Địa bàn rộng, buôn lậu tinh vi
Một buổi chiều đầu tháng 8, chúng tôi vượt hàng trăm km đường nông thôn để đến được tuyến biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Con sông Cái Cỏ là ranh giới giữa 2 nước mùa này bắt đầu chuyển màu phù sa, báo hiệu đã vào mùa nước nổi. Đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu qua tuyến biên giới gia tăng mạnh. Các lực lượng bảo vệ tuyến biên giới phải căng mình chống hàng lậu xâm nhập và tuồn vào nội địa.
Việt Nam có tuyến biên giới đường bộ với Campuchia dài 1.137km, trong đó Long An là tỉnh ở khu vực ĐBSCL có đường biên giới dài nhất, hơn 133km. Đồn Biên phòng Sông Trăng, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới dài 15,8km (thuộc địa bàn xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).
Trời nhá nhem tối, chúng tôi theo chân tổ tuần tra của Trạm Kiểm soát Biên phòng Bưng Tràm (thuộc Đồn Biên phòng Sông Trăng) do Thượng úy Mai Hoàn Hảo chỉ huy. Có đi thực tế mới thấy hết nỗi vất vả của lính biên phòng. Sau một đoạn di chuyển bằng xe máy cả tổ dừng lại, lội bộ đi tuần.
Để phát hiện một vụ buôn lậu qua biên giới không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện đêm tối. Các anh phải luồn lách đi trong những vườn cây mọc lẫn với cỏ, sậy cao lút đầu. Đèn pin sẵn trong tay nhưng không thể bật vì sẽ bị lộ vị trí. Hết đi bộ lại ngồi mật phục ở những vị trí trọng điểm. Chỉ cần có động tĩnh, các đối tượng buôn lậu vượt nhanh qua sông Cái Cỏ, rút về bên đất bạn là lính biên phòng không thể rượt bắt.
Ngồi nghỉ mệt ở căn chòi bỏ hoang của của người dân, Thượng úy Mai Hoàn Hảo chia sẻ, thông thường, trạm sẽ tổ chức đi tuần ít nhất 4 lần/ngày theo kế hoạch. Còn khi có thông tin tình hình buôn lâu gia tăng sẽ tăng cường, bất kể ngày đêm, mưa gió cũng phải lên đường, kiểm soát tốt tuyến biên giới.
Nói về thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sông Trăng cho biết, do địa hình tuyến biên giới chạy dọc theo sông, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa gió để lén lút đưa heo lậu vượt đường biên vào Việt Nam.
Đặc biệt, tình trạng chuồng trại chăn nuôi của người dân ở ngay trước hoặc sau nhà, rất gần tuyến biên giới. Bọn buôn lậu thường chia nhỏ từ 2 - 5 con heo/lượt, đưa qua biên giới xong nhập chuồng, nhập đàn với heo đang nuôi của một số hộ dân Việt Nam tiếp tay buôn lậu để hợp thức hóa.
Trong 6 tháng đầu năm, Đồn Biên phòng Sông Trăng đã tổ chức tuần tra, mật phục, phát hiện và bắt giữ 12 vụ buôn lậu, với 13 đối tượng, các mặt hàng gồm thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, tạp hóa… Riêng vận chuyển gia súc đã bắt giữ 2 vụ buôn lậu heo với số lượng 22 con và 1 vụ buôn lậu bò, số lượng 15 con. Sau khi bắt giữ, đồn biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy theo quy định hiện hành của Bộ NN-PTNT.
Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng cho biết, do đặc thù tuyến biên giới đất liền đất, sông liền sông, có nhiều đường mòn, lối mở, sông Cái Cỏ chạy dọc theo tuyến biên giới có nhiều đoạn nhỏ hẹp chưa đến 10m, nên các đối tượng buôn lâu thường lợi dụng vào địa hình phức tạp, đêm khuya để tuồn hàng hóa, động vật sống vào Việt Nam nhằm hưởng lợi bất chính do chênh lệch về giá cả.
“Mùa nước nổi là thời điểm mà hoạt động buôn lậu gia tăng mạnh. Chúng tôi tập trung bố trí thêm phương tiện xuồng máy, áo phao, đèn pin… để tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, rạch để kịp thới phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lâu qua biên giới”, Trung tá Nguyễn Văn Hội khẳng định.
Ngăn chặn heo lậu qua biên giới
Trước tình trạng buôn lậu heo ngày càng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành và các Bộ, ngành triển khai các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện heo nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tình hình buôn lậu trên tuyến biến giới. Ông Phạm Đức Chinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 tỉnh), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, Ban chỉ đạo 389 các địa phương, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tăng cường tuyến biên giới để đấu tranh, phòng chống các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Qua thực tế đi kiểm đi kiểm tra trên tuyến biên giới và báo cáo của các huyện biên giới, lực lượng biên phòng hiện nay tuyến biên giới của tỉnh Long An đang được kiểm soát tốt. Các vụ buôn lậu diễn ra mang tính nhỏ lẻ và nhiều vụ đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định.
Theo ông Phạm Đức Chinh, ngay sau đợt kiểm tra, Ban chỉ đạo 389 tỉnh sẽ có báo cáo UBND tỉnh, để từ đó sẽ có chỉ đạo các ngành chức năng, Sở NN-PTNT, lực lượng thú y, thống kê lại tất cả các đàn gia súc, gia cầm của các hộ dân đang chăn nuôi ở khu vực biên giới. Qua đó, sẽ kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc heo được vận chuyển, nhập lậu, hợp thức hóa. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân, yêu cầu ký cam kết không tham gia buôn lậu, tiếp tay cho bọn buôn lậu hợp thức hóa, tuồn heo lậu vào biên giới Việt Nam.
Theo Bộ NN-PTNT, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép heo qua biên giới làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng… Đây không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây hại cho ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người tiêu dùng.
Do heo nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.
Theo đó, cần bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm từ heo ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở… trên tuyến biên giới Tây Nam.
Trường hợp phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán heo bất hợp pháp phải xử lý nghiêm, tiêu hủy theo quy định. Các cơ quan chức năng và nhân dân cần phải nâng cao ý thức, hợp tác để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.
Tình hình hoạt động nhập lậu heo qua biên giới của tỉnh Long An chủ yếu nổi lên trên đoạn biên giới thuộc địa bàn xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, số lượng heo nhập lậu nhỏ lẻ và không thường xuyên.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động là các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, đoạn sông Cái Cỏ hẹp, có thể qua lại bằng xuồng, ghe bất kỳ khu vực nào và lợi dụng các khu vực vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân biên giới, chia nhỏ heo lậu thành từng tốp 3 đến 5 con để vận chuyển qua sông biên giới đưa về điểm tập kết, hợp thức hóa giấy tờ thành heo trong nước. Sau đó, nhanh chóng sử dụng xe ô tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị phát hiện bắt giữ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Biên phòng, Công an tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ nhập lậu trâu, bò, heo, tang vật thu giữ tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò. Ngành chức năng đã khởi tố 3 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng, với số tiền 27 triệu đồng.