| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ tái định hình nông nghiệp Trung Quốc

Thứ Sáu 25/01/2019 , 10:05 (GMT+7)

Thiết bị bay không người lái (UAV) giúp nông dân trong việc tưới nước và phun thuốc trừ sâu, hay một loại máy cắt cỏ mới... là những phát minh của nhiều công ty Trung Quốc để cách mạng hóa nông nghiệp truyền thống.

 

nh-1094335945
Thiết bị bay không người lái hoạt động trên một cánh đồng ở Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Zhang Pan từng nghĩ về nghề nông với hình ảnh đặc trưng là những người nông dân đội nón rơm, mang theo lưỡi liềm, còng lưng lao động trên đồng bất kể nắng gắt hay mưa rào.

Tuy nhiên, sau khi đỗ đại học gần 4 năm trước, Zhang nhận ra rằng con người giờ đây có thể điều khiển được cả môi trường tự nhiên để nâng cao năng suất và ngăn ngừa những tác động xấu từ môi trường tới cây trồng, theo China Daily.

Tại phòng thí nghiệm của Đại học Nông Lâm Tây Bắc, nơi Zhang học tập, trong một cuộc thử nghiệm, Zhang cho chiếu đèn ánh sáng tím vào một số cây rau diếp trồng trong nước, nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát bởi một thiết bị hiển thị đầu cuối.

Cậu cùng ba người bạn đồng môn đã nghiên cứu và sáng chế ra một thiết bị giúp kiểm soát nhiệt độ gốc của cây trồng và tự động bổ sung ánh sáng dựa trên nhu cầu của chúng. Đây là một trong các kỹ thuật canh tác bảo tồn.

Canh tác bảo tồn bao gồm hàng loạt kỹ thuật khác nhau nhằm điều chỉnh môi trường tự nhiên xung quanh cây trồng với mục tiêu nâng cao tối đa chất lượng và sản lượng.

Các cuộc kiểm nghiệm cho thấy sản lượng, hàm lượng vitamin C và amino acid trong cà tím được trồng bằng thiết bị của Zhang tăng lần lượt 30%, 20% và 30% nếu so sánh với cà tím trồng theo phương pháp thông thường.

Trước viễn cảnh dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, giới chuyên gia ước tính nguồn cung thực phẩm phải tăng ít nhất 60%. Thêm vào đó, tình trạng thời tiết cực đoan đang ngày càng tăng, tạo thêm nhiều trở ngại trong nỗ lực tăng năng suất cây trồng.

“Với công nghệ canh tác bảo tồn, chúng ta có thể bảo vệ cây trồng khỏi nhiệt độ cực đoan, gió, mưa, mưa đá hay tuyết giá, tạo ra vi khí hậu giúp cải thiện năng suất và chất lượng, cho phép sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên đất”, Zhang cho hay.

Phát triển canh tác bảo tồn là một trong những công nghệ nông nghiệp mà chính phủ Trung Quốc đang tập trung đầu tư phát triển nhằm giúp cư dân vùng nông thôn tại các khu vực khô cằn và bán khô cằn.

Thị trấn Dương Lăng, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, nơi có trường đại học của Zhang, đã thành lập một khu phức hợp nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao từ năm 1997.

Nằm trên diện tích 135km2, khu vực này có hơn 7.000 nhà nghiên cứu. Rất nhiều công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc, giống cây trồng và mô hình quản lý nông nghiệp đã được phát triển tại đây.

Theo Liu Tianxiong, phó chủ nhiệm hội đồng quản lý khu phức hợp Dương Lăng, họ đã thiết lập 302 cơ sở tại 18 khu vực cấp tỉnh trong vòng 20 năm qua, mang đến hơn 1.000 loại giống cây trồng và công nghệ nông nghiệp mới cho nông dân.

Các công ty Trung Quốc cũng đang sử dụng công nghệ để cách mạng hóa nông nghiệp truyền thống. Thiết bị bay không người lái (UAV) đã được ứng dụng rộng rãi, giúp nông dân trong việc tưới nước và phun thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học dạng lỏng.

“Thiết bị bay không người lái có khả năng giúp người nông dân nâng cao hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm chi phí và tăng hệ số sử dụng chất hóa học, qua đó gia tăng độ thân thiện với môi trường”, Chen Jinqiuye, đại diện một công ty sản xuất UAV cho biết.

Tại hội chợ nông nghiệp công nghệ cao Dương Lăng hồi cuối năm 2017, nhiều máy móc hiện đại lần đầu tiên xuất hiện. Mỗi năm, công nghệ lại thay đổi vượt bậc, cho thấy công nghệ trong nông nghiệp được quan tâm như thế nào tại Trung Quốc.

Một công ty cơ điện ở Thượng Hải đã phát minh ra một loại máy cắt cỏ mới, chỉ cao 60 cm và có thể hoạt động được cả ở sườn đồi và trong rừng. Theo quản lý công ty, chiếc máy có khả năng cắt 0,3 hecta cỏ trong vòng một giờ, tương đương 10 công nhân làm việc.

Một công ty ở Bắc Kinh đã phát minh ra thiết bị kiểm tra đất, giúp xác định chính xác thành phần dinh dưỡng trong đất và cung cấp cả một chương trình bón phân khoa học chỉ từ một mẫu đất nhỏ.

Dựa trên nghiên cứu thị trường, Zhang và các bạn học nhận thấy rằng phát minh của họ có thể được dùng để duy trì, chăm sóc các khu vườn ban công quy mô nhỏ hay trồng hoa và thảo dược, song, người tiêu dùng thấy chúng còn quá đắt.

“Giá thành còn phụ thuộc vào việc cần bao nhiêu thiết bị để lắp đặt trong nhà kính. Về cơ bản, giá thành rơi vào khoảng 450.000 Nhân dân tệ (68.000 USD) trên mỗi hecta”, Zhang nói. “Chúng tôi đang cố gắng giảm giá thành”.

Zhang tưởng tượng về một viễn cảnh nông nghiệp trong tương lai, nơi mà máy móc tự động hóa liên tục lượn trên đồng và người nông dân thư thả thưởng trà dưới tán cây, dùng điện thoại di động hay máy tính bảng để điều khiển máy móc.

“Công nghệ nông nghiệp phải ra khỏi phòng thí nghiệm và phục vụ nông dân trên trang trại, đồng cỏ và vườn cây”, Zhang quả quyết.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm