Để ổn định đầu ra cho các loại cây ăn trái, TP Cần Thơ đang hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn và chất lượng tốt để phát triển xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết với doanh nghiệp, cùng các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trái cây.
Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn Cần Thơ liên tục tăng đóng góp quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích. Đến nay, thành phố có hơn 23.680ha cây ăn trái, trong đó có nhiều loại trái cây có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu giúp mang lại giá trị cao. Cần Thơ trồng đa dạng nhiều loại cây ăn trái ngon và đặc sản, trong đó có nhiều loại cây được trồng với diện tích khá lớn. Thành phố có hơn 3.280ha trồng xoài các loại, hơn 2.790ha trồng nhãn các loại, 2.560ha sầu riêng, 1.782ha mận, 1.626ha vú sữa, dừa 1.528ha, 1.357ha mít, 1.128ha chuối, 1.143ha chanh, 1.109ha cam, 422ha chôm chôm… Qua 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng các loại trái cây tại TP Cần Thơ đạt trên 100 ngàn tấn.
Nhiều loại trái cây trồng tại thành phố như: chuối, mít, chanh, xoài, nhãn, sầu riêng, vú sữa... được xuất khẩu đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước EU. Tuy nhiên, số lượng diện tích vườn cây ăn trái tại thành phố được cấp mã số vùng trồng và có các chứng nhận sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… vẫn còn khá ít. Trong khi nhiều nước trên thế giới đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn, chất lượng đối với các loại trái cây nhập khẩu vào nước họ, đặc biệt là việc phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Do vậy, để trái cây của Cần Thơ có thể duy trì và mở rộng được thị trường xuất khẩu, đòi hỏi nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trái cây tại thành phố phải kịp thời chuẩn hóa sản xuất theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, hiện toàn thành phố có 477ha cây ăn trái được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đầu năm 2022 đến nay, ngành chức năng đã cấp và cấp lại 17 mã số vùng trồng với tổng diện tích 150ha. Qua đó, hiện các HTX, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái tại thành phố đã được cấp 46 mã số cho 37 vùng trồng, với tổng diện tích hơn 602ha và 7 mã số cho 5 cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU.
Để hỗ trợ nông dân thực hiện chuẩn hóa sản xuất theo các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và thường xuyên tổ chức cập nhật, phổ biến các thông tin, kiến thức về sản xuất và thị trường, nhất là các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của các nước. Hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt gắn với xây dựng mã số vùng trồng. Vận động nông dân liên kết, hình thành các HTX và các diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung để thuận lợi trong quản lý, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn và kết nối với doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay công tác quản lý và cấp mã số vùng trồng cho cây ăn trái và các loại cây trồng tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, diện tích cây ăn trái còn manh mún và trồng xen canh nhiều loại. Bình quân mỗi hộ dân có diện tích khoảng 5-8 công, trong khi theo quy định cấp mã vùng trồng diện tích cây ăn trái tối thiểu 10ha. Nông dân còn canh tác theo tập quán cũ và hạn chế trong việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, ghi chép sổ nhật ký canh tác chưa đầy đủ thông tin…
Để thực hiện tốt việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV, cùng các cơ quan chuyên môn thuộc sở và ngành chức năng các địa phương cần kiểm tra, giám sát các mã số đã được cấp và rà soát đề nghị cấp mã số mới tại các địa phương. Kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và khắc phục các hạn chế. Đối với nông dân và các HTX, cần chủ động đăng ký mã số vùng trồng để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm.