Hiếm cá
Năm 2009, tôi là một trong những thành viên của đoàn công tác gồm Bộ NN-PTNT, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính… sang Cu Ba khảo sát nhằm hỗ trợ nước bạn SX lúa gạo.
Điều tôi ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới đất nước Cu Ba là đất đai của bạn vô cùng màu mỡ, có cảm giác như lớp mùn hữu cơ màu đen dày vài mét.
Đất đai trù phú là vậy, song năng suất lúa của Cu Ba so với Việt Nam thua xa, chỉ vào khoảng 2,5-3 tấn/ha (ở Việt Nam bình quân 6-8 tấn/ha). Cu Ba hiện chỉ duy trì 3 loại cây trồng chính, chủ lực là lúa gạo, mía và cam. Trong đó, giống cam không hạt của nước bạn hương vị rất ngon và ngọt.
Trong suốt chuyến công tác kéo dài gần 1 tháng tại Cu Ba, tôi nhận thấy người dân ở hòn đảo bé nhỏ này có một thói quen trái ngược với Việt Nam là rất ít ăn rau và cá, mặc dù xung quanh họ là biển. Bằng chứng là gần một tháng trời ở Cu Ba, đoàn công tác chúng tôi chỉ được ăn một bữa cơm có vài con cá biển bé xíu.
Cách đây 5 năm, bữa ăn của người dân Cu Ba gần như không có thịt. Đoàn công tác chúng tôi phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ mới có thịt để ăn vài bữa. Nhưng tháng 10/2014, tôi có dịp quay trở lại Cu Ba, vui mừng nhận thấy thịt lợn và thịt gà bắt đầu trở nên phổ biến trong các bữa ăn trưa miễn phí của cán bộ nhà nước Cu Ba. Dù bạn vẫn chưa tự chủ được lượng thực, song cơm hiện giờ cũng ăn thoải mái chứ không còn suất cố định ăn hết thì thôi như trước.
Nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, năng suất lúa tại Cu Ba hiện đã tăng lên 4-5 tấn/ha, thậm chí nhiều cánh đồng năng suất xấp xỉ 6-7 tấn/ha như tại Việt Nam.
Thực ra, bản thân chúng ta sang hỗ trợ nước bạn SX lúa gạo chủ yếu là về kỹ thuật gieo sạ thưa, kỹ thuật cấy, kỹ thuật thâm canh và đặc biệt là kỹ thuật bón phân đúng thời vụ, còn lại giống lúa vẫn là những giống bản địa.
Dù các mặt hàng thực phẩm chế biến rất thiếu, song rượu tại Cu Ba lại rất sẵn và có đủ các mặt hàng từ bình dân đến giá cao cấp. Tôi có cảm tưởng người dân Cu Ba uống rượu mọi lúc, mọi nơi. Nhưng công nhận rượu rất ngon. Hầu như người Việt Nam nào đi công tác Cu Ba về cũng mang ít rượu làm quà. |
Nhìn đất đai rộng mênh mông của Cu Ba tôi thấy tiềm năng rất lớn. Chỉ cần đưa một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao của Việt Nam vào canh tác ngay lập tức sẽ tạo ra cuộc cách mạng về lượng thực cho Cu Ba. Qua đó, không chỉ giúp nước này tự chủ được về gạo mà thậm chí còn dư thừa để xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện Cu Ba vẫn rất khắt khe trong việc đưa những giống mới vào đồng ruộng của họ. Mỗi khi có giống mới từ Việt Nam mang sang, Chính phủ Cu Ba đều yêu cầu phải đem khảo nghiệm tại những hòn đảo xa xôi, vắng người, đi lại rất khó khăn. Chính vì lí do đó nên những tiến bộ về giống tại Cu Ba chuyển biến rất chậm chạp.
Tiềm năng lớn
Nhớ lại năm 2009, thời điểm đoàn chúng tôi sang công tác, nông dân Cu Ba gần như không có động lực lao động SX vì có tiền cũng chẳng có chỗ mà tiêu. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ tiếp nhận những tiến bộ kỹ thuật mà Việt Nam mang sang cộng với những cởi mở hơn của Chính phủ về giao khoán sản lượng, rất nhiều nông dân Cu Ba trở nên khá giả hơn, từ đó thúc đẩy một số ngành dịch vụ phát triển vì dân bắt đầu có nhu cầu tiêu tiền.
Xếp hàng mua sắm
Theo đó, trên một diện tích đất đai nhà nước giao khoán, nếu nông dân vượt được định mức, số vượt đó được Chính phủ mua lại với giá khá cao nên khuyến khích nông dân lao động hăng say, hiệu quả hơn.
Trong khi nông nghiệp bắt đầu có những chuyển biến tích cực thì hạ tầng, giao thông đô thị của nước bạn không có gì thay đổi nhiều sau 5 năm tôi quay lại.
Vẫn là những tòa nhà cổ kính kiến trúc Tây Ban Nha với những bức tường loang lổ, bong tróc vữa. Những khách sạn được gọi là 4-5 sao, nhưng vẫn dùng máy điều hòa cổ to bằng chiếc tủ lạnh đặt góc tường chạy kếu ù ù như máy xát gạo. Nhưng tôi có cảm giác chỉ cần vôi ve lại một chút là những tòa nhà của họ lại như mới và lộng lẫy ngay, bởi nhìn chúng vẫn còn rất kiên cố và chắc chắn.
Do không lo lắng chuyện làm giàu, kiếm tiền nên người dân Cu Ba sống rất đủng đỉnh. Họ rất thích tắm biển và ca hát. Hầu như tối nào họ cũng mang những cái loa thùng cũ kỹ ra khu đất trống tại các khu dân cư rồi bật nhạc lên để cùng nhau hát và nhảy múa rất vui vẻ. |
Ở Cu Ba không chỉ điện thoại, internet mà ngay cả phương tiện giao thông đi lại cũng rất thiếu thốn và lạc hậu. Ngày đoàn công tác Việt Nam mang chiếc xe dự án Ford Everest sang thuộc diện sang trọng nhất nhì trên đường phố Thủ đô La Habana rồi, xe đi đến đâu là gây được sự chú ý đến đó.
Không biết có phải do chưa mở cửa với nền kinh tế thế giới hay không mà các mặt hàng liên quan đến công nghiệp và chế biến tại Cu Ba luôn là thứ xa xỉ.
Vào các siêu thị của Cu Ba, chúng tôi chỉ thấy bán một số mặt hàng nhu yếu phẩm liên quan đến sinh hoạt hằng ngày như: gạo, muối, kem đánh răng, xà phòng, bột giặt…
Đi ô tô dọc theo đường chính của Cu Ba hàng trăm ki lô mét, song tuyệt nhiên không thấy khu công nghiệp dọc hai bên đường như ở Việt Nam, thay vào đó chỉ có lúa, mía, cam và những cánh đồng bỏ hoang cỏ mọc.
Qua hai chuyến thăm và làm việc tại Cu Ba, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sở thích ăn mỳ tôm của người dân nước bạn. Với những người bạn Cu Ba tôi từng gặp, mỳ tôm của Việt Nam mang sang chính là cao lương mỹ vị.
Những người bạn Cu Ba rất thân thiện
Bằng chứng là tôi được mấy người bạn Việt Nam công tác ở Cu Ba mời tham dự các bữa tiệc thì món ăn chính để chiêu đãi đồng nghiệp người Cu Ba là mì tôm gói. Ăn xong những bát mì tôm mang từ Việt Nam sang, các bạn Cu Ba xuýt xoa khen đi khen lại rằng, trong đời họ chưa bao giờ được ăn món nào lại có hương vị ngon đến vậy?!.
Chính bởi sở thích này mà trong nhà những cán bộ Việt Nam công tác tại Cu Ba không bao giờ thiếu mì tôm. Thỉnh thoảng, người thân của họ ở Việt Nam lại gửi sang cả chục thùng để họ ăn sáng dần và đặc biệt là chiêu đãi những người bạn Cu Ba mỗi khi họ có dịp tới chơi.
Bên cạnh mì tôm, các mặt hàng liên quan tới chế biến là bánh kẹo tại Cu Ba cũng rất hiếm, họ chỉ có mốt số loại bánh truyền thống được làm từ mía và bột mì, bột gạo. Do đó, nếu Cu Ba mở cửa, công nghiệp chế biến thực phẩm là lĩnh vực vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.
(*) TS. Trần Văn Khởi hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT)
TS TRẦN VĂN KHỞI (*)