| Hotline: 0983.970.780

Cô tiểu thư quý tộc và chàng nho sinh áo vải

Chủ Nhật 04/11/2018 , 15:50 (GMT+7)

Thấy cha lại chìm vào nỗi ưu tư, gương mặt hằn lên những đường nhăn của tuổi tác dưới mái đầu bạc trắng, nàng lại càng sợ hãi. Là con gái lớn của vị quan đầu triều, tôn thất của nhà Trần, dòng dõi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải...

Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán trầm giọng hỏi con:

- Thế bây giờ Ứng Long ở đâu?

Đang quỳ trước mặt cha, đầu cúi gục, nghe hỏi, tiểu thư Trần Thị Thái ngẩng lên, đôi mắt đẫm lệ:

- Dạ thưa cha, Ứng Long sợ tội, đã trốn đi rồi. Hiện giờ con cũng không biết chàng ở đâu.

Thấy cha lại chìm vào nỗi ưu tư, gương mặt hằn lên những đường nhăn của tuổi tác dưới mái đầu bạc trắng, nàng lại càng sợ hãi. Là con gái lớn của vị quan đầu triều, tôn thất của nhà Trần, dòng dõi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, tiểu thư thông minh từ bé. Là gái, nhưng nàng không thích may vá, thêu thùa, mà lại thích thi thư. Chiều ý nàng, cha nàng đã mời thầy về tư dinh dạy nàng học tập. Người thầy ấy chính là Nguyễn Ứng Long, một nho sinh trẻ tuổi.

Tuy là con nhà bình dân, lại chưa một lần ứng thí, nhưng tài năng của chàng đã nổi tiếng một vùng. Phong cảnh Côn Sơn u nhã, có tùng có cúc có trúc có mai, có tiếng suối chảy nghe như tiếng đàn cầm. Cốt cách thanh cao, tài năng lỗi lạc và học vấn uyên bác của người thầy trẻ tuổi khiến cô tiểu thư ngàn vàng từ ngưỡng mộ, cảm mến đến nẩy dạ yêu thương. Họ làm thơ tặng nhau, bày tỏ nỗi lòng, và, điều gì đến đã đến.

Mải mê trong luyến ái, khi cái mầm sống nhú lên trong người nàng, thì cả hai mới sực tỉnh, thấy mình đang phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã. Lệ triều Trần quy định: Người bình dân không được lấy người trong hoàng tộc và ngược lại. Ai vi phạm, giết không tha. Làm con gái, phải giữ đạo “tam tòng”, phải có đủ “tứ đức”, chuyện hôn nhân phải do cha mẹ sắp đặt. Chỉ riêng việc nàng tự ý yêu đương, đã là một trọng tội rồi, huống chi lại còn mang thai trước khi cưới, là vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật, có thể phải xử tội gọt đầu bôi vôi hay là bè chuối trôi sông. Biết, nhưng vô kế khả thi. Cái mầm sống cứ mỗi ngày một lớn lên trong người nàng. Đã đến lúc không thể giấu được nữa, nàng đành bảo người yêu lánh đi, còn mình thì thú thật với cha, chấp nhận mọi búa rìu sấm sét.

Lúc này, cha đang nghĩ gì? Chao ôi, chẳng thà ông cứ nổi giận, cứ trút sấm sét búa rìu xuống đầu nàng, còn hơn là ông cứ ưu tư, trầm lặng thế kia.

Quả là Băng Hồ tướng công đang suy nghĩ. Nhưng dòng suy tư của ông sâu sắc hơn nhiều. Ông đang nghĩ đến lẽ tồn vong của các triều đại. Những ông vua cuối triều Lý, do hèn yếu, đã không thể gánh vác nổi trọng trách trước lịch sử, để muôn dân lâm vào cảnh đói rét, lầm than, trong khi giặc ngoài thì như hổ sói đang rình rập. Loạn từ cung đình loạn ra. Việc hoàng thái tử Sảm đang đêm phải chạy về lánh nạn Quách Bốc ở Hải Ấp, đã tạo điều kiện cho dòng họ ông “biến nhà thành nước”, chiếm được ngai vàng. Rút kinh nghiệm của triều trước, nhà Trần đặt ra lệ chỉ người trong dòng họ mới được lấy nhau, để tránh quyền hành rơi vào tay ngoại thích.

Thế nhưng, sau những võ công chói ngời, thì triều đình của ông lại đang đi dần vào vết xe đổ của triều Lý mà không sao cưỡng được. Lại vua hèn, nước loạn, một nước Chiêm bé tý cũng dám đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Còn đâu là hào khí ngút trời “Đoạt sóc Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan” ngày nào. Vì sao thế nhỉ? Phải chăng là triều nào cũng vậy, một khi những vị vua khai quốc biết coi quyền lợi của quốc gia, dân tộc với quyền lợi của dòng họ là một, thì đất nước lại một phen hổ nhảy rồng bay. Còn với đám con cháu chỉ biết thụ hưởng cơ nghiệp của tổ tiên, ngập chìm trong vinh hoa phú quý, đặt quyền lợi của hoàng gia lên trên, thậm chí đối lập với quyền lợi của quốc gia, dân tộc, thì đó chính là lúc tiếng chuông báo ngày tàn của triều đại đã điểm.

Hiện tại, Hồ Quý Ly đã thâu tóm tất cả quyền chính trị, quân sự, kinh tế vào tay, biến vua thành tượng gỗ, bảo giết con phải giết con, bảo thiên đô phải thiên đô, ý đồ cướp ngôi đã lộ rõ, việc nhà Trần mất ngôi chỉ còn tính từng ngày. Tuy giữ chức quan đầu triều với tước phong Chương Túc Quốc thượng hầu mà ông đành bất lực, đành lui về Côn Sơn ẩn náu, mặc cho ngày tháng dần trôi... Nhìn con gái, lòng ông bỗng trào lên một nỗi xót thương. Ngai vàng mà về tay họ Hồ, thì tôn thất nhà Trần chắc chắn lại một phen xiêu dạt...

Vận nước sắp mất. Biết đâu việc con mình có mang với một kẻ áo vải, lại không phải là lòng trời xui nên như thế. Biết đâu, đó chính là cái phúc của nhà ta.

Nghĩ vậy, ông bảo gia nhân chia nhau đi tìm Ứng Long về.

Khi tìm thấy chàng nho sinh, quan tư đồ Trần Nguyên Đán đã bảo chàng:

- Người xưa đã từng có chuyện như vậy. Anh không nghe chuyện chàng Tương Như và nàng Trác Văn Quân bên Tàu hay sao. Nếu anh làm được như vậy, để lại danh tiếng cho đời sau, thì đó cũng là mong muốn của ta.

Nói xong, ông sai làm đám cưới cho hai người. Đến kỳ, tiểu thư đã cho ra đời một bé trai mà sau này trở thành một nhân tài kiệt xuất. Đó là Nguyễn Trãi, “ngôi sao Khuê” trên bầu trời văn hóa Việt Nam, bậc khai quốc công thần triều Lê, tác giả của những “Bình Ngô sách”,“Quân trung từ mệnh” và “Bình Ngô đại cáo”.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm