| Hotline: 0983.970.780

Có một vùng rau được ví như 'Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình'

Thứ Ba 12/04/2022 , 08:21 (GMT+7)

Nhờ 'trời phú' khí hậu mát mẻ quanh năm, các loại rau, củ trồng ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình) cho năng suất cao, chất lượng cực kỳ ngon.

Lên thăm xứ Mường đúng vào ngày trời mưa tầm tã làm mờ mịt hết lối đi, phải bám theo con đường đèo dốc quanh co hiểm trở dài gần 9km, chúng tôi mới đến được 1 trong 3 cơ sở xã vùng cao của huyện Tân Lạc (Hòa Bình), đó là xã Quyết Chiến.

Bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Rau VietGAP Quyết Chiến sơ chế rau su su trước khi xuất bán. Ảnh: H.Tiến.

Bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Rau VietGAP Quyết Chiến sơ chế rau su su trước khi xuất bán. Ảnh: H.Tiến.

Ra tận ngoài đường đón khách, bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Rau VietGAP Quyết Chiến hồ hởi khoe ngay, bà cùng các thành viên đã sản xuất và cung ứng được trên 100 tấn rau cho Siêu thị K – Mart Hàn Quốc (Hà Nội) và một số bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Dự kiến từ nay tới hết năm, HTX sẽ gieo trồng và cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 tấn rau xanh các loại, chủ yếu là cải bắp, cải thảo, cải củ, bí ngồi, su hào và ngọn rau su su.

Bà Quyết còn khẳng định: Kế hoạch sản xuất nói trên chắc chắn sẽ thực hiện được. Vì HTX đang có 53 hộ liên kết trồng rau VietGAP cùng 37ha đất chuyên màu và 2.400m2 nhà lưới, nhà màng, cho phép trồng đủ các loại rau ăn lá và ăn củ suốt năm. HTX cũng mới vay vốn mua được 1 xe vận tải 10 tấn, đảm bảo bao tiêu hết sản lượng rau làm ra, có thể còn tiêu thụ giúp các hộ sản xuất rau bên ngoài HTX nếu đạt chuẩn VietGAP.

Khu liên kết trồng rau su su VietGAP của nông dân xã Quyết Chiến. Ảnh: H.Tiến.

Khu liên kết trồng rau su su VietGAP của nông dân xã Quyết Chiến. Ảnh: H.Tiến.

Ông Đinh Công Lê (một trong 7 thành viên góp vốn sáng lập HTX) bổ sung thêm: HTX được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2017, nhưng chỉ thực sự sản xuất, kinh doanh có lãi từ năm 2021 đến nay. Ban đầu HTX cũng thiếu thốn mọi bề, sau được các cấp ngành chuyên môn ở Trung ương và địa phương hỗ trợ, nên từng bước vượt qua được khó khăn.

Điển hình như, thông qua Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trực tiếp là Viện Nghiên cứu Rau quả, HTX đã tiếp cận được rất nhiều tiến bộ kỹ thuật mới do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc. Kết hợp với việc HTX đầu tư được xe ô tô, thu mua kịp thời các loại nông sản chuyển đi tiêu thụ giúp người dân, nhờ đó số lượng hộ xin gia nhập HTX ngày càng gia tăng.

Theo ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình: Mỗi năm tỉnh vẫn dành kinh phí hỗ trợ 5 - 7 mô hình trình diễn quy trình sản xuất nông, lâm hoặc ngư nghiệp cho các cơ sở vùng sâu, vùng cao trên địa bàn, trong đó có xã Quyết Chiến. Ngoài ra, cơ quan khuyến nông các cấp còn chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhà nông.

Ruộng trồng cải củ của HTX Rau VietGAP Quyết Chiến. Ảnh: H.Tiến.

Ruộng trồng cải củ của HTX Rau VietGAP Quyết Chiến. Ảnh: H.Tiến.

Được hỏi động lực nào hối thúc xin vào HTX, ông Bùi Văn Hoàng ở xóm Biệng (xã Quyết Chiến) hào hứng trả lời ngay: “Khi chưa tham gia HTX, tôi chỉ gieo trồng 4.000m2 rau cũng khó bán hết sản lượng thu hoạch. Sau khi vào HTX, chẳng những được tiếp thu nhiều giống rau ăn lá, ăn củ mới, trồng đạt năng suất chất lượng cao, còn được HTX bao tiêu hết với giá cao hơn bên ngoài từ 5 - 7%. Vì vậy, tôi đã mở rộng diện tích trồng rau các loại thường xuyên tới 6.000m2 vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của HTX”.

Bà Bùi Thị Liên (cùng xóm Biệng) cũng phấn chấn cho hay: Từ ngày có HTX đứng ra thu mua, rau của bà con bán ra không còn bị ép giá qua phân loại như trước kia. Vì ngay khi bước vào vụ gieo trồng, HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đã chỉ dẫn cho người dân sản xuất rau theo chuẩn VietGAP.

Quyết Chiến là xã nằm trong một thung lũng, có độ cao so với mặt nước biển chừng 800m; thời tiết mùa hè luôn mát mẻ (đêm ngủ vẫn phải đắp chăn); mùa đông rất giá lạnh, có nhiều ngày nhiệt độ không khí xuống tới 1 độ C, rất thuận lợi cho các loại rau ưa lạnh sinh trưởng đạt năng suất cao, đặc biệt về chất lượng cực kỳ ngon, hơn bất cứ loại rau nào trồng ở miền Bắc nước ta.

Rau su su của HTX Quyết Chiến được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: H.Tiến.

Rau su su của HTX Quyết Chiến được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: H.Tiến.

Đây chính là lý do các đối tác Hàn Quốc luôn ưu tiên chọn Quyết Chiến là nơi chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, củ các loại rồi thu mua đưa vào các cửa hàng, siêu thị, nhà máy chế biến nông sản của quốc gia này đặt tại Việt Nam.

Ông Đinh Công Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến thông tin: Rau là cây trồng mang lại nguồn thu nhập tốt, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con ở đây. Tiềm năng mở rộng sản xuất rau VietGAP của địa phương còn rất lớn (khoảng trên 200ha). Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo mọi thuận lợi để hình thành các mô hình liên doanh, liên kết trồng rau an toàn, rau hữu cơ theo hướng gắn sản xuất với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

“HTX đang có kế hoạch nâng diện tích sản xuất rau VietGAP lên 47ha, đồng thời đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản rau để tiêu thụ dần. Song song đó, xây dựng thương hiệu rau sạch Quyết Chiến; mở cửa hàng rau online. Bởi hiện nay có một số loại rau ăn lá như ngọn su su của HTX đôi khi phải chuyển vòng qua Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mượn thương hiệu rồi đưa xuống bán dưới đồng bằng, mất thêm cước vận chuyển, tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận”, bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX cho hay.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm