| Hotline: 0983.970.780

Cu Ba, chuyện của người trong cuộc: Cáu giận, buồn rầu là khái niệm xa xỉ

Thứ Sáu 26/12/2014 , 09:04 (GMT+7)

Tôi vẫn nhớ mãi những nụ cười trìu mến của các chị thủ thư tại Thư viện quốc gia Cu Ba. Cáu giận, buồn rầu dường như là khái niệm xa xỉ với họ./ Ước mơ trở lại “hòn đảo say”

Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, Cu Ba không có đứa trẻ nào học dưới lớp 9. Mỗi bác sĩ chăm lo sức khỏe cho vài chục gia đình. Hầu như nóc nhà nào cũng có ăng ten ti vi, điều hòa. Vài hộ có một cái ô tô.

Niềm tự hào của quốc đảo

Năm 1974, lần đầu tới Cu Ba, tôi đã đứng sững ngắm nhìn La Habana. Một thành phố nằm sát bờ biển với những nhà thờ nguy nga, tượng đài và nhà hát Opera tràn đầy ánh sáng.

Càng xúc động hơn khi đặt chân trước cổng Đại học Tổng hợp La Habana. Không chỉ đào tạo sinh viên Cu Ba, đây còn là nơi sản sinh ra hàng vạn nhân tài cho các nước Mỹ La-tinh, một số nước Châu Phi và hiển nhiên, không thể thiếu người Việt Nam.

Thời ấy, Cu Ba không có đứa trẻ nào học dưới lớp 9. Mọi học sinh, sinh viên đều được cấp áo quần, sách vở. 5 năm học tại La Habana, chúng tôi được bố trí chỗ ở trong ký túc xá. Đến bữa chỉ cần đưa thẻ sinh viên để nhận khẩu phần ăn.

Bữa sáng là bánh mì kèm một quả trứng rán hoặc bơ và một cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối được ăn cơm, một miếng thịt bò (hoặc thịt lợn, gà, cá), một bát súp đậu đỏ, trái cây và một cốc nước giải khát làm từ rỉ mật của mía đường rất ngọt ngào.

Do khan hiếm lúa gạo, lượng cơm phát cho mỗi người như nhau, tuy nhiên bao giờ cũng có một tủ bánh mì chờ những người đói bụng đến lấy.

Ngoài đài thọ chuyện ăn, ở, mỗi sinh viên được nhà nước phụ cấp 2 bộ quần áo/năm; 10 bao thuốc lá, xà phòng, thuốc đánh răng… và 60 pê sô/tháng (đủ dùng để chi phí đi lại, giải trí và mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết).

Tôi nhớ, vào thời điểm đó, lương của các nhà khoa học, kỹ sư đầu ngành, nhà sáng chế và người quản lý giỏi khoảng 300 - 350 pê sô (vài tháng lương có thể mua một chiếc ô tô Lada của Liên Xô). Họ được ưu đãi đặc biệt, thiếu trang thiết bị nghiên cứu, phương tiện làm việc gì chỉ cần kê ra một tờ giấy là được đáp ứng.

Mọi công trình nghiên cứu khoa học đều được Viện Hàn lâm Khoa học nghiệm thu, nếu thấy hiệu quả thì ngay lập tức trích kinh phí nhà nước để đưa vào SX. Nhất là lĩnh vực công nghiệp mía đường, chăn nuôi, trồng trọt, hoa quả có múi, kiến trúc - xây dựng, y tế, giáo dục và thể dục thể thao.

Thư viện quốc gia Cu Ba rất lớn. Ở đó lưu trữ những bản đồ, hình ảnh, cuốn sách nguyên bản có niên đại lên tới 500 năm. Mọi người vào tra cứu tự do, không bị thu phí. Tôi vẫn nhớ mãi những nụ cười trìu mến của các chị thủ thư. Cáu giận, buồn rầu dường như là khái niệm xa xỉ với họ.

Người dân được chữa bệnh miễn phí. Chính phủ luôn sẵn sàng chi trả thay công dân những ca mổ đắt tiền nhất, không phân biệt họ là ai, da đen hay da trắng.

Bệnh viện và trạm y tế hiện diện ở khắp nơi. Mỗi y bác sĩ thuộc tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu chỉ phụ trách khám, chữa bệnh cho vài chục gia đình. Họ có hồ sơ sức khỏe của từng người thuộc địa bàn phụ trách.

Khi ốm đau, bệnh nhân đến gặp bác sĩ đó trước. Nhiều khi, chẳng cần mở hồ sơ nhưng bác sĩ có thể đọc vanh vách ai sinh ngày nào, số nhà bao nhiêu, nhóm máu gì, tiền sử bệnh tật ra sao, ốm sốt bao nhiêu lần, đã sử dụng những loại thuốc gì… Với những bệnh thông thường, bác sĩ khám rồi phát thuốc là xong. Nhờ vậy, bệnh viện tuyến trên không bao giờ quá tải.

Nguồn nhân lực có tri thức trong ngành giáo dục, y tế và thể thao của Cu Ba nhiều tới mức từ thập kỷ đầu thế kỷ 21, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cần hàng vạn y bác sĩ và giáo viên ngoại quốc để phát triển đất nước, Cu Ba sẵn sàng đáp ứng đủ. Dĩ nhiên, Chính phủ Venezuela phải trả lương cho đội ngũ này. 

Không chỉ Venezuela, hàng vạn nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, y bác sĩ, giáo viên, nhà sáng chế Cu Ba… cũng đang công tác ở các nước châu Phi và Mỹ La - tinh.

Ít tệ nạn xã hội

Cuối thập niên 70 (thế kỷ 20), Cu Ba chỉ có khoảng 9 triệu dân nhưng diện tích lãnh thổ bằng 2/3 Việt Nam. Ở đó có những đồng cỏ rộng tới mức ngựa chạy một vòng cũng mệt quỵ chân. Cũng tại nơi đây, hàng vạn nông trang nuôi bò vắt sữa. Học sinh các trường nội trú được uống 1 lít sữa/ngày.

Mía xanh rười rượi trên những cánh đồng, máy đường mọc lên như nấm, cột khói bốc lên trắng xóa. Lượng đường làm ra đủ để chia cho mỗi công dân 1 tấn và dùng để xuất sang nước XHCN.

Rượu rum từ mía, xì gà La Habana nổi tiếng, những vũ điệu Cha-cha-cha, San-sa dưới bóng cọ Pal-ma với biển xanh cát trắng đã làm nức lòng du khách đến quốc đảo tươi đẹp này.

Vào thời kỳ đó, mỗi gia đình có 1 ti vi đen trắng, 1 tủ lạnh Sa-la-tốp. Vài ba nhà lại có một chiếc ô tô loại Moskvitch hoặc Lada sang trọng. Trái ngược với Việt Nam, hiện nay 70% dân số Cu Ba sống ở thành thị, số còn lại sống ở nông thôn và hầu hết là người già.

Vừa qua, Mỹ tuyên bố xóa bỏ cấm vận đối với Cu Ba, tôi rất vui mừng, bởi đây chính là cơ hội cho nhân dân Cu Ba đổi mới và phát triển. Chưa nói đến những tiềm năng đất đai và khoáng sản, riêng nhân tố con người và hạ tầng cơ sở tốt đã là “bệ phóng” mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc đảo này trong tương lai.

Quốc đảo này rất ít tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy, cờ bạc bởi không tiệm mát-xa, không quán karaoke, không sòng bạc, nhưng cánh đàn ông rất thích uống bia và tham gia vũ hội đường phố, liên hoan ca nhạc.

Hướng dẫn nuôi tôm hùm

Với các “mỏ” tôm hùm quanh quốc đảo tại Pinar del Río, Santa Clara và tôm thẻ tự nhiên trong vùng biển nhiệt đới được ví là “Hoàng hậu biển Caribe” (Caribbean queen), khiến cả thế giới phải ao ước.

Ở các bãi tôm hùm tự nhiên, người ta thả xuống đó lốp xe cũ hoặc rạn san hô nhân tạo để tôm làm tổ sinh sống. Đó là tài sản nhà nước và luật pháp quy định cấm không cho bất cứ cá nhân nào đánh bắt.

Đến mùa thu hoạch, họ thả những lồng vuông to bằng cái bàn, hai đầu có hai cái hom và mở ra hai cánh lưới dài khoảng 10 m cắm xuống đáy biển.

Đặc tính tôm hùm chỉ bò và rất háu ăn, thấy mồi lập tức xông vào. Khi nhấc bẫy lên, những con to từ 0,5 kg trở lên được đem về xưởng chế biến hải sản quốc doanh gần nhất để luộc (hoặc hấp), sau đó cấp đông và xuất khẩu, còn lại thả xuống biển để chúng lớn tự nhiên.

Giá 1 kg tôm hùm luộc xuất khẩu chỉ đạt 15-20 USD, trong khi giá tôm hùm tươi sống cao gấp 2-3 lần. Thấy vậy, các chuyên gia thủy sản Việt Nam đã bật mí cho bạn cách “ru ngủ” tôm hùm để vận chuyển và xuất khẩu tôm sống.

Tôm được “ru ngủ” trong môi trường nước đá lạnh sau đó chở bằng máy bay sang các nước châu Âu, châu Mỹ… Sau khi nhận hàng, đối tác sẽ thả tôm vào bể nước biển ấm. Con tôm sẽ tỉnh giấc.

Việc làm đơn giản đã giúp nước bạn nâng giá trị xuất khẩu tôm hùm lên hàng trăm triệu USD/năm. Từ năm 2010 đến nay, Bộ NN-PTNT giao cho Viện Nuôi trồng thủy sản I giúp Cu Ba nuôi vỗ tôm hùm và các loài thủy sản khác.

Đàn cá ông bà, bố mẹ như các loài trắm, chép, trôi, mè giống gốc Trung Quốc tặng Cu Ba mấy thập kỷ trước giờ cũng đã thoái hóa trầm trọng. Năng suất thấp, kích cỡ nhỏ, tỷ lệ cá con chết non quá lớn. Bộ NN-PTNT đã tặng bạn đàn cá bố mẹ chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Đồng thời, năm 2012, Bộ NN-PTNT giao cho Tổng cục Thủy sản thực hiện dự án Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Cu Ba (giai đoạn 2014 - 2020). Với tình cảm, sẻ chia giữa hai dân tộc anh em, chắc chắn tương lai không xa, ngành thủy sản Cu Ba sẽ không ngừng phát triển.

(*) Ông Nguyễn Viết Mạnh hiện là Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT). Ông có 11 năm học tập và làm việc ở Cu Ba trong lĩnh vực thủy sản.

NGUYỄN VIẾT MẠNH (*)

Xem thêm
Tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu hồi 139 mã vùng trồng và 192 mã nhà đóng gói vi phạm quy định

Năm 2024, các cơ quan chức năng đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói nhưng cũng thu hồi nhiều mã vùng trồng, nhà đóng gói vi phạm quy định.

Dự kiến thông đèo nối Nha Trang - Đà Lạt vào chiều 17/12

Khánh Hòa Sau khi kích nổ phá khối đá khổng lồ chắn ngang đường do sạt lở, lực lượng chức năng nỗ lực thi công cả ngày lẫn đêm, dự kiến chiều 17/12 thông đèo Khánh Lê.