Phóng viên NNVN tìm về trang trại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Thái (Unifarm) ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Suốt thời gian từ tháng 6 đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm, thì tại đây, 2/3 cán bộ, công nhân viên trong số hơn 1 ngàn người vẫn làm việc “3 tại chỗ” an toàn.
Năm khó khăn nhất trong vòng 6 năm qua
Mặc dù có hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến trang trại, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty Unifarm không có ở văn phòng. Cô Nguyễn Thị Trinh, nhân viên Phòng Kế hoạch cho biết, sếp ra farm từ sáng, dặn khi nào chúng tôi đến thì dẫn ra vườn.
Chiếc xe 7 chỗ chạy dọc theo những con đường cấp phối xuyên giữa 2 lô chuối một lúc khá lâu mới thấy thấp thoáng bóng ông Liêm cùng mấy nhân viên kỹ thuật đang lúi húi làm việc trong vườn chuối. Rồi cũng phải đợi thêm một lúc khá lâu ông Liêm mới ngừng tay, cười, chào chúng tôi bằng câu xin lỗi: “Cuối năm việc ngập đầu, mong các anh thông cảm”.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty Unifarm: "Điều may mắn nhất của chúng tôi là suốt trong thời gian dịch căng thẳng, Unifarm vẫn làm việc bình thường và không có tổn thất nào về con người". Ảnh: Phúc Lập.
Thế rồi chúng tôi cùng ngồi bệt xuống đất, giữa vườn chuối, xen những cây bưởi da xanh. Sau khi cầm chai nước suối tu ừng ực một hơi, ông Liêm nói: “Nhìn lại một năm qua, quả thật là có quá nhiều điều đọng lại trong tâm trí tôi và cả tập thể công ty. Đó là những khó khăn cực lớn, là những bài học trong việc sống chung với dịch, là việc ứng phó với khó khăn chưa từng gặp, là những thứ có được sau khi vượt qua thời điểm khó khăn nhất, rồi những khó khăn hiện diện ở hiện tại và những ngày sắp tới…”.
Theo ông Liêm, khi dịch bùng phát, mọi đối tượng, thành phần trong xã hội đều bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không giống nhau.
“Với doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp và xuất khẩu như chúng tôi, những ảnh hưởng là vô cùng nặng nề. Đầu tiên là vấn đề về thiếu hụt và gia tăng chi phí đầu vào đối với nguyên liệu, vật tư sản xuất, hầu hết các loại phân bón thiết yếu (đa lượng) đều tăng ở mức từ 50% - 100% tại thời điểm tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước và chưa có dấu hiệu giảm trong ít nhất là 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch, vận hành doanh nghiệp... So với cùng kỳ tháng 12/2020, giá thành sản xuất bình quân các mặt hàng tại Unifarm tăng khoảng 30%, nhưng giá bán ra không tăng. Ngoài ra, trong thời gian phòng chống dịch, Unifarm đã hỗ trợ miễn phí hàng chục tấn sản phẩm các loại cho các đơn vị tuyến đầu, các bệnh viện và các địa phương.

Khu nhà ở công nhân Unifarm ngay trong khuôn viên trang trại. Ảnh: Phúc Lập.
Về tiêu thụ, các mặt hàng nông sản, thị trường cả trong và ngoài nước ghi nhận mức giảm khá sâu về nhu cầu. Tại thị trường nội địa, dù giá bán ra và thị phần của Unifarm gần như được giữ nguyên, nhưng lượng hàng hoá Unifarm cung cấp mỗi ngày chỉ bằng xấp xỉ 70% so với năm 2020. Tại thị trường ngoài nước, Unifarm là một trong số ít những công ty nông sản Việt Nam không phụ thuộc vào chỉ 1 thị trường là Trung Quốc, mà còn xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malayisa…và chúng tôi vẫn chủ động điều phối hàng hoá của mình tại các quốc gia trên, không bị ùn ứ. Nhìn chung, doanh số của Unifarm năm 2021 đạt dưới mức kỳ vọng khoảng 30% trong khi đó chi phí lại tăng gần 50%. Năm nay cũng là năm khó khăn nhất của Unifarm trong vòng 6 năm trở lại đây”, Ông Liêm cho biết.
“khó khăn khi chi phí tăng, doanh thu giảm, công ty làm thế nào để duy trì hoạt động sản xuất và chăm lo đời sống cho người lao động?”, tôi hỏi.
Ông Liêm đáp: “Thời gian đầu chúng tôi cũng lo lắng, hoang mang lắm. Vì dịch bùng phát dữ quá, trong khi chưa có định hướng nào rõ ràng. Sau một thời gian, chúng tôi quen dần với tình hình dịch, tâm lý, tinh thần ổn định lại. Đây là yếu tố quan trọng để khắc phục khó khăn. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là có giải pháp ứng phó, thích nghi hợp lý với tình hình. Chúng tôi hiểu một điều, đối với doanh nghiệp, còn người lao động là còn cơ hội phát triển. Nếu trong khó khăn, mình vẫn quan tâm, chia sẻ với họ, thì chắc chắn họ sẽ gắn bó, chung thủy với mình.

Môi trường làm việc tại Unifarm luôn tràn ngập tiếng cười, đây là yếu tố quan trọng để vượt qua những khó khăn. Ảnh: Phạm Quốc Liêm.
Vì thế, có những thời điểm, chúng tôi gần như “đóng băng” các hoạt động dịch chuyển nhân sự, giám sát nghiêm ngặt việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Nhưng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn xác định phải chăm lo đầy đủ về vật chất cho người lao động, động viên tinh thần, chia sẻ với họ mọi chuyện khi có thể. Kết quả như anh thấy, hiện nay dù khó khăn chưa thể hết, nhưng chúng tôi đã đạt những kết quả rất tích cực.
“Được” nhiều hơn “mất”
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quốc Liêm cho biết, may mắn lớn nhất là trong khi “bão” Covid hoành hành khắp nơi, thì Unifarm không có bất kỳ tổn thất nào về con người tính đến thời điểm này. Và cái “được” lớn nhất của Unifarm mà nhiều doanh nghiệp khác không thể làm, đó là nhân sự gần như còn nguyên và ngày càng gắn kết hơn vì họ đã “hoạn nạn có nhau”.

Anh Hà Tấn Hùng, nhân viên kỹ thuật nông nghiệp Unifarm: "Chúng tôi vẫn làm việc “3 tại chỗ” trong thời gian giãn cách, nhưng tuân thủ đúng các quy định công ty đặt ra, nên tất cả mọi người đều bình an". Ảnh: Phúc Lập.
Nói về thời gian dịch căng thẳng nhất, anh Hà Tấn Hùng, nhân viên kỹ thuật nông nghiệp Unifarm tâm sự: “Một năm qua, không chỉ tôi mà cả ngàn lao động của Unifarm đã may mắn có việc làm, nơi ở và cuộc sống ổn định, nhất là giai đoạn cao điểm của đại dịch. Người quen, đồng hương, bạn bè tôi làm việc ở các công ty khác nhiều lắm, nhưng chẳng mấy người được như chúng tôi, người mất việc, người giảm thu nhập, nặng hơn là mất mát…Còn chúng tôi, suốt thời gian áp dụng “3 tại chỗ”, vẫn làm việc bình thường, nhưng tuân thủ đúng các quy định công ty đặt ra, cho nên, tất cả mọi người đều bình an”.
Tôi hỏi: “Vậy thu nhập có giảm không so với trước khi dịch không?”, anh Hùng đáp: “Thu nhập không giảm. Công ty đã phải “gồng” rất nhiều mới được như vậy. Với người lao động chúng tôi, vậy là quá tốt rồi. Chưa kể là Tết này chúng tôi vẫn có thưởng như mọi năm”.

Ông Phạm Quốc Liêm: "Doanh số đạt dưới mức kỳ vọng khoảng 30%, trong khi chi phí tăng gần 50%, nhưng giá bán ra sản phẩm không tăng. Vì nghĩ cả xã hội cùng khó, mình tăng giá liệu có nên?". Ảnh: Phúc Lập.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Bộ phận Nhân sự dự án trồng chuối Dầu Tiếng cũng cho biết thêm: “Chúng tôi ai cũng biết công ty gặp khó khăn trong một năm qua, nhưng rất mừng là tất cả mọi người đều được công ty chăm lo đầy đủ về mọi mặt. So với rất nhiều lao động ở nhiều doanh nghiệp khác, thì chúng tôi rất may mắn”.
Chị Nguyễn Thị Trinh, nhân viên Phòng Kế hoạch, gắn bó với Unifarm 3 năm nay, tâm sự: “Em học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Nông nghiệp của trường Đại học Nông lâm, và trước khi về Unifarm, em có đi tu nghiệp 1 năm tại ở Ixra-en. Nên khi về Unifarm, em thấy thấy mô hình đạt hiệu quả tối ưu, vì cách quản lý, vận hành chẳng khác gì những farm lớn, mấy chục năm tuổi ở Ixra-en.
Sau thời gian dịch vừa qua, em lại có thêm một cảm nhận khác nữa về công ty, đó là tập thể ban lãnh đạo đều là những người có tâm, có tầm, sẵn sàng giảm doanh thu, lợi nhuận để chia sẻ với người lao động khó khăn. Một tập thể mạnh không chỉ có những người giỏi là đủ”.
“Vậy còn những yếu tố nào để một tập thể được đánh giá là mạnh?”, tôi hỏi.

Chị Nguyễn Thị Trinh: "Unifarm là một tập thể mạnh". Ảnh: Phúc Lập.
Chị Trinh đáp: “Nhân sự giỏi là một trong số những yếu tố, nhưng chưa đủ. Mà còn phải là một tập thể đoàn kết, sự hết lòng vì tập thể của mỗi cá nhân. Mà muốn có sự gắn kết đó, thì họ phải nhận ra đây là nơi mình xứng đáng để gắn bó. Dù khó khăn rất lớn, nhưng gần như toàn bộ công nhân của Unifarm vẫn được làm việc và hưởng lương đầy đủ. Những trường hợp F0, F1 phát hiện trong quá trình làm việc tại công ty đều được công ty trả lương, phụ cấp, trợ cấp và hỗ trợ về thuốc men, chi phí điều trị.
Ngoài chăm lo về vật chất, trong thời điểm dịch căng thẳng, tinh thần người lao động sa sút, bất an, lãnh đạo công ty cũng luôn sát cánh, chia sẻ, đồng hành với chúng tôi. Đó là những điều quan trọng nhất để chúng tôi đồng hành với công ty”.
"Unifarm xác định giữ nguyên lực lượng lao động và các chính sách cho người lao động. Dù khó khăn, Unifarm vẫn đảm bảo mức thưởng Tết cho tương đương các năm trước. Đồng thời, công ty cam kết sẽ không có bất kỳ người lao động nào tại Unifarm mất việc hay phải giảm lương, ngược lại các cá nhân có thành tích lao động tốt vẫn được xem xét tăng thu nhập ở mức hợp lý theo tình hình của doanh nghiệp”, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm.