Từ ngày lên nắm chức vụ, ông đã xây dựng cho mình một đội ngũ cộng tác viên, giúp mình nắm mọi tình hình ở các ngành, nhất là nắm mọi động tĩnh của giới quan chức đầu ngành trong tỉnh.
Vì thế, mọi động tĩnh trong tỉnh, ông nắm còn chắc hơn là người phụ trách lĩnh vực ấy. Qua điện thoại, ông hỏi người báo cáo:
- Có những ai đến dự?
- Báo cáo anh, có Bí thư, Chủ tịch huyện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện và gần như đủ mặt lãnh đạo các ban, ngành trong huyện. Trên tỉnh có Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng phòng Di tích của Sở, Phó Giám đốc Bảo tàng. Và có thêm chị Phượng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp, vợ anh Khải- Giám đốc Sở Tài chính nữa ạ.
- Tên của những người công đức có được công khai không?
- Thưa anh không. Trong lúc Bí thư phát biểu, em chỉ nghe Bí thư cám ơn vị thí chủ trong tỉnh đã có lòng hảo tâm, công đức toàn bộ kinh phí, nhưng không nói tên người ấy.
Thế là rõ. Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của tỉnh Bùi Mạnh Thi sắp nghỉ hưu. Phải chuẩn bị nhân sự thay thế. Ban Tổ chức đề xuất hai người để Thường vụ xem xét, lựa chọn lấy một.
Thứ nhất là Đỗ Thanh Quỳnh, con trai ông, hiện đang làm Trưởng một ban của Tỉnh ủy. Hai là Nguyễn Trọng Khải, đương kim Giám đốc Sở Tài chính. Cả hai đều thuộc diện nằm trong quy hoạch cơ cấu cán bộ nguồn, đều có học vị và năng lực tương đương nhau.
Về thế lực, so hai người thì Quỳnh có vẻ lợi thế hơn, vì là con của người đứng đầu tỉnh, cũng là người đứng đầu Thường vụ. Mỗi lời nói là một mệnh lệnh, ai cũng phải nghe. Nhưng Khải cũng không phải là tay vừa.
Sự xuất hiện của vợ hắn trong lễ khởi công xây dựng lại Cổ Thanh tự và đình Hét, cộng thêm với sự có mặt của vợ chồng hắn ở buổi lễ trước đó mấy ngày, mà ông Luyến cũng đã nắm được, ông đoan chắc số tiền cung tiến để xây lại đình, chùa này là của vợ chồng hắn.
Hắn muốn “chạy” bằng cách công đức để được âm phù? Không thể đùa được với thế giới tâm linh, thế giới của thần thánh được. Nghĩ vậy, tối hôm ấy, ông cho bà Lan, vợ mình, biết toàn bộ sự thật, và bảo bà:
- Phải chọn mấy ngôi chùa lớn trong tỉnh, công đức vào đó ít tiền, lấy tên thằng Quỳnh đứng công đức, rồi xin các vị trụ trì làm cho mấy khóa lễ, cầu các ngài âm phù cho con.
- Xưa nay, nhà mình có từ chối chùa, đình mỗi lần họ đến vận động công đức bao giờ đâu?
- Nhưng đấy là những món tiền nhỏ.
- Mỗi lần công đức cả chục triệu, có lần đến hai chục triệu, mà còn nhỏ ư?
- Bõ bèn gì. Bà có biết thằng Khải nó công đức bao nhiêu không? Toàn bộ kinh phí xây lại chùa Cổ Thanh với đình Hét, ít nhất cũng phải vài ba tỷ ấy chứ.
Thôi bà nghe tôi. Bà hãy về quê, đến chùa Me, tức là chùa Thiên Phúc cạnh xã ta ấy, là một ngôi chùa lớn trong vùng, xem nhà chùa cần cái gì thì công đức vào đó.
Mấy ngày sau, bà Lan về thăm quê, và ghé vào Thiên Phúc tự. Sau khi thắp hương lễ Phật, theo ni sư Thích Đàm Đan đi vãn cảnh chùa, bà khen:
- Bạch ni sư, chùa này có khuôn viên thật rộng rãi. Giá có một bức tượng Quan Thế âm Bồ Tát dựng trong khuôn viên, thì cảnh chùa sẽ được tôn nghiêm lên rất nhiều.
- Mô Phật. Nhà chùa cũng muốn dựng tượng đức Bồ Tát từ lâu, nhưng kinh phí hạn hẹp, nên không làm nổi. Ngay cả quả chuông chùa bị mất mấy năm trước, đã báo công an, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra, mà nhà chùa thì không có tiền để đúc chuông mới, nên chùa không có chuông.
Trước đây, cứ năm giờ sáng và năm giờ chiều, ngày nào chùa cũng khua chiêng chiêu mộ. Từ ngày mất chuông đến giờ, lệ ấy đành bỏ.
- Bạch ni sư, nếu vậy tôi xin công đức để nhà chùa dựng một bức tượng đức Bồ Tát và đúc chuông, có được không?
- Mô Phật. Nếu được vậy thì còn gì bằng. Xin cám ơn thí chủ.
- Bạch ni sư, vậy nếu dựng một bức tượng đức Bồ Tát bằng đồng, nặng độ 5 tấn, thêm một mái che. Và đúc một quả “đại hồng chung” nặng độ 3 tấn, thì hết bao nhiêu ạ?
- Thưa thí chủ. Hiện thì nhà chùa không rõ hết bao nhiêu. Phải đến các làng đúc đồng để khảo sát giá cả. Vì Thiên Phúc tự đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nên muốn đưa cái gì vào chùa, phải trình với UBND xã, xin phép cơ quan chức năng, thì mới làm được ạ.
- Bạch ni sư. Vậy ni sư cho người khảo sát mọi chi phí, và làm các thủ tục đi, rồi cho tôi biết theo số điện thoại này, tôi sẽ thu xếp tiền nong để công đức.
Mấy ngày sau, ni sư điện thoại thông báo cho bà Lan biết, đã nhờ người khảo sát tại làng đúc đồng Văn Lâm. Pho tượng Bồ Tát và quả đại hồng chung, giá tiền là ba tỷ tám trăm năm mươi triệu. Mái che trên tượng Bồ Tát năm mươi triệu nữa, là ba tỷ chín.
Nhưng nếu có quả đại hồng chung 3 tấn, thì phải làm lại gác chuông, vì gác chuông cũ của chùa đã xuống cấp, quả chuông cũ của nhà chùa trước chỉ nặng 80 kg. Nay nếu treo quả đại hồng chung lên thì gác chuông sẽ sập.
Phá gác chuông cũ đi, làm lại gác chuông mới to hơn, tốn kém ước chừng sáu trăm triệu nữa. Tổng kinh phí là bốn tỷ rưỡi. Đã báo cáo với UBND xã, đã được lãnh đạo ủy ban nhiệt thành ủng hộ. Các thủ tục đang được tiến hành.
Bà Lan đồng ý. Hai hôm sau, bà lại về Thiên Phúc tự, trao cho ni sư đúng số tiền ấy, tên người công đức được ghi là Đỗ Thanh Quỳnh.
Sau lễ khởi công xây dựng lại chùa Cổ Thanh và đình Hét, Thái bảo Khải:
- Số chú thật may. Cầu được ước thấy. Chỉ xin âm dương một lần là được ngay. Nhưng cũng phải dấn thêm.
- Em đã làm việc với anh Thanh, Giám đốc Sở Công an và mấy vị trong Thường vụ. Đã chu đáo với họ cả rồi. Tất cả đều nhiệt thành ủng hộ em. Còn việc gì phải làm tiếp về đường âm thì anh chỉ bảo tiếp, em sẽ làm theo.
- Phải triệt hẳn đường phúc đức của thằng Quỳnh đi, thì mới yên tâm được.
- Triệt bằng cách gì?
- Yểm.
- Yểm như thế nào?
- Chú yên tâm. Việc này thì tôi làm được. Làm thế này này…
Thái ghé sát tai Khải thì thầm. Nghe xong, Khải gật đầu lia lịa. (còn nữa)