| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chuyển đổi ở ‘thủ phủ’ dâu tằm

Thứ Năm 11/05/2023 , 13:30 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Lâm Đồng có thể phát triển dâu tằm tơ suốt 12 tháng trong năm. Nghề dâu tằm đã và đang giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu.

Trong cuộc trò chuyện về lĩnh vực nông nghiệp mà đặc biệt là về nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng, TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam thốt lên rằng: Ít nơi nào có được thuận lợi trong phát triển dâu tằm tơ như Lâm Đồng. Đây là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây dâu, phù hợp dưỡng tằm suốt 12 tháng trong năm. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, hiếm nơi nào có được thuận lợi đủ bề cho ngành dâu tằm tơ như Lâm Đồng.

Bắt đất nghèo “đẻ” ra tiền

Những năm gần đây, để phát triển kinh tế, hàng nghìn hộ dân ở Lâm Đồng đã tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả qua trồng dâu nuôi tằm. Tại thôn 5 (xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông), gia đình anh Sùng Vang Tính (27 tuổi, dân tộc H’Mông) bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm từ năm 2021.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 nghìn ha dâu với khoảng 15 nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 nghìn ha dâu với khoảng 15 nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Bài liên quan

Anh Tính chia sẻ, những năm trước, cuộc sống của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nương lúa, cây mì (sắn), cây bo bo trên đồi. “Vì sản xuất dựa vào thiên nhiên nên mỗi năm chỉ có mùa mưa là no đủ. Về mùa khô, gia đình anh không làm được lúa nên phải đi nơi khác xin việc làm kiếm sống.

Đến năm 2021, anh Tính nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả nên đã bắt tay vào cải tạo 1.500m2 vườn trên đồi chuyển qua trồng dâu. Ở diện tích này, dâu phát triển mạnh, xanh tốt quanh năm và đảm bảo nguồn lá cho việc nuôi mỗi tháng nửa hộp tằm. Với mô hình này, hiện gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định từ 6 – 8 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình anh tiếp tục chuyển đổi 0,5ha cây trồng kém hiệu quả, đất nghèo, trồng cây kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Tại huyện Lâm Hà, nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại sinh kế và là cơ hội làm giàu cho hàng nghìn hộ dân. Bà Nguyễn Thị Nga, ngụ xã Phúc Thọ cho biết, 6 năm trước, vườn cà phê của gia đình già cỗi, kém hiệu quả nên bà quyết định phá bỏ để chuyển qua trồng dâu nuôi tằm.

“Lúc đầu, gia đình chuyển đổi 0,2ha và sau đó chuyển đổi tiếp ở phần diện tích còn lại. Nguồn lá dâu hiện nay đáp ứng cho gia đình nuôi 4 - 5 hộp tằm/tháng”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ và cho biết thêm, từ việc bán kén, gia đình có nguồn thu nhập đều đặn trên 200 triệu đồng/năm.
“Vốn đầu tư cho việc trồng dâu, nuôi tằm không quá cao, kỹ thuật sản xuất không quá khó nên rất phù hợp để phát triển. Đặc biệt, trồng dâu, nuôi tằm thì tháng nào cũng có thu nhập nên kinh tế gia đình luôn được đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Hiện nay, nhiều diện tich cây trồng kém hiệu quả được người dân tỉnh Lâm Đồng cải tạo, chuyển qua trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Minh Quý.

Hiện nay, nhiều diện tich cây trồng kém hiệu quả được người dân tỉnh Lâm Đồng cải tạo, chuyển qua trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Minh Quý.

Cũng như bà Nga, anh Tính, từ khi bén duyên với con tằm, sợi tơ, kinh tế của gia đình ông Krajan Ha Si (dân tộc K’ho Cil, ngụ xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) cũng được cải thiện.

Theo ông Ha Si, cái hay của việc phát triển dâu tằm là ngoài việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, gia đình còn có thể tận dụng các khoảnh đất trống ven nhà, bờ suối, bãi ruộng để trồng thêm dâu.

Cây dâu dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản. Hiện nay, toàn bộ diện tích dâu của gia đình đảm bảo cho việc nuôi 1 hộp tằm/tháng”, ông Krajan Ha Si thổ lộ.

Theo UBND xã Mê Linh (huyện Lâm Hà), để phát triển kinh tế, các hộ dân tại địa phương đã tập trung vào cải tạo đất, trong đó nhiều hộ đã biến khu vực đất xấu chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay các hộ đồng bào dân tộc K’ho Cil ở Mê Linh đã thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô từ 1 - 3,5 hộp tằm/hộ. Trung bình mỗi hộp tằm cho thu hoạch gần 60kg kén, giúp người dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.

Diện tích dâu tăng 8 - 10%/năm

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, diện tích dâu tằm của tỉnh khoảng gần 10 nghìn ha với trên 15.000 hộ dân sản xuất. Sản lượng lá dâu hiện nay của địa phương ước đạt 250.000 tấn/năm. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu, đặc biệt là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, nghề dâu tằm tơ hình thành ở địa phương từ hàng chục năm trước và phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố. Trong đó tập trung nhiều ở huyện Lâm Hà với 3,8 nghìn ha, huyện Đạ Tẻh 1,6 nghìn ha, huyện Đức Trọng 1,6 nghìn, TP Bảo Lộc 750ha và các huyện như Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Hậu.

Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay diện tích dâu tằm được người dân, doanh nghiệp quan tâm mở rộng. Bình quân mỗi năm diện tích dâu tăng 8 - 10%. Phần gia tăng diện tích dâu chủ yếu được chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả.

Ông Vũ Bá Yêu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà cho hay, hiện nay huyện có khoảng 3,8 nghìn ha dâu, sản lượng kén trên 7 nghìn tấn/năm. Nghề dâu tằm hình thành ở địa phương vào những năm 1980 và đến nay đã được đầu tư, phát triển khoa học, bài bản.

“Chúng tôi đã đưa các giống dâu mới, năng suất cao như S7-CB, VA-201… vào sản xuất trên 90% diện tích. Đối với những giống dâu này, năng suất có thể đạt trên 500 tạ/ha”, ông Vũ Bá Yêu cho biết.

Cùng với việc đưa giống dâu mới vào sản xuất, người trồng dâu, nuôi tằm cũng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó phải kể đến các mô hình đầu tư giống, áp dụng quy trình nuôi tằm trên nền nhà hoặc các khung đũi, từng bước sử dụng né 1 con thay né tre trước đây để nâng cao chất lượng kén. Cùng với đó là đầu tư thâm canh, sử dụng phân hữu cơ, áp dụng tưới tiết kiệm để tăng năng suất dâu.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về nuôi tằm đã được đưa vào sản xuất, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Quý.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về nuôi tằm đã được đưa vào sản xuất, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Quý.

Cũng như Lâm Hà, chính quyền TP Bảo Lộc xác định nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những ngành mang lại giá trị kinh tế cao và đã tập trung đầu tư, phát triển. Các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã xây dựng các mô hình trồng xen, chuyên canh giống dâu chất lượng cao S7-CB trên tổng diện tích 750ha. Với cách làm này, năng suất dâu từ chỗ chỉ đạt 15 - 20 tấn/ha trước đây hiện nay đã tăng lên 30 - 35 tấn/ha.

“Với diện tích dâu hiện nay, người sản xuất dâu tằm tơ ở Thành phố có thể nuôi từ 32.000 - 33.000 hộp trứng tằm, tương đương với khoảng 1.400 - 1.485 tấn kén, tức khoảng 192.857kg tơ”, ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương có lợi thế trong phát triển ngành dâu tằm tơ và ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo, chỉ đạo trong sản xuất. Theo đó, địa phương khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả qua trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt mở rộng lên các khu vực phù sa, cải tạo vùng đất xấu, cho thu nhập thấp để trồng dâu. Kết quả, việc chuyển đổi đã giúp diện tích dâu tằm tăng từ 6,8 nghìn ha năm 2019 lên 10 nghìn ha vào năm 2023.

Lâm Đồng là tỉnh có bề dày và rất nhiều lợi thế về ngành dâu tằm tơ. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng là tỉnh có bề dày và rất nhiều lợi thế về ngành dâu tằm tơ. Ảnh: Minh Hậu.

“Hiện nay, giá kén tằm cao đã góp phần xoá đói giảm nghèo nhanh cho bà con. Ngành này có lợi thế trong việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. Các địa phương đã nỗ lực, nhìn thấy được tiềm năng về thu nhập, đặc biệt là phù hợp với kinh tế hộ gia đình, phát triển hiệu quả trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Văn Châu nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đam Rông, địa phương hiện có khoảng 630ha dâu với khoảng 1.200 hộ sản xuất, trong đó trồng mới 152ha. Hiện nay giá kén tằm đang ở mức cao, giao động từ 210.000 - 230.000 đồng/kg nên người trồng dâu nuôi tằm có lãi lớn.

Cùng với việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu qua trồng dâu nuôi tằm, địa phương cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ươm tơ, dệt lụa. Hiện nay tại Đam Rông đã có 1 nhà máy ươm tơ đi vào hoạt động và đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân ổn định sản xuất.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.