| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn đảo lộn vì Covid-19

Thứ Năm 02/04/2020 , 13:20 (GMT+7)

Sóng ngầm Covid-19 đang loang ra khắp các vùng nông thôn, gây bao hệ lụy dở khóc dở cười, làm đảo lộn tất tật công việc và đời sống của bà con nông dân…

Bà Nguyễn Thị Cúc buồn bã bốc từng vốc lúa lép chuẩn bị cho vịt ăn.

Bà Nguyễn Thị Cúc buồn bã bốc từng vốc lúa lép chuẩn bị cho vịt ăn.

Bao lo toan “đổ ập’” lên đầu nông dân

Đã vào những ngày đầu tháng 4, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại làm cho các huyện ở phía đông tỉnh Tiền Giang và Long An vốn đã khô hạn lại càng thêm cằn cỗi. Những tuyến kênh, rạch giờ đã trơ đáy, nước sản xuất không còn, nước sinh hoạt cũng cạn kiệt...

PV NNVN có mặt tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, một bầu không khí vắng lặng bao trùm khắp mọi nơi. Hàng quán đóng cửa, đường sá rất ít người và phương tiện qua lại.

Nếu như trước đây, khi bước vào thời kỳ nông nhàn, bà con thường tụ tập buôn bán, trao đổi hàng hóa, thì hiện nay đại dịch Covid-19 ập đến khiến từ cánh đồng cho đến mọi con đường lớn nhỏ bỗng trở nên vắng vẻ.

Tiếp PV trong căn nhà gỗ tềnh toàng rộng chưa đầy 40m2, bà Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1960, ngụ ấp Tân Hòa cho biết: “Tui đã sống ở đây tới từng tuổi này, chưa bao giờ thấy cơ cực như năm nay. Nhà có 4 công ruộng, vụ lúa này nước ngọt hết sớm, nước mặn tràn về, không may như những hộ khác, ruộng nhà tôi lúa đang thời kỳ trổ bông thì đỏ đọt nên thu chẳng được bao…”.

Bốc từng vốc lúa vừa được ngâm để cho đàn vịt ăn, bà Cúc rầu rĩ nói: “Lúa này cho vịt ăn nó còn chê nên bán giá thấp, khó khăn lắm chú ơi!”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai vợ chồng bà Cúc phải tiếp nhận thêm 2 đứa cháu ngoại của 2 cô con gái đi làm công nhân trên thành phố gửi về. Gánh nặng gia đình của hai ông bà già lại tăng lên gấp bội.

Trước đây để có tiền trang trải cuộc sống, dù lớn tuổi nhưng 2 ông bà vẫn chạy ngược chạy xuôi đi tìm việc làm thêm, giờ phải ở nhà trông cháu, cả nhà 4 miệng ăn chỉ dựa vào bầy vịt, nhưng nay cũng chẳng thấy ai thèm đến hỏi mua.

“Đây là thực trạng chung của toàn xã hội chứ không riêng gia đình mình. Để vượt qua, chúng tôi cũng chỉ biết cố ăn uống tiết kiệm, mong sao mưa đến sớm, dịch cũng nhanh qua đi để cuộc sống trở lại bình thường!”, bà Cúc lắc đầu ngao ngán.

Không may mắn như bà Cúc còn có đàn vịt cầm hơi, đã hơn 1 tháng nay, bà Đàm Thị Giàu ngụ cùng ấp Tân Hòa, năm nay đã 75 tuổi, sống cùng đứa cháu ngoại phải chạy ăn từng bữa.

Bà Đàm Thị Giàu rầu rĩ khi hũ mắm ruốc đã vơi đi hơn nửa.

Bà Đàm Thị Giàu rầu rĩ khi hũ mắm ruốc đã vơi đi hơn nửa.

Đưa tay lên mặt chùi vội giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Giàu xúc động cho biết, trước chưa có dịch Covid-19, 2 bà cháu đèo bồng nhau đi bán vé số, mỗi ngày cũng kiếm được ít tiền đủ chi tiêu.

Giờ thì khổ rồi, dịch bùng phát chính quyền địa phương yêu cầu người trên 60 tuổi hạn chế ra đường, vé số cũng phải ngưng bán. Giờ 2 bà cháu cứ cơm với mắm ruốc, ăn rau trong vườn, sống qua ngày…”.

Cầm trên tay hũ mắm ruốc đã vơi đi hơn nửa, bà Giàu buồn bã:  “Nhiều hôm, nhìn bữa ăn của hàng xóm mà tui ứa nước mắt, chú ạ!  Người ta thì cá, thịt, nhà tui giờ chỉ có khô với mắm!

Tui thì khổ quen rồi, chỉ thương đứa cháu, số nó khổ vì cha nó bỏ mẹ nó đi lấy vợ khác, mẹ nó cũng đi tha hương cầu thực, nó ở với tui từ lúc chưa đầy 3 tháng tuổi, nay đã lên 12 rồi…”.

Có ăn cũng… méo mặt

Người nghèo khổ đã đành, ngay cả hộ khá giả ở thôn quê giờ cũng “thấm đòn” vì dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn…

Thuộc diện khá giả của ấp Tân Hòa, cái ăn, cái uống chưa bao giờ làm khó được gia đình ông Nguyễn Văn Cục. Nhưng hiện nay việc thiếu nước sinh hoạt đã khiến gia đình ông vô cùng khổ sở.

Ông Cục cho biết, để có nước sử dụng, gia đình ông đã phải bỏ tiền ra trang bị chum, vại, thùng hay bất cứ vật dụng nào có thể chứa nước. Nhiều lúc phải tranh thủ nửa đêm để hứng nước, nhưng dù có cố gắng cũng chỉ đem về được một ít dùng dè sẻn.

“Dù có ăn ngon, mặc đẹp đi nữa mà không có nước sinh hoạt thì khổ lắm, khó chịu lắm. Nhất là hiện nay dịch Covid-19 lây lan khắp nơi, tivi báo đài khuyến cáo người dân rửa tay, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, gia đình phải chắt chiu lắm vẫn thấy thiếu trước hụt sau”, ông Cục than thở.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cục lo lắng thiếu nước để vệ sinh phòng chống Covid-19.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cục lo lắng thiếu nước để vệ sinh phòng chống Covid-19.

Không lo lắng về cái ăn như gia đình bà Cúc, bà Giàu, hay thiếu nước sinh hoạt như gia đình ông Cục, giờ nỗi lo lớn nhất bao trùm lên toàn ấp Tân Hòa là việc con cháu tứ phương rồi sẽ ùn ùn trở về quê do mất việc làm từ đại dịch Covid-19.

Lật cuốn sổ ghi chép về nhân khẩu và lao động ở địa phương, ông Nguyễn Văn Đáo - trưởng ấp Tân Hòa, cho biết, ấp của ông có 411 hộ thì tới 400 hộ có con em làm công nhân trên thành phố.

Đang mày mò chăm sóc cây kiểng trước nhà, ông Lê Thanh Tâm, sinh năm 1959, hồ hởi tiếp chuyện nhưng không giấu được nỗi buồn trên đôi mắt.

Ông Tâm cho biết, căn nhà của ông mới được xây sửa lại từ số tiền dành dụm nhiều năm của 2 cậu con trai đi làm ở khu công nghiệp Bến Lức.

“Sống hơn nửa đời người trong căn nhà rách nát, giờ nhà cửa khang trang hơn tui vui sướng lắm. Nhưng lo nhất dịch bệnh đang tràn lan, không biết sắp tới các khu công nghiệp có đóng cửa không?

Nếu giờ 2 đứa con trai thất nghiệp trở về thì biết lấy đâu ra việc cho chúng nó làm! Đấy là nhà tui, còn biết bao nhiêu hộ khác trong ấp. Lao động mất việc ùn ùn trở về quê thì sao, tui cũng không dám nghĩ tới khung cảnh lúc đó nữa…”.

Ma men… bỏ nhậu

Hiện hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, do ảnh hưởng của hạn, mặn dự kiến thời gian nông nhàn của người dân khá dài.

Và khi nông nhàn, rảnh rỗi, ắt phát sinh các cuộc nhậu đúng chất miền Tây. Lạ thay, dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt ma men không dám la cà quán xá hay tụ tập cụng ly thâu đêm, suốt sáng như trước đây.

Đang tất bật thu gom rơm rạ về chuẩn bị cho đàn bò ăn trong mùa khô này, ông Lê Thanh Tâm ở ấp Bình Hưng, xã Thành Công, huyện Tân Trụ cho biết, trước kia sau mùa vụ là ông cùng nhóm bạn thường tập chung lại ăn nhậu với nhau để bù lại những ngày mùa vất vả.

“Giờ nghe báo đài tuyên truyền ra rả về dịch bệnh, chúng tôi chẳng ai muốn ra đường gặp nhau hay tụ tập nữa, thèm thì đến bữa uống vài ly cho đỡ ghiền, nhờ vậy thấy sức khỏe cũng tốt hơn”.

Còn đối với ông Lê Văn Duyệt ở ấp Bình Lạc, xã Thành Công, huyện Tân Trụ thì đây là khoảng thời gian quý báu ông được sum vầy bên con cháu.

Ông Lê Văn Duyệt trông giữ các cháu để an toàn vượt qua đại dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Duyệt trông giữ các cháu để an toàn vượt qua đại dịch Covid-19.

Đang chuẩn bị bữa ăn tối, chỉ toàn cá và rau, ông Duyệt cho biết, nhà có hơn 4 công ruộng làm 3 vụ/năm. Quanh năm suốt tháng ông sống bên ruộng đồng, 4 người con lớn đều đi làm công ty, cả năm dịp tết mới dẫn 6 đứa cháu nội, ngoại về thăm quê một lần.

“Giờ dịch bệnh tràn lan, các điểm giữ trẻ, trường học đều đóng cửa nên tụi nó gửi sắp nhỏ về đây hết. Mặc dù ăn uống hàng ngày hơi vất vả, thiếu thốn nhưng sum vầy con cháu thế này tôi sẽ vượt qua được thôi”.

Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông

Những ngày này, nhà máy xay xát lúa gạo của doanh nghiệp Mỹ Trang, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì hoạt động để cung ứng nhu cầu sử dụng gạo và giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động tại địa phương.

Bà Phạm Thị Mỹ Trang - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Do tình hình hạn hán, nhiều diện tích lúa của bà con trên địa bàn bị lem lép hạt ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị, hiện sản lượng gạo nhà máy làm ra chỉ đạt 1/3 so với mọi năm.

Tuy nhiên gạo năm nay được giá, hiện đơn vị đang thu mua lúa 6.500 đồng/kg cao hơn nhiều so với mọi năm nên bà con bớt khổ, đối với lúa lép đơn vị cũng cố gắng mua cho bà con giá 3.000 đồng/kg để bà con có tiền xoay sở.

Đối với công nhân, đơn vị vẫn duy trì 100% số lượng, tuy nhiên, đơn vị cũng chỉ cố gắng xoay sở trong 1 tháng nữa. Nhưng nếu có tạm dừng hoạt động thì doanh nghiệp vẫn có kế hoạch hỗ trợ gạo và ứng tiền sinh hoạt cho anh chị em công nhân.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.