| Hotline: 0983.970.780

'Vua tôm' mách cách kiếm tiền tỷ mỗi năm từ tôm - lúa

Chủ Nhật 24/03/2024 , 15:29 (GMT+7)

'Mô hình tôm - lúa không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế, xã hội cho người dân địa phương', ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ.

Tại Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa diễn ra ở Cà Mau, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - người được mệnh danh là "vua tôm" đã có chia sẻ về mô hình tôm - lúa, giải pháp nuôi tôm theo hướng thuận thiên, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, tôm - lúa là mô hình bền vững, gần gũi với môi trường vùng ĐBSCL. Ảnh: HT.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, tôm - lúa là mô hình bền vững, gần gũi với môi trường vùng ĐBSCL. Ảnh: HT.

Ông Quang cho hay, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này. Đặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn, tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng.

Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía trong đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Tôm được thả nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp mà tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên phong phú từ rễ cây lúa làm tơi xốp đất cho động vật thủy sinh phát triển cùng gốc rạ, cọng rơm, hạt thóc của cây lúa, tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho động vật thủy sinh sinh sôi và phát triển, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con tôm.

Các dòng chất dinh dưỡng, vi sinh vật, động vật thủy sinh luân chuyển và phát triển trong sự tuần hoàn giữa hệ sinh thái nước mặn - ngọt là điều kiện lý tưởng cho con tôm và cây lúa phát triển. Ở đây mới tạo ra gạo ST24, ST25 ngon nhất thế giới.

Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Những phần dinh dưỡng, phân tôm và floc từ mùa nuôi tôm bồi đắp lên thửa ruộng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng.

Để mô hình tôm - lúa mang đến doanh thu cao hơn, 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm, cần phải liên kết hợp tác thành thửa ruộng lớn 7 - 10 ha, cánh đồng tôm - lúa lớn 1.000 - 10.000 ha. Ảnh: HT.

Để mô hình tôm - lúa mang đến doanh thu cao hơn, 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm, cần phải liên kết hợp tác thành thửa ruộng lớn 7 - 10 ha, cánh đồng tôm - lúa lớn 1.000 - 10.000 ha. Ảnh: HT.

“Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch 5 - 8 tấn lúa và 300 - 1.000 kg tôm. Như vậy, mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công”, ông Quang nhấn mạnh.

Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất. Chính đặc điểm độc đáo, mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên này đã giúp mô hình tôm - lúa trở nên bền vững, gần gũi với môi trường vùng ĐBSCL.

Hơn nữa, ông Quang cho rằng, mô hình tôm - lúa nếu như triển khai như hiện tại, hầu như không cần vốn vì người nông dân chỉ cần bỏ ra một số tiền rất nhỏ để mua lúa giống, tôm giống, nhưng doanh thu đã có thể đạt 250 - 500 triệu đồng/ha/năm.

“Tuy nhiên để đạt doanh thu lớn hơn, 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm, cần phải liên kết hợp tác thành thửa ruộng lớn 7 - 10 ha, cánh đồng tôm - lúa lớn 1.000 - 10.000 ha. Đó là nhiều hộ liên kết với nhau lại thành tổ hợp tác và nhiều tổ hợp tác liên kết với nhau thành hợp tác xã kiểu mới”, ông Quang nhấn mạnh.

Được biết, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện nay đã và đang hợp tác với các địa phương cùng bà con nông dân triển khai và phát triển mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC/BAP/hữu cơ, sinh thái với mục tiêu phủ khắp ĐBSCL, giúp bà con nông dân bán được giá cao hơn trên thị trường.

Ông Quang khẳng định: “Mô hình tôm - lúa không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế và xã hội cho người dân địa phương. Thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm trên một ha đất sẽ giúp người nông dân có thể ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, không phải rời bỏ nghề nông để đi làm công nhân ở thành thị”.

Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch 5 - 8 tấn lúa và 300 - 1.000 kg tôm. Ảnh: HT.

Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch 5 - 8 tấn lúa và 300 - 1.000 kg tôm. Ảnh: HT.

Ông Quang tin rằng, mô hình tôm - lúa sẽ nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Đồng thời, mô hình này cũng sẽ giữ gìn bản sắc làng quê, gìn giữ nghề truyền thống lâu đời của vùng đất phương Nam.

"Với tiềm năng to lớn, sự bền vững về mọi mặt, cùng cam kết đầy đủ nguồn lực, công nghệ tiên tiến, ĐBSCL hoàn toàn có thể thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các định chế tài chính để phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng sản xuất quy mô công nghiệp. Từ đó, giải quyết được thách thức về năng suất và tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả, bền vững", ông Quang tự tin chia sẻ.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Không cho tàu cá rời cảng nếu không trang bị đủ điều kiện an toàn

Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.