ học tránh dịch, hàng ngàn giáo viên đã gặp khó khăn “ngay và luôn”. Nhiều người trong số họ phải “quay cuồng” tìm cách mưu sinh.

Cô giáo Hiếu Hiền làm thêm bằng nghề thêu. Ảnh: Phúc Lập.

Cô giáo Hiếu Hiền làm thêm bằng nghề thêu. Ảnh: Phúc Lập.

“Đổ mồ hôi, sôi nước mắt”

Chỉ tìm hiểu sơ qua vài người quen, tôi đã có trong tay cả chục trường hợp là những giáo viên, bảo mẫu tại các trường tiểu học, mầm non, đã và đang bươn chải làm thêm. Đáng nể là dù vất vả, khó khăn, hay thất bại, họ không nhụt chí.

Chuyện của vợ chồng anh Sơn, bạn tôi, là một trường hợp như thế. Chị Thu, vợ anh là giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học ở quận Gò Vấp. Khi dịch bùng phát, trường tạm đóng cửa, thu nhập giảm sút, lại ở nhà chẳng có việc gì làm, buồn chân buồn tay, chị Thu bắt đầu tìm việc làm thêm.

Lúc tôi đến, vợ anh đi giao hàng chưa về. Tôi chưa kịp ngồi, đã nghe anh bạn hài hước: “Hận con virus Corona ghê. Nó làm vợ tôi khổ, rồi bả làm tôi khổ lây”. Thấy tôi tròn mắt chưa hiểu, Sơn nói tiếp: “Cả tháng nay bả làm thêm đủ thứ việc, vất vả quá mà chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn lỗ”.

Sơn cho biết, ban đầu vợ anh hùn hạp với người bạn, mượn xe bún bò bỏ không của gia đình cô ấy để bán. Cũng bỏ ra một số tiền để mua sắm đồ đạc lặt vặt. Mấy ngày đầu bán cũng được, nhiều bạn bè đồng nghiệp ủng hộ.

Nhưng bán chưa được bao lâu thì có Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Không được bán tại chỗ nữa. Thế là họ chuyển qua bán online. Lên mạng zalo, facebook kêu gọi bạn bè ủng hộ. Nhưng ủng hộ cũng chỉ lâu lâu một lần, chứ ai mà ngày nào cũng ăn một món được. Vậy là dẹp”, anh kể.

Cô giáo Minh Sang đang đổ bánh lăng. Ảnh: Phúc Lập.

Cô giáo Minh Sang đang đổ bánh lăng. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi vụ bún bò thất bại, vợ anh lại mày mò tìm cách bán đồ online, bắt đầu ngồi “ôm” điện thoại, đăng hình các loại quần áo nữ, mỹ phẩm chăm sóc da, nước hoa. Nhưng, cả tuần liền chẳng bán được món nào. Đã vậy, chị còn khiến anh vất vả mấy lần vì bị người mua “chơi khăm”.

“Đặt hàng xong, chốt giá, bả đua địa chỉ kêu tôi đi giao hàng. Đến nơi, tìm hoài không thấy số nhà, gọi vào số điện thoại đặt mua hàng, thì một giọng nam lớn tuổi bắt máy, nghe tôi nói xong, ổng đáp gọn “Tôi đặt mua đồ nữ làm gì?”, rồi cúp máy. Ông thấy có điên không?

Sau vụ này, bả chuyển sang làm bánh bột lọc, bánh kem, nấu chè, trà sữa trân châu bán online. Lần này thì có khách. Nên từ bữa bán món này đến giờ, tôi thành người giao hàng chuyên nghiệp. Thú thiệt, giờ tôi mới thấm câu “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.

Anh trầm tư, tự nhủ: “Nói vậy thôi chứ cũng thương. Không có bả là mệt. Lúc chưa có dịch, mọi chuyện trong nhà một tay bả vun vén. Giờ khó khăn, mình phải biết chia sẻ chứ”.

Chẳng biết kiếm được bao nhiêu, mà sáng bả kêu dậy sớm, dúi cho một thùng xốp, nói anh giao giúp em đến chỗ này cho em, cũng tiện đường anh đi làm thôi. Rồi chiều đi làm về, chưa kịp thay đồ, bả lại dúi thêm thùng khác.

Nói anh tranh thủ đi giao giúp em, nhà con Hường bạn em, anh đến rồi đó. Xong anh về có cơm ăn liền. Vậy mà ông biết không, hoàn thành việc bả giao, về vẫn thấy bả ngồi ôm cái điện thoại”, anh bạn tôi “tường trình” bằng nét mặt thiểu não, khiến tôi không nhịn được cười.

Nhóm giáo viên trường mầm non Trẻ Thơ, quận 12, góp vốn làm ăn 'quy mô' hơn với nhiều mặt hàng bày bán trước cổng trường. Ảnh: Phúc Lập.

Nhóm giáo viên trường mầm non Trẻ Thơ, quận 12, góp vốn làm ăn "quy mô" hơn với nhiều mặt hàng bày bán trước cổng trường. Ảnh: Phúc Lập.

Nói đến đây thì chị Thu, vợ anh về. Khuôn mặt đẫm mồ hôi. Chị gật đầu chào tôi rồi ngồi xuống ghế, hứng gió từ chiếc quạt đang quay vù vù, và đưa 2 tay đón ly nước từ chồng.

Xong chị quay sang tôi, than: “Vất vả quá anh ạ, đêm nào cũng thức đến nửa đêm. Ban ngày thì đăng hình, rồi nhắn tin cho bạn bè, người quen kêu ủng hộ, có ai đặt hàng lại tất tả đi giao. Mong hết dịch để đi làm, vừa có thu nhập vừa gặp đám học trò, nghỉ lâu thấy nhớ”.

Mặc dù nghỉ dạy, nhưng hiện nay, những giáo viên như chị Thu không còn toàn thời gian rảnh để làm thêm nữa, vì phải soạn bài dạy online. “Soạn bài dạy trên mạng mất nhiều thời gian. Rồi còn lo chuyện nhà cửa, con cái… nên cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian làm thêm”, chị Thu nói.

Vất vả với những nghề tay trái

Theo giới thiệu của chị Thu, tôi tìm đến nhà chị Hiếu Hiền, giáo viên bảo mẫu một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, trên đường Hà Huy Giáp, quận 12.

Theo lời kể của chị Thu, cách đây vài năm, chồng chị Hiền chẳng may mất sớm, để lại 2 đứa con đang tuổi ăn học, khiến cuộc sống của 3 mẹ con chị càng khó khăn hơn.

Ngay cả lúc chưa có dịch, chị đã phải thường xuyên nhận việc về nhà làm để kiếm thêm thu nhập. Có lẽ, chị đã quen với sự vất vả, bận rộn, nên ngay thời điểm khó khăn nhất này, không có việc làm, không có thu nhập, chị vẫn khá lạc quan.

“Lo lắng, buồn phiền chỉ càng làm tinh thần sa sút thêm chứ có giải quyết được gì. Giờ chỉ lo làm sao kiếm được việc làm để có tiền trang trải, lo cho 2 đứa con ăn học”, nói rồi chị cười.

Cô giáo trẻ Bích Ngọc, thành viên trong nhóm, cho biết, mỗi ngày cả nhóm cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Ảnh: Phúc Lập.

Cô giáo trẻ Bích Ngọc, thành viên trong nhóm, cho biết, mỗi ngày cả nhóm cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Hiền cho biết, bảo mẫu do nhà trường tuyển dụng và ký hợp đồng, nên lương cũng do trường trả chứ không phải ngân sách nhà nước. Nghĩa là nếu không có học trò, hoặc không làm thì không có lương. Trong mấy tháng nghỉ làm, chị được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng.

“Dù sao thì cũng còn hơn nhiều lao động ngoài kia, họ còn khó khăn hơn mình”, chị nói như tự an ủi. Hỏi về thu nhập trước khi có dịch và hiện nay, chị cho biết: “Em có nghề may thêu, nên lâu nay vẫn nhận hàng về nhà làm thêm.

Hai đứa con còn đi học, chưa phụ giúp gì được, mà lương bảo mẫu có bao nhiêu đâu. Nếu không làm thêm sao đủ sống. Nhưng từ lúc có dịch đến giờ, mấy cơ sở may thêu cũng không có hợp đồng, ít việc. Giờ chẳng biết kiếm đâu ra việc để làm thêm. Tình hình này kéo dài, chắc sẽ khó khăn lắm”, chị thở dài, nói.

'Tụi em đều còn trẻ, mới ra trường đi làm chưa lâu, đây cũng là một dịp để thử thách và tích luỹ kinh nghiệm sống', một thành viên trong nhóm giáo viên mầm non chia sẻ. Ảnh: Phúc Lập.

"Tụi em đều còn trẻ, mới ra trường đi làm chưa lâu, đây cũng là một dịp để thử thách và tích luỹ kinh nghiệm sống", một thành viên trong nhóm giáo viên mầm non chia sẻ. Ảnh: Phúc Lập.

TP.HCM hiện có gần 80.000 giáo viên, từ mầm non đến THPT. Trong đó có hơn 27.000 giáo viên mầm non. Toàn bộ số giáo viên này sẽ được thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế lao động bị mất việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).

Một đồng nghiệp khác của chị Hiền là cô bảo mẫu tên Minh Sang, sống cùng cô con gái trong căn phòng trọ gần nơi làm việc, cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém.

Lúc tôi đến, chị đang hì hục đổ bánh lăng trong gian bếp chật chội. Câu đầu tiên chị nói với tôi là: “Mong mau hết dịch, chứ kéo dài thế này chắc chết”. Cũng như cô bảo mẫu Hiếu Hiền, chị Sang không được hưởng lương ngân sách như giáo viên, chỉ được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu trong thời gian nghỉ tránh dịch này. Nên từ 1 tháng nay, chị đã làm đủ việc để kiếm tiền sinh hoạt.

“Hồi tháng 3 em nấu sữa bắp, mọi người mua uống ai cũng thích, vì em làm bắp nguyên chất, rất ngon. Nhưng mà làm thủ công nên cực quá, chỉ riêng đứng khuấy nồi sữa trên bếp hơn 1 tiếng đã quá mệt, trong khi lời chẳng bao nhiêu. Nên em bỏ luôn”.

Tôi hỏi: “Một hũ này giá bao nhiêu? Lời bao nhiêu?”. Chị cười, đáp: “Vốn 4 ngàn, em bán 5 ngàn”. Nói về những khó khăn trước mắt, chị cho biết: “Trước đã khổ, giờ còn khổ hơn. Tiền thuê phòng tháng 3 triệu chưa biết lấy đâu ra. Nghĩ đến là đau đầu”.

Trong khi đó, nhóm 5 cô giáo một trường mầm non ở quận 12 lại “làm ăn lớn” hơn, khi cùng hùn vốn mua giày dép, mỹ phẩm, nước giải khát, quần áo may sẵn…về bày bán ngay cổng trường vào buổi chiều, tối.

“Tụi em đều ở tỉnh, đi lại tốn kém, về cũng chẳng giải quyết được việc gì, nên rủ nhau ở lại, hùn vốn bán hàng, được ít hay nhiều cũng đỡ. Cũng hên là chủ hàng biết tụi em giáo viên, cho trả sau, nên cũng không cần nhiều vốn”, cô Bích Ngọc, thành viên trong nhóm, cho biết.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.