| Hotline: 0983.970.780

Con bạn nó bất hiếu mà còn bất nhân nữa, bạn hy vọng gì?

Thứ Tư 17/04/2019 , 09:13 (GMT+7)

Hình như bạn quá yếu mềm với nó. Đẻ con không chăm, làm ăn nợ cũng không trả, nói thẳng bạn bị con gái mình “chơi” mấy vố rồi mà vẫn chưa giật mình ư?

Chị thân mến!

Tôi là cô giáo già, dạy cấp thấp, an phận cho đến khi về hưu. Chị cũng biết, cô giáo dạy tiểu học thì dạy thêm được gì, có kèm chút chút các em lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6, cũng để coi chừng con cho những người không dám để nó ở nhà một mình.

Góa bụa sớm, một mình nuôi hai đứa con đó chị. Đứa con trai của tôi làm việc ở thị xã, nó có hiếu nhưng mà vợ nó nội trợ, không làm ra tiền, hai cháu nội của tôi ăn học cũng tốn kém lắm. Tôi không đòi hỏi con trai con dâu việc gì.

Nhưng đứa con gái ở gần tôi đây thì có thằng chồng bán trời không sợ thiên lôi đó chị. Hay nổ, siêng ăn biếng làm, nhà nó nghèo, chắc tại kiểu sống vậy mới nghèo. Con gái đẽo tôi suốt, mẹ à mẹ ơi thiếu hụt, làm cái này đẻ thêm cái kia, đụng tới đâu nợ nần thua lỗ tới đó. Cũng cái tánh con gái tôi đứng núi này trông núi nọ, thấy người ta làm được thì nhảy vô, nhưng vợ chồng nó làm đâu có được.

Hai đứa con của nó sống chủ yếu với tôi. Chúng nó sắm ghe lớn đi buôn, lỗ, bán ghe lớn mua ghe nhỏ, không thích cuộc sống trên bờ. Bây giờ vợ chồng cũng trung niên rồi mà không chịu an cư.

Con gái đầu của nó năm nay lên lớp 10, đứa con trai lên lớp 6. Tôi nuôi cháu như là nuôi con đó chị, lương hưu thấp, gói ghém, vợ chồng nó chỉ hỗ trợ tiền học chính học thêm cho con nó thôi. Thật là nan giải chị ạ, về tiền, về việc nuôi dạy hai đứa cháu trong môi trường giáo dục mà chính tôi cũng mất niềm tin.

Lên cấp ba, cháu ngoại gái sẽ phải đi học xa, ngoài thị trấn, cách xã nhà của tôi mười cây số. Làm sao đây? Tôi nói con gái lên bờ, mướn nhà ngoài đó buôn bán nuôi con, chồng làm xe ôm cũng được mà. Rồi còn nợ nần của nó khi mua ghe, khi làm vốn mua bán, tôi hỏi bạn bè và trả lãi cho nó đây, tính sao, bán ghe đi. Nó đành đoạn nói mẹ hỏi nợ chớ con có hỏi đâu, sao nói nợ của con?

Trời ơi, tôi bạc phước, tưởng đâm đầu xuống sông mà chết cho rồi. Nhưng con dại cái mang. Chả lẽ hết cách? Chả lẽ cho cháu ngoại nghỉ học, đi học nghề rồi làm công nhân sao chị?

-------------------

Bạn thân mến!

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh có nhiều câu thơ như tự sự dân gian tôi rất thích, trong đó có hai câu này: “Tiền của con là tiền của nó/Tai vạ của nó mới là của mình”. Bạn thấy sao, chân lý chứ, đúng không?

Hai đứa con, thân góa bụa, âu là, có nghề giáo, ở nông thôn, cũng không đến nỗi nào. Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Bạn nhìn xuống, bạn thấy mình may mắn có đứa con trai yên ổn, hai cháu nội ở thị xã, quá tốt, đúng không? Với đứa con gái, cũng có thuyền làm nghề thương hồ, bạn có thể cam được hai đứa cháu ngoại, tùng tiệm gói ghém, cũng ổn bấy lâu, đúng không?

Nhưng mà bạn ạ, phụ nữ mười hai bến nước, con gái bạn kém cỏi mà chồng nó vừa nghèo, vừa nhiều tính xấu vậy, bạn vực một gia đình bết bát ấy lên bằng cách nào? Không hy vọng, nhất là trong thời buổi hỗn loạn hiện nay.

Đàn bà nhờ tấm chồng chứ, chồng giỏi mình sẽ ấm no, chồng chưa giỏi nhưng phúc đức tử tế, cũng không đói, gia đình không bị mất danh dự. Có nền tảng sẽ có yên ổn và dần dà, có sung túc.

Chúng nó đã mê thương hồ và chọn thương hồ để ấn hai đứa con của chúng vào tay bạn rồi. Còn nợ nần cho nó nữa, cũng chính bạn đi hỏi cho nó làm ăn. Hình như bạn quá yếu mềm với nó. Đẻ con không chăm, làm ăn nợ cũng không trả, nói thẳng bạn bị con gái mình “chơi” mấy vố rồi mà vẫn chưa giật mình ư? Nó không lên bờ, nó sẽ rong ruổi theo con nước, bạn có bắt nó đứng lại được không?

Tuổi xế, thu nhập không tăng, đường học của hai cháu còn dài. Vì sao không để cho cháu ngoại học xong cấp II rồi đi học nghề, như bao người? Bởi vì còn nuôi đứa cháu trai năm nay cũng sẽ vào lớp 6 kia mà. Bạn ơi, nghe mà rùng mình. Và phải có cách tích lũy để trả nợ những nơi mà chính bạn vay mượn. Con nó bùng, bạn sống có danh dự, bạn phải lo việc ấy cho xong.

Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Con bạn nó bất hiếu mà còn bất nhân nữa, bạn hy vọng gì? Học nghề, nghề may, nghề tóc, nghề nấu ăn, nghề gì đó vừa sức, để cháu ngoại vào đời sớm cùng với bà chăm em nó chứ. Còn ba mẹ nó, bạn có dám từ mặt chúng không hay cứ con dại cái mang mãi?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm