| Hotline: 0983.970.780

Có thể lồng ghép chương trình giảm phát thải với giải pháp ‘3 giảm 3 tăng'

Thứ Sáu 02/02/2024 , 20:05 (GMT+7)

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời gợi ý, có thể lồng ghép chương trình giảm phát thải carbon với giải pháp canh tác giảm chi phí ‘3 giảm 3 tăng’. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ ý kiến về giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa gạo. Ảnh: Linh Linh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ ý kiến về giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa gạo. Ảnh: Linh Linh.

Phát biểu chia sẻ tại Hội nghị toàn thể nhóm đối tác công tư (PPP) với chủ đề “Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp”, trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) vừa diễn ra, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, câu chuyện chuyển đổi xanh có liên quan đến môi trường và tín chỉ carbon là thách thức rất lớn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng thôi thúc trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân, hiểu bối cảnh mà “liệu cơm gắp mắm”.

Từ khi ra đời, Lộc Trời đã đồng hành cùng nông dân đi theo các chương trình phát triển bền vững từ Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm 3 tăng”, PSAV… với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức quốc tế và trong nước thông qua tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ và sáng tạo đổi mới trong khoa học.

Mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của Lộc Trời.

Mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế của Lộc Trời.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, với cách làm này, phần khó là đảm bảo lợi ích của bà con nông dân khi tham gia chương trình như sinh kế, cuộc sống. Đây cũng là nội dung cần lưu ý khi kêu gọi nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi bền vững. 

Bên cạnh đó, cũng theo ông Thòn, việc nâng cao vị thế cho nông dân là hết sức cần thiết để khuyến khích và tạo động lực cho nông dân tham gia vào các chương trình bền vững. 

Đồng quan điểm với một số ý kiến tại Hội nghị, ông Thòn nhấn mạnh, thay vì chỉ tập trung hướng tới riêng thị trường carbon ở "nghĩa hẹp" và thu tiền từ thị trường này, ngành nông nghiệp cần suy nghĩ tới giải pháp xây dựng sản phẩm theo hướng carbon thấp nhắm vào các thị trường khó tính, đây cũng là những thị trường có chương trình giảm phát thải, từ đó tạo thành cuộc vận động lớn hơn cho các doanh nghiệp tham gia. 

Ông Huỳnh Văn Thòn cũng đặc biệt lưu ý tới sự cần thiết và quan trọng của một tổ chức đo đạc, báo cáo, thẩm định carbon, được quốc tế công nhận để đưa tất cả những kế hoạch về tín chỉ carbon, thị trường carbon, sản phẩm carbon … vào thực tiễn. Để chắc chắn rằng thị trường carbon sắp tới sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và quan trọng hơn là nông dân. 

“Theo tôi, chúng ta có thể lồng ghép để đạt giảm carbon nhưng mang lại lợi ích cho nông dân nhờ giảm chi phí sản xuất thông qua các chương trình như "3 giảm 3 tăng" giúp giảm  tới 30% giá thành. Phương án này có thể giúp khai triển để bán để bán carbon cùng đó cũng đóng góp cho tín chỉ carbon”, ông Thòn nêu ý kiến.

Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết thêm, bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, hệ thống khuyến nông và doanh nghiệp tư nhân toàn hoàn có thể đóng góp nỗ lực giúp tăng thu nhập và chất lượng gói giải pháp về kỹ thuật trong khuôn khổ triển khai mua, bán tín chỉ carbon. 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.