Không nhất thiết phải "giữ khư khư" bản quyền
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Việc đăng ký bảo hộ bản quyền giống cây trồng rất cần thiết, đặc biệt là đối với các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Rau quả. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã có một số giống cây ăn quả như xoài, nhãn và một số giống hoa được chuyển giao bản quyền giống để đưa ra sản xuất và đang phát triển rất tốt. Trong năm 2023 - 2024, Viện Nghiên cứu Rau quả sẽ tiếp tục đăng ký lưu hành đối với một loạt giống rau, hoa khác.
TS Đông nêu quan điểm: Lâu nay, hầu hết những giống cây trồng sản xuất bằng phương pháp nhân giống vô tính rất khó để giữ được bản quyền. Mặc dù vậy, khi đã đăng ký bảo hộ bản quyền giống rồi thì không nhất thiết tác giả, cơ quan tác giả phải giữ khư khư cho riêng mình. Bởi lẽ, muốn giống được đưa nhanh, nhân rộng vào sản xuất thì ban đầu tác giả, cơ quan tác giả nên chấp nhận thiệt thòi một phần. Tác giả, cơ quan tác giả giống chỉ cần tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền để khẳng định giống đó do mình tạo ra, là “chủ nhân” đích thực của giống để sau này nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh cũng sẽ rất đơn giản để lấy lại giống đó.
“Không biết các đơn vị khác thế nào nhưng với Viện Nghiên cứu Rau quả khi tạo ra các giống, luôn xác
định không giữ độc quyền cho riêng mình mà tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng rộng rãi. Việc có càng nhiều người sử dụng giống đồng nghĩa với việc uy tín, giá trị, thương hiệu của giống, của tác giả, cơ quan tác giả tạo ra giống càng được khẳng định.
Tất nhiên, song hành với việc này, Viện vẫn tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền giống để khẳng định vị thế là tác giả giống. Đến một thời điểm nào đó, khi người dân đã sử dụng quen thuộc giống thì sẽ siết chặt việc quản lý và tìm các doanh nghiệp để hợp tác chuyển giao”, ông Đông nêu quan điểm.
Tiền có mà không dám tiêu
Theo ông Đông, rắc rối lớn nhất hiện nay trong việc thực thi bản quyền giống là khâu định giá sản phẩm nghiên cứu khoa học và phân phối lợi nhuận. Cụ thể, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ bằng bảo hộ giống chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra cho những chủ thể có nhu cầu được nhận chuyển giao, chuyển nhượng dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ (2017). Còn về cơ sở định giá sản phẩm khoa học công nghệ thực hiện theo thông tư hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước do Bộ Tài chính ban hành.
Tuy nhiên, các phương pháp xác định giá trị tài sản chưa sát với thực tế, nên khi triển khai còn lúng túng, e dè. Khi cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra hoạt động chuyển giao, chuyển nhượng giống cây trồng, một câu hỏi luôn được đặt ra cho các viện nghiên cứu là giống cây trồng được tạo ra bằng nguồn ngân sách nhà
nước thông qua các đề tài nghiên cứu thì chúng được xem là tài sản quốc gia. Vậy, cơ sở, căn cứ nào để chủ sở hữu giống (các viện nghiên cứu) xác định mức giá chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng? Tại sao có giống được định giá chuyển nhượng cao, giống lại định giá thấp?
“Nói chung, không chuyển nhượng giống thì không sao, chuyển nhượng rồi có khi vi phạm pháp luật như chơi. Nói đâu xa, mới đây Viện Nghiên cứu Rau quả có chuyển nhượng cho Đà Lạt 2 giống hoa, tiền đã thu được về nhưng do thủ tục rất lằng nhằng nên Viện vẫn để “đắp chiếu” trong kho bạc, không giám sử dụng để tái đầu tư. Nguyên nhân chính là do những giống này được tạo ra thông qua đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, trong khi, căn cứ để định giá sản phẩm chưa rõ ràng”, ông Đông nêu thực trạng.
Cũng theo ông Đông, yếu tố quan trọng để định được chính xác giá sản phẩm vẫn là từ phía doanh nghiệp, đơn vị nhận chuyển nhượng. Các yêu cầu, thủ tục có đầy đủ thế nào nhưng doanh nghiệp không muốn nhận chuyển nhượng thì cũng chịu. Doanh nghiệp họ gần nhất với thị trường, khi nghiên cứu để nhận chuyển nhượng bản quyền một giống cây trồng thì họ nắm vững khả năng, triển vọng, mức độ thương mại hóa của giống tới đâu để xác định mức giá bản quyền giống, nên khi muốn chuyển nhượng được thì phải hài hòa với lợi ích của họ.
Tuy nhiên, quy định định giá sản phẩm nghiên cứu khoa học lại chung một khuôn mẫu nên mới khó cho chủ sở hữu giống. Đôi lúc chủ sở hữu giống phải giải trình lên, giải trình xuống những trường hợp kiểu như tại sao một đề tài nghiên cứu với kinh phí đầu tư là 4 tỷ đồng để tạo ra được 1 giống, nhưng khi chuyển nhượng lại chỉ được định giá có 500 triệu đồng?
Gia tăng nguồn thu cho các viện nghiên cứu vẫn gặp khó
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các viện nghiên cứu đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đang còn hạn hẹp. Do vậy, thay vì các viện khi tạo ra một giống, tiến hành chuyển nhượng giống đó cho các doanh nghiệp thì nên giữ lại, tự phát triển sản phẩm, kinh doanh giống để gia tăng nguồn thu, tái đầu tư cho hoạt động của mình?
Tuy nhiên trên thực tế, một viện nghiên cứu rất khó có thể làm được công tác thương mại hóa sản phẩm một cách thành công. Bởi lẽ, xét về mọi mặt, những nguồn lực mà các viện có không đủ sức để cạnh tranh trên thị trường như: Con người thuần túy là cán bộ nghiên cứu, khả năng nhanh nhạy với thị trường bị hạn chế, trong khi các doanh nghiệp có hệ thống bán hàng rải khắp mọi nơi, có hệ thống tài chính hỗ trợ nên khả năng cạnh tranh về quảng cáo, giá bán sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường... luôn vượt trội.
Cùng quan điểm về vấn đề này, TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cho rằng, mặc dù triển vọng phát triển sản xuất, kinh doanh đối với nhiều giống cây trồng do các viện nghiên cứu ra là rất tốt, tuy nhiên nếu một doanh nghiệp làm nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh nằm trong một đơn vị sự nghiệp lại rất bất cập vì bị cơ chế hành chính ràng buộc.
Ví dụ, doanh nghiệp muốn phát triển mạnh phải được tự chủ về mọi mặt, phải có cơ chế tuyển dụng và trả lương hợp lý thì mới thu hút được những người giỏi nhất về làm, mới kích thích được nhân viên sản xuất, kinh doanh nỗ lực làm việc, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm hiệu quả, có cơ chế hợp tác phù hợp, linh hoạt cho các đối tác...
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đó trực thuộc một đơn vị sự nghiệp thì các cơ chế về tuyển dụng, trả lương, khuyến mại... không thể áp dụng như vậy. Vì vậy, nếu xét đến cùng thì đơn vị nghiên cứu nằm trong đơn vị kinh doanh mới phù hợp.
Về vấn đề có thể thành lập các trung tâm trực thuộc viện nghiên cứu, có chức năng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là mô hình đang được nhiều đơn vị áp dụng, tuy nhiên để thành công thì không dễ. Bởi lẽ, trung tâm với nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh không khác gì một doanh nghiệp thu nhỏ, với cơ chế tự chủ, có con dấu, tài khoản riêng…
Vì vậy, nếu thành lập trung tâm thuộc viện mà chỉ sử dụng những con người sẵn có của viện thì chỉ dừng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn phải bù lỗ vào chi phí và rất khó tự chủ do không tuyển dụng được người có kinh nghiệm, trình độ kinh doanh cao...