Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương tổ chức. |
Diễn đàn lần này sẽ tập trung nội dung thảo luận qua 2 phiên đối thoại chính thức là tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản và các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, nông dân Lê Văn Chiến, đến từ TP. Đà Nẵng về thẻ vàng của EC và xuất khẩu thủy hải sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và ngư dân để gỡ thẻ vàng của EU đã được Đảng, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm, trong đó Bộ NN-PTNT đang nỗ lực triển khai 4 giải pháp mà EC khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trả lời các câu hỏi của Nông dân về lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4. |
Đó là khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hiện nay, hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thuỷ sản năm 2017, Chính phủ đã cụ thể hoá qua 8 thông tư, 2 nghị định. Hệ thống theo dõi, giám sát, quản lí tàu đánh bắt thuỷ sản vào, ra trên biển đã được triển khai lắp ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.
Về truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hiện đã được các ban quản lí cảng cá thực hiện tích cực. Đối với hệ thống cảng cá, bến cá, hiện đã công bố loại 1, loại 2 để thực hiện truy xuất nguồn gốc, các kho bãi, kho đông lạnh đều được đưa vào quy hoạch. Cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã vào cuộc quyết liệt, đem lại kết quả khả quan.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, vừa rồi có một số tàu của chúng ta vi phạm ở vùng giáp ranh Malaysia, Thái Lan, tuy nhiên nhìn chung, việc khai thác hải sản ở trên biển tại kinh độ, vĩ độ đấy ngư dân ta đã biết cách ứng xử phù hợp hơn. Do đó, chúng ta tin rằng việc xuất khẩu thuỷ sản vào châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở hiện nay mà sẽ còn phát triển hơn nữa.
“Chúng ta hoàn toàn tự tin bán cho thế giới cái thị trường cần. Nông dân của chúng ta rất giỏi, các rào cản này nếu như có thêm các doanh nghiệp, hệ thống chính trị vào cuộc, cùng hướng dẫn ngư dân thì chắc chắn sẽ vượt qua và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sẽ không dừng lại con số mục tiêu đề ra cho năm nay là 10 tỷ USD.” Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Trả lời câu hỏi của nông dân về lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là ảnh hưởng tác động của dịch tả lợn Châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, chăn nuôi Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt được thành tích quan trọng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của 96 triệu dân và lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, phải thừa nhận là chăn nuôi hiện nay vẫn nhỏ lẻ, quy mô hộ nhiều.
Để giải quyết điểm yếu này, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi và từ 1/1/2020, Luật sẽ đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết cả mặt an toàn dịch bệnh, an sinh, cung cầu. Chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô, theo chuỗi. Cái này phải làm theo lộ trình chứ không thể chuyển ngay được.