| Hotline: 0983.970.780

Cột mốc 1.237 và 'tay đua đơn độc' Trump

Thứ Bảy 07/05/2016 , 09:01 (GMT+7)

Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi những lời nói bóng gió về một cuộc tranh cử mở tại đại hội đảng Cộng Hòa tại Cleveland, Ohio để chọn ra ứng cử viên Tổng thống cho phe Cộng hòa, đảng phái này đã phải chấp nhận một sự thật: Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc chiến kiểu "quân ta đánh quân mình".

Có lẽ câu nói này đã được nhắc đến quá nhiều, "chưa có cuộc bầu cử nào lại kì lạ như lần này". Một kẻ "ngoại đạo" về chính trị như Donald Trump đang làm rung chuyển nước Mỹ khi mà con đường đến với chiến thắng tại đại hội đảng Cộng hòa của ông đã không còn ngáng trở.

Khi Trump tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống, giới quan sát chính trị và cả các ứng viên khác đều nghĩ đó lại là một trò gây tít giật gân của nhà tài phiệt gần 70 tuổi này. Nhưng gần một năm sau, tất cả các ứng viên khác của đảng Cộng hòa đều đã ngả mũ chào thua Trump.

Sau thất bại đã được báo trước tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ bang Indiana, hai ứng viên còn lại - liên minh phút chót những mong có thể đả bại Donald Trump - đã tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử của mình.

Điều này đồng nghĩa với việc Trump, về cơ bản, sẽ là người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới vì không còn ứng cử viên nào khác.

Như đã nói ở trên, mặc dù chạy đua trên danh nghĩa là một ứng viên đảng Cộng hòa nhưng Trump không nhận được sự ủng hộ của đảng của mình. Hàng loạt những tên tuổi nổi tiếng như cựu ứng viên Tổng thống, cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, nghị sĩ kì cựu của Arizona John McCain đều gọi Trump là "nguy hiểm không chỉ cho đảng Cộng Hòa" mà còn cho tương lai nước Mỹ.

Ngay cả những chính trị gia đồng minh của Mỹ, những người rất hiếm khi bình luận về một ứng viên tổng thống ở giai đoạn sơ bộ, cũng vì Trump mà phá lệ. Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron gọi những chính sách mà Trump đề ra là "điên rồ và không thuộc thế kỉ này".

Tổng thống Pháp Francois Hollande thì ví Trump là "Marine Le Pen, một nữ chính trị gia cánh hữu cực đoan ở Pháp, của nước Mỹ. Một vài ví dụ này để thấy là Trump không nhận được sự ủng hộ của hầu hết giới chính trị gia chính thống trong lẫn ngoài nước.

William Oberndorf, một nhà đầu tư đến từ San Francisco và đã ủng hộ rất nhiều tiền cho đảng Cộng Hòa, trả lời phỏng vấn Bloomberg rằng "tôi sẽ bầu cho Hillary mặc dù trong đời tôi chưa một lần bầu cho đảng Dân chủ". Với việc ghi điểm cực thấp trước các nhóm cử tri là phụ nữ, người gốc Latinh hay người da màu, ông Trump có thể viết lại lịch sử vào tháng 11 tới đây hay không phụ thuộc rất lớn vào nhà tài phiệt này sẽ làm thế nào để thuyết phục số cử tri đảng Cộng hòa từ "tôi sẽ không bầu cho một người như thế" đến "ông ta cũng không tệ lắm đâu".

Sự việc tồi tệ đến mức đầu năm nay, những học giả và nhà bình luận chính trị cánh hữu nổi tiếng cùng kí vào một lá thư, đại ý rằng Donald Trump không đại diện cho giới chính trị bảo thủ của Mỹ và nếu như ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ thì những giá trị căn bản nhất của đảng Cộng hòa sẽ bị đánh mất.

Chưa khi nào mà một cộng đồng phân cực như hộị những người tin vào chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ lại gạt bỏ sang một bên những bất đồng của mình để cùng ký vào một bức thư chống lại một ứng viên của chính đảng phái của mình.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham có lẽ không sai khi nhận định rằng "đảng của tôi đã chở nên điên loạn rồi". Trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Indiana, từ nội bộ đảng Cộng hòa liên tục "rò rỉ" ra cho báo chí viễn cảnh về một đại hội mở của đảng vào tháng 8.

Viễn cảnh này xảy ra nếu không ứng viên nào đạt được sự ủng hộ của 1.237 đại biểu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Trước Indiana thì Trump có 996 phiếp đại biểu, kém hơn mục tiêu hơn 200 phiếu nhưng gần gấp đôi so với người gần nhất là Ted Cruz.

Việc bước vào đại hội đảng mà không có một ứng viên chắc chắn là điều rất ít khi xảy ra, chưa kể nó còn có thể tác động tiêu cực lên tình hình an ninh xã hội Mỹ khi mà lượng người ủng hộ Donald Trump là rất lớn và họ sẽ không nhìn ứng viên của mình bị tước mất quyền ứng cử từ đảng Cộng hòa.

Nhưng sau khi Indiana công bố kết quả bầu cử thì Ted Cruz và John Kasich hiểu rằng không thể ngăn cản Trump tiến đến cột mốc 1.237 và tuyên bố rút lui. Viễn cảnh về một cuộc đấu đá nội bộ trong phe Cộng hòa vì thế cũng biến mất. Câu hỏi đặt ra là những diễn biến tiếp theo là gì?

Phần lớn cử tri của đảng Cộng hòa không tin rằng Trump có thể là người đứng ra đoàn kết nội bộ phân tán của đảng mình, theo như khảo sát của PEW. Có tới 56% người được hỏi tin rằng đảng Cộng hòa sẽ không dẹp bỏ bất đồng và đoàn kết lại sau Donald Trump, chứng tỏ đây là lần bầu cử phân cực nhất trong nội bộ đảng Cộng hòa trong 20 năm qua.

Với những gì ông Trump đã cho cả nước Mỹ thấy khả năng băng băng trên "đường đua" thì giờ đây mới là lúc cuộc chiến thực sự bắt đầu, cuộc chiến với chính nội bộ đảng của nhà tỷ phú này.

Việc có thể giành được chiến thắng cuối cùng vào tháng 11 hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Trump có thể giành lại những cử tri Cộng hòa ủng hộ Ted Cruz hay John Kasich.

Trump đã thành công khi thuyết phục Chris Christie và Ben Carson ủng hộ mình, và kéo theo đó là lượng lớn người ủng hộ của cả hai người. Mọi việc sẽ khó khăn với Ted Cruz khi mà 71% người ủng hộ Thượng nghị sĩ Texas này khẳng định họ sẽ không bầu cho Trump. Đáng lo ngại hơn khi 1/3 số người được hỏi của phe Cộng hòa thẳng thừng nói sẽ không bầu cho Trump vào tháng 11 tới.

Trước mắt, ông Trump sẽ phải gồng mình vượt qua cửa ải California vào ngày 6/6, nơi cử tri của đảng này thực sự "không biết bầu cho ông thì chẳng biết bỏ phiếu cho ai".

 

(Thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế, Đại học Manchester)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.