| Hotline: 0983.970.780

Có lẽ cháu đã sai khi đem con từ thành phố lớn về thị xã

Thứ Hai 04/03/2019 , 11:21 (GMT+7)

Có lẽ cháu đã sai khi đem con từ thành phố lớn về thị xã. Như đang ở bãi biển mà về với rạch với kênh. Tuổi 17 to người nhưng chưa trưởng thành đủ, chắc chắn vậy và vì nó chưa nhận thức như mình mong muốn nên nó nổi loạn mà thôi.

Cô kính mến!

Con trai của cháu hồi lớp 10 nó được bà nội của cháu đón lên thành phố cho học một trường điểm. Năm đó thành tích học của nó rất tốt cô ạ. Sức khỏe cũng lên trông thấy. Nhưng xa nhà, xa cha mẹ nó cứ đòi về thị xã học như hồi cấp 2.

Cháu cũng nhớ nó, thương con xa nhà sớm. Cháu cùng chồng chủ động đem nó về. Nhưng khi vô lớp 11 nó phải học một ngôi trường không có tiếng tăm lắm. Nó phải đi học bằng xe máy phân khối nhỏ, phải tự lực nhiều.

Nó có thói quen thức đêm, mê game, không ngăn nắp, sáng không dậy đúng giờ được. Cả ngày nó không uống nước, cơ thể nó quắt lại, rất ốm yếu cô ạ. Cháu cũng xót con nhưng mà công việc quá vất vả, mọi chuyện trông vào má cháu. Nhưng cháu ngoại hay cãi, nấu món gì nó cũng chê. Nó học sa sút lắm cô, nhất là những môn học bài.

Bà nội nó cứ trách con dâu không chăm cháu của bà đúng mức. Cháu phải đi làm kiếm tiền cùng với chồng để nuôi con. Bà không trách con trai mà cứ trách con dâu. Bà hay bất công như vậy. Vợ chồng cháu càng ngày càng lục đục vì chuyện nuôi với dạy đứa con trai này. Đứa con gái nhỏ của chúng cháu dễ dạy, mà nó cũng còn biết tự học, chưa phải lo.

Làm sao bây giờ cô? Cháu không thu xếp được giữa áp lực đi làm để có tiền và thời gian để chăm con, dạy dỗ, nấu ăn cho nó. Sao nuôi một đứa con mà khó mà khổ quá vậy cô? Cô chỉ bảo cho cháu cách nào chứ học kỳ 2 của lớp 11 này, nếu nó tuột thì sẽ không tốt nghiệp nổi lớp 12 đâu cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Thực sự một đứa con trai mình cần đường dài hơn rất nhiều. Vì sao? Đơn giản vì người đó sẽ gánh vác gia đình, gánh vác giang sơn. Mình có quàng cho họ những câu chữ to tát không? Không, mưu sinh là chuyện của đàn ông, muôn đời, kiếm mồi và nghĩa vụ quân sự, khi quốc gia có biến, chính đàn ông sẽ ra đi, quên mình.

Nghĩ như vậy thì phụ nữ ít tinh tướng, nghĩ mình quan trọng nhất, mình có công nhất. Sinh đẻ chuyện của bản năng và thiên chức, rất nhiều người chỉ ở nhà nuôi dạy con, việc kiếm mồi để cho chồng. Muốn vậy con trai phải có sức khỏe, phải có học thức và phải nhiều kỹ năng sống để phụng sự cho gia đình: học bơi, học lái xe, học ngoại ngữ, học các việc xây tổ, sửa nhà, sửa chữa các thứ…

Có lẽ cháu đã sai khi đem con từ thành phố lớn về thị xã. Như đang ở bãi biển mà về với rạch với kênh. Tuổi 17 to người nhưng chưa trưởng thành đủ, chắc chắn vậy và vì nó chưa nhận thức như mình mong muốn nên nó nổi loạn mà thôi.

Khi nó không có khát vọng, không an với học hành nó sẽ bị kéo xuống ở chỗ khác. Game là chuyện mỗi ngày của người lớn nữa chứ không chỉ trẻ con. Vì không biết chung quanh đang nhiều cạm bẫy mà cháu đã định hướng sai cho con trong lúc cần một chiến lược chính xác.

Có thể thu xếp việc sao cho có nhiều thời gian cho con. Nhất định phải như vậy. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà, mẹ và bà ngoại không bắt tay nhau chăm cháu lúc này thì cầm chắc nó sẽ bung.

Tiền nhiều để làm gì, cháu cần nhiều tiền để làm gì mà làm việc quên thân, quên thời gian? Sao người ta thu xếp được mà cháu không thu xếp được? Để nấu ăn ngon cho con, để xem nó ăn nó ngủ nó học ra sao. Cần thì thuê gia sư về nhà kềm nó, trong nhà mình, những môn nó yếu.

Cháu không điều chỉnh ngay, nó sẽ không có năm lớp 12 tốt. Thì sao? Cháu hình dung đi. Vợ chồng chẳng những lục đục mà còn ê mặt, tiền nhiều để làm gì? Tiền có, nhà cao cửa rộng mà con hư hoặc con vặt vẹo, con không thiết tha với cái gì cả, một phế nhân trong thời buổi công nghệ vũ bão này.

Có đứa mê game chết gục bên máy, có đứa chán đời tự sát, có đứa đua xe cho chết, sớm muộn gì cũng đến cái bến đó, phải biết hình dung và biết sợ cháu à.

Chắc bà nội giận bầm gan tím ruột. Ở nhà với bên ngoại, có mẹ cháu và có cháu tay hòm chìa khóa, đừng quay ra trách và hành chồng. Nên nhìn vào bản thân mình và hành xử cho hay, hành động cho đúng. Còn kịp mà, học kỳ 2 chăm kỹ và mọi cách vực nó lên.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất