| Hotline: 0983.970.780

Cùng lúc đối mặt nhiều dịch bệnh động vật nguy hiểm

Thứ Tư 25/10/2023 , 06:56 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh xuất hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm như tả heo Châu Phi, bệnh dại cùng cúm gia cầm.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 của gia đình ông Hoàng Văn Cường ở thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 của gia đình ông Hoàng Văn Cường ở thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.

Đảm bảo công tác tiêu trùng, khử độc trong chăn nuôi

9 tháng đầu năm 2023, địa bàn Quảng Ninh xuất hiện một số dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngành NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương khẩn trương dập dịch, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Cụ thể, từ ngày 26/4 đến đầu tháng 9/2023, trên địa bàn Quảng Ninh xuất hiện dịch tả heo Châu Phi tại 13 hộ thuộc 4 thôn, khu ở các địa phương Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn, với tổng số 46 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu hủy.

Từ ngày 25/2 đến 8/8 cũng phát sinh 8 ổ dịch bệnh dại động vật trên địa bàn các huyện: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và đã có 1 người ở huyện Hải Hà tử vong do động vật cắn, 65 người bị chó cắn, tiếp xúc đã được tiêm phòng, điều trị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số bệnh khác trên gia súc, gia cầm nhưng không lây lan, phát sinh thành dịch.

Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý gia súc, gia cầm bị bệnh thông qua Cổng thông tin Điện tử của Sở NN-PTNT và Cổng thông tin Điện tử của các địa phương.

Hướng dẫn mật độ chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm cũng được ngành NN-PTNT cùng các địa phương triển khai tích cực.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã mua sắm đủ loại vacxin cho hết năm 2023 và triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Người chăn nuôi ở TP Hạ Long chuẩn bị phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ảnh: Cường Vũ.

Người chăn nuôi ở TP Hạ Long chuẩn bị phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ảnh: Cường Vũ.

8 tháng năm 2023, các địa phương thực hiện tiêm trên 50.000 liều vacxin lở mồm long móng cho gia súc; gần 33.000 liều vacxin tụ huyết trùng gia súc, trên 18.700 liều vacxin viêm da nổi cục với trâu, bò; 21.000 liều vacxin bệnh tai xanh; 232.000 liều vacxin các loại ở lợn; gần 2,1 triệu liều vacxin cúm gia cầm và hơn 88.000 liều vacxin phòng bệnh dại.

Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tăng cường cung cấp hóa chất, vôi bột cho các địa phương xuất hiện các ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, ban quản lý các chợ tổ chức phun khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi, chuồng trại nuôi nhốt, nơi tập kết, kinh doanh, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ tập trung, ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao...

Việc kiểm soát vệ sinh thú y ở các điểm giết mổ gia súc, gia cầm cũng được chú trọng hơn. Hiện toàn tỉnh có gần 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 6 cơ sở giết mổ tập trung. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương thực hiện kiểm soát giết mổ trên 200.000 con lợn và 240.000 con gia cầm.

Hoạt động xử lý động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, không rõ nguồn gốc được thực hiện khá tốt. Ngày 1/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiêu hủy 23 cá thể cá cóc khổng lồ Trung Quốc đã chết và được bảo quản lạnh. Số động vật nguy cấp, quý hiếm trên là vật chứng trong vụ án do Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã bắt giữ trong tháng 5 tại TP Hạ Long.

Công tác vệ sinh tiêu trùng, khử độc đã góp phần đưa chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng phát triển ổn định. Tính đến ngày 15/8/2023, tổng đàn trâu toàn tỉnh là gần 26.000 con, đàn bò 30.000 con, tăng 0,3% so cùng kỳ; đàn lợn trên 268.000 con, tăng 0,8% so cùng kỳ; đàn gia cầm 4,5 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 52.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ, đạt 50% kịch bản tăng trưởng năm 2023.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại TX Đông Triều. Ảnh: Cường Vũ.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại TX Đông Triều. Ảnh: Cường Vũ.

Siết chặt quản lý kinh doanh thuốc thú y

Cùng với việc chủ động nguồn thuốc, vacxin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của các địa phương, việc cung ứng thuốc thú y tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y là rất cần thiết để chủ động, kịp thời trong việc phòng dịch, dập dịch tại chỗ.

Việc quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y cũng cần phải siết chặt để đảm bảo cho quyền lợi của người chăn nuôi, cũng như phát triển ngành chăn nuôi một cách hiệu quả.

Để nâng nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở trong thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết: Hàng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan, thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh.

Ngoài công tác kiểm tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tập trung tuyên truyền, yêu cầu các cửa hàng cam kết không kinh doanh các sản phẩm thuốc nằm ngoài danh mục, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra 80 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y.

Qua kiểm tra, một số cơ sở kinh doanh, buôn bán không đạt về các chỉ tiêu: Chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hạn; không có chứng chỉ hành nghề thú y; một số mặt hàng thuốc thú y đã bị cấm không được sử dụng trong chăn nuôi, thuốc thú y đã hết hạn và không có trong danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam; cơ sở vật chất kinh doanh chưa được chú trọng, thiếu nhiệt kế, ẩm kế, hàng hóa lộn xộn, không có hóa đơn mua bán hàng...

Tại mỗi cơ sở chưa đạt yêu cầu, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các chủ cơ sở hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán và yêu cầu các cơ sở này ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, đối với các cơ sở chưa chấp hành thực hiện theo hướng dẫn của đoàn kiểm tra, chi cục sẽ có văn bản thông báo gửi các địa phương, báo cáo Thanh tra Sở NN-PTNT xử lý nghiêm theo quy định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, để công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y thực sự đem lại hiệu quả, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tự giác chấp hành của các chủ cửa hàng kinh doanh thuốc thú y", bà Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp trên, về lâu dài, xác định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chăn nuôi tập trung, góp phần quản lý sử dụng thuốc thú y, hướng tới chăn nuôi an toàn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đơn cử như khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất