Để tìm hiểu rõ hoạt động, công tác quản lý lao động tại đây, PV đã có buổi làm việc với mỏ đá Phú Lương vào chiều ngày 4/3. Ông Nguyễn Bá Ngọc, giám đốc điều hành mỏ thông tin, người bị nạn là người ngoài vào chơi với bạn để xin việc rồi vô tình đi vào khu vực khai thác đá thì gặp nạn.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, giám đốc mỏ đá Phú Lương tại hiện trường vụ tai nạn |
Tuy nhiên trước điều tra xác đáng của Báo NNVN, ông Ngọc đã phải thừa nhận rằng nạn nhân Bùi Văn Hằng là công nhân làm vụ việc tại mỏ, nhưng không thường xuyên. Nạn nhân chưa có hợp đồng lao động, chưa được đào tạo gì về khai thác, khoan nổ,… nên chỉ phụ việc, đã tự ý đi vào khu vực khai thác. Do không có chuyên môn nên khi ông Hằng kéo dây an toàn do mắc đá đã bị đá lăn xuống người dẫn tới tử vong. Đây không phải là công việc ông Hằng được phân công.
Ông Ngọc còn cho biết, vừa qua mỏ đá thực hiện rất tốt vấn đề an toàn trong khai thác đá và sản xuất. Cụ thể như, công nhân được ký hợp đồng lao động và có đầy đủ chế độ BHXH; được tập huấn an toàn lao động, có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn mới được làm việc; được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động; khi làm việc phải đầy đủ trang thiết bị an toàn; tăng cường tưới nước chống bụi và thay thế máy móc để giảm tiếng ồn; khai thác đảm bảo đúng các quy định, kỹ thuật,…
Tuy nhiên đó là lời của ông Giám đốc mỏ đá Phú Lương nói, còn thực tế lại khác. Một số công nhân làm việc không có các chế độ lao động, BHXH và có bằng cấp chuyên môn. Trong đó có chính người gặp nạn là ông Bùi Văn Hằng là trường hợp điển hình.
Mỏ đá Phú Lương không cắt tầng mà còn cắt chân, khoét hàm ếch đã vi phạm các quy định về quy chuẩn TCVN 04-2009 về khai thác mỏ lộ thiên |
Theo như Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2009/BCT về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, mỏ đá Phú Lương đã vi phạm các quy định về khai thác khi không khai thác theo phương pháp cắt tầng và khai thác tuần tự từ trên xuống dưới. Mà thậm chí làm ngược lại là cắt chân và khoét hàm ếch.
Làm việc với UBND xã Yên Lạc về các vấn đề liên quan tới mỏ đá Phú Lương đóng trên địa bàn, một lãnh đạo UBND xã cho biết mỏ đá này ngay từ khi hoạt động đã bị người dân phản ánh về các vấn đề an toàn trong khai thác.
Xã thường xuyên nhận được ý kiến của người dân xóm Yên Thịnh (nay là xóm Đẩu) về vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng đá văng vào nhà dân làm hư hỏng tài sản và làm bị thương người dân,… Mọi việc chỉ tạm ổn từ tháng 10/2018 do mỏ đá nâng cấp máy móc, thay đổi cách khai thác và máy móc chế biến,...
Còn người dân ở xóm Đẩu, nơi mỏ đá Phú Lương hoạt động khác thì thông tin với Báo NNVN rằng vụ việc công nhân Bùi Văn Hằng tử vong không phải là lần đầu tiên xảy ra ở mỏ đá này. Tuy nhiên những lần trước đều được lãnh đạo mỏ và gia đình người gặp nạn giải quyết “riêng tư”. Điều này cũng đã được lãnh đạo mỏ đá Phú Lương xác nhận.