| Hotline: 0983.970.780

Có thể trong tù anh được cải tạo thành người khác đúng không cô?

Thứ Sáu 02/02/2018 , 06:50 (GMT+7)

Anh thụ án 15 năm cô ạ, nếu anh còn nguyên vẹn để ra tù thì anh cũng bốn chục tuổi rồi. Có thể trong tù anh được cải tạo thành người khác đúng không cô? Hồi trước mẹ đi thăm anh về, kể gì cháu cũng bảo cháu không thèm nghe...

Kính gửi cô Dạ Hương!

Cháu viết thư này trong tâm trạng bế tắc cùng cực mà không biết tỏ cùng ai. Cháu tìm đến cô như một người mẹ, một người ruột thịt mà cũng như một thầy thuốc.

Cô ơi, từ nhỏ cháu đã sống trong bi kịch. Chỉ có hai anh em thường xuyên ở nhà với nhau do cha mải đi làm xa, mẹ thì quần quật ruộng rẫy mà nhà vẫn thua kém người ta. Anh trai hơn cháu 5 tuổi. Có lẽ do nhà luôn thiếu đàn ông mà mẹ thì kém cỏi nên anh vùng vằng, không khôn cũng không ngoan. Chưa hết lớp 9 thì anh đã bỏ học.

Bố đi miết rồi cũng không về nữa. Từ đó mẹ suy sụp. Đến tai mẹ con cháu tin bố có người khác ở đâu xa lắm. Điều này mới cùng cực đây cô: đôi lần cháu bị anh xâm hại mà không dám kêu với mẹ. Khi ấy cháu 10 tuổi, anh 15. Kêu thì mẹ cũng đâu có giúp gì được mà mẹ đã buồn khổ lắm rồi. Cháu âm thầm chống lại, anh chỉ có thể tấn công cháu vào buổi trưa. Thế là trưa cháu không ở nhà nữa, khi ở nhà bạn, khi ở nhà bà con trong làng, hoặc khi ở ngoài gốc tre bờ ao.

Đến lượt anh bỏ nhà đi bụi. Không đi hẳn, những lần anh về, cháu lo sợ gần chết nhưng cháu đã cho anh thấy cháu có vũ khí dưới gối. Anh không dám đến gần cháu nữa. Nhưng anh làm khổ mẹ biết bao nhiêu về tiền nong, nợ nần và vì anh gây gổ ẩu đả ở đâu đó trong xã.

Rồi anh đi tù vì ma túy cô ạ. Nhà nội khi bố đi không về dù ở cùng huyện nhưng không đoái hoài đến hai đứa cháu nữa. Còn mẹ cháu là dân mồ côi, khi cưới nội đã khinh, bố mới đưa mẹ đi ở một nơi mà bây giờ vẫn thuộc về vùng sâu vùng xa đó cô.

Cháu không như anh, cháu không buông cái chữ. Cháu cũng chỉ học hết cấp III và đi học nghề. Để có bằng PTTH, cháu phải ở nhờ một người bạn thiếu thời của mẹ, người ấy không con cái mà đau lâu ốm dài, nhưng có vườn và có ruộng cho rẻ.

Thế là cháu có chỗ ăn ở. Thời gian học nghề trên thị xã cháu vừa làm vừa học rồi cô. Đi làm công nhân, nhờ có bằng mà cháu được làm quản lý, chưa dành dụm được là bao thì mẹ bị nan y, sáu tháng sau mẹ qua đời.

Cháu là đứa mồ côi như mẹ hồi con gái. Nhưng cháu còn có người anh trong tù. Mẹ mất đến giờ cháu chưa thăm nuôi anh lần nào. Cháu hận. Cháu không dám tâm sự với ai để nghe họ khuyên là nên quên hay nên nhớ đến sợi dây máu mủ.

Anh thụ án 15 năm cô ạ, nếu anh còn nguyên vẹn để ra tù thì anh cũng bốn chục tuổi rồi. Có thể trong tù anh được cải tạo thành người khác đúng không cô? Hồi trước mẹ đi thăm anh về, kể gì cháu cũng bảo cháu không thèm nghe. Giờ nhớ mẹ cháu thấy bứt rứt ân hận quá cô. Cháu phải làm sao đây cô?

-------------------------

Cháu thương mến!

Khi thông tin bùng nổ mới hay xã hội mình nhiều bé gái bị xâm hại quá. Với anh họ, với lối xóm, với cả anh trai, thậm chí có người với chú bác ruột và kinh khủng hơn, với cha ruột. Ở đâu cũng có những gã quái đản, gần với súc vật, nhưng ở xứ mình hay bên Ấn Độ thì nhiều vụ chấn động, rụng rời.

Do đâu, chủ yếu do lạc hậu mà thôi. Ở đây, gia cảnh làm nên bi kịch giữa khung cảnh tăm tối chung của nông thôn xa xôi, nghèo khó. Cháu viết thư thì cô biết, còn bao nhiêu là người im lặng lớn lên rồi cho qua. Nói ra để làm gì, không để làm gì cả, chỉ nhu cầu giãi bày cũng được rồi. Ai là nạn nhân cũng lên tiếng thì có phải chúng ta tạo nên một làn sóng, một áp lực khiến cho những gã manh nha phạm tội phải sợ chứ.

Đầu tiên cô khen cháu đã đứng dậy trong bất hạnh về bố, về mẹ, về anh để học xong PTTH và có bằng nghề. Nếu cháu buông xuôi ở thời điểm nào đó chắc là bi đát hẳn rồi, làm thuê, hoặc làm việc gì đó khó nói, hoặc bị lừa đi đổi đời ở xứ nào mà thực chất là bị bán. Cũng nhờ mẹ hiền lành nên bạn của mẹ đã cưu mang cháu nguyên thời cấp ba và cháu đã định hình. Đúng là thở phào cho cháu.

Khi anh xâm hại cháu, anh mới 15, quá bé, chưa nhận thức được gì. Số phận của anh bị lồng bởi sự vô trách nhiệm của bố và anh đã trượt rất dài. Cô thương cậu ấy và thương mấy mẹ con quá. Mẹ vẫn nghèo nhưng vẫn thăm nuôi anh cháu. Giờ cháu phải gánh lấy việc ấy vì đó là người ruột thịt duy nhất cháu còn có ở trên đời. Hãy bỏ qua, thời trẻ thơ thiếu vắng tứ bề, anh như đứa con hoang dù được bố sinh ra và mẹ bên cạnh. Cái hoang của anh cháu nằm ở bộ gen.

Có nhìn mới biết anh đã thay đổi thế nào. Nhưng đừng kỳ vọng anh gì cả, có hoàn lương, có ra tù, có vợ con, cũng nên giữ khoảng cách với người bản tính hoang dại ấy. Vẫn là anh em nhưng đừng yêu cầu gì cả. Chỉ mong cháu giữ vững tinh thần, ôm bàn thờ mẹ, gặp được người tử tế và hạnh phúc.

Xa xa với anh, thảng hoặc, để rồi xem thời gian có làm anh gần với sự tử tế, vị tha của cháu được không.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm