Sự kiện này một lần nữa cho thấy một cuộc đua đầy quyết liệt giữa các cường quốc về việc chế tạo và sở hữu các vũ khí siêu thanh.
Tướng John Hyten, đứng đầu Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, hồi tháng 3/2018 đã cảnh báo rằng thế hệ vệ tinh phát hiện tên lửa và radar hiện tại của Mỹ không thể phát hiện các loại vũ khí như tên lửa Avangard.
Thử nghiệm tên lửa Avangard |
“Chúng ta sẽ phải cần đến các hệ thống cảm biến khác để phát hiện các mối nguy siêu thanh, tướng Hyten nói với CNN.
Trang web chuyên về thông tin tình báo địa chính trị Stratfor trong một bài viết hồi đầu năm đã mô tả các vũ khí siêu thanh là “có sức công phá hủy diệt”.
“Những tên lửa loại này sẽ khiến các nước chạy đua nâng cấp hệ thống phòng thủ nhằm đủ sức đối phó”, Stratfor nhận định.
Ngoài Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu về vũ khí siêu thanh.
Trung Quốc nói họ đã thử nghiệm thành công một máy bay siêu thanh hồi tháng 8/2018, đạt tốc độ Mach 6. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ nói sử dụng các nghiên cứu này vào ngành công nghiệp không gian vũ trụ.
Theo tạp chí công nghệ The Verge (Mỹ), vũ khí siêu thanh được định nghĩa là loại công cụ chiến tranh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh (tốc độ âm thanh: 1.235km/h, hay Mach 1), bay thấp hơn các tên lửa đạn đạo truyền thống và giữa hành trình có thể liên tục đổi hướng. Ưu thế của các vũ khí này là rõ ràng: một tên lửa siêu thanh cho phép quốc gia sở hữu nó tấn công kẻ thù chỉ trong ít phút.
Đường đạn thấp của loại vũ khí này cho phép chúng bay xa hơn và khó phát hiện hơn so với các loại tên lửa khác, tính cơ động của chúng cũng giúp tên lửa siêu thanh tránh được hệ thống phòng không trị giá nhiều tỷ USD của một số cường quốc.
Cuộc đua Nga, Mỹ, Trung Quốc
Ba cường quốc này là các đối thủ đang chạy đua trong việc chế tạo và sở hữu vũ khí siêu thanh. Nhưng bên cạnh đó còn có những “tay chơi” khác như Pháp hay Ấn Độ. Tuy nhiên, hai nước này được cho là chưa thực sự có vũ khí siêu thanh. Mỹ và Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều lần và cũng nhiều lần thất bại. Tháng 8/2014, quân đội Mỹ đã phải phá hủy một loại vũ khí ngoài khơi vịnh Alaska sau khi bắn lên vài giây vì lỗi kỹ thuật.
Tháng 11/2017, hải quân Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công một nguyên mẫu tên lửa siêu thanh. Tháng 3/2018, trong một bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin bóng gió về nhiều hệ thống vũ khí siêu thanh đang được thử nghiệm hoặc đã triển khai thử.
Một trong số đó là là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Theo lời ông Putin, tên lửa này có thể bắn tới cả Bắc cực lẫn Nam cực. Có thông tin nói tên lửa Sarmat với sức công phá 750 kiloton, tầm bắn 18.000km, có thể phá hủy cả nước Pháp và bang Texas của Mỹ chỉ trong một phat bắn. Tuy nhiên, cho đến nay tên lửa này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Những loại vũ khí dạng này “lao tới mục tiêu như một khối thiên thạch, như một quả cầu lửa”, theo lời ông Putin. Các quan chức Mỹ cũng đưa ra mô tả tương tự về những loại vũ khí siêu thanh đang được Mỹ thử nghiệm.
Nhưng loại vũ khí “tham vọng hơn” mà Tổng thống Nga đề cập là tên lửa Kinzhal, còn có tên là Dagger. Đây là phiên bản mới nhất của loại tên lửa được bắt đầu phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo phía Nga, tên lửa Kinzhal phiên bản mới nhất, được trang bị cho máy bay chiến đấu, có thể mang theo đầu đạn công ước hoặc đầu đạn hạt nhân với tầm bắn gần 2.000km, được nói là có thể phá hủy cả một hạm đội tàu chiến. Kinzhal bay với tốc độ Mach 10… Nếu những gì phía Nga công bố là chính xác, rõ ràng Moscow đang vượt lên các đối thủ là Mỹ hay Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.
Tên lửa Kinzhal dưới bụng tiêm kích Mig-31 |
Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng hạt nhân Nga, chuyên thông tin về vũ khí hạt nhân, có trụ sở tại Thụy Sỹ, nối rất có thể những gì Nga tuyên bố là sự thật. Căn cứ vào hình ảnh video được công bố trong lúc ông Putin đọc diễn văn, chuyên gia Podvig nói, “có vẻ họ đã chứng minh được năng lực” trong việc phát triển một tên lửa siêu thanh.
James Acton, giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân, nghiên cứu viên của quỹ Hỗ trợ hòa bình quốc tế Carnegie có trụ sở ở Mỹ chỉ trích Nga trong vài thập kỷ qua đã tập trung phát triển tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân “còn Mỹ tập trung vào các tên lửa siêu thanh không mang đầu đạn hạt nhân”. Điều này một lần nữa cho thấy dường như Mỹ đã thua sút Nga trong cuộc đua siêu thanh.
Theo lời ông Acton, vì vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn hơn vũ khí thông thường, cơ chế bắn do vậy không đòi hỏi độ chính xác cao, có thể trật mục tiêu cả trăm mét, thậm chí hơn nữa mà vẫn dư sức công phá mục tiêu. Vũ khí thông thường đòi hỏi chỉ sai số vài mét. Tất nhiên lời của James Acton là quan điểm của một người Mỹ.
Vậy Trung Quốc thì sao?
Tháng 9/2018, Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm thành công 3 loại phương tiện siêu thanh cỡ nhỏ cùng lúc. Theo báo chí Trung Quốc, với tốc độ siêu thanh, các máy bay này có thể được điều chỉnh để tấn công chính xác và trở thành một vũ khí hạt nhân “không thể ngăn chặn”.
Một mô hình thiết kế máy bay siêu thanh của Trung Quốc |
Các cuộc thử nghiệm những máy bay mô hình có khả năng bay ở nhiều vận tốc, từ siêu thanh tới cận âm, được thực hiện tại trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc, theo tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc - CCTV.
Ba phương tiện bay, D18-1S, D18-2S và D18-3S, được thả từ một khinh khí cầu. Theo tờ SCMP, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm máy bay siêu thanh.
Trước đó một tháng, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với loại tàu lượn siêu thanh mang tên Starry Sky 2, được một tên lửa “cõng” đi và rồi tự vận hành bằng sóng xung kích của chính nó, đạt tốc độ Mach 6.
Hình ảnh vụ thử nghiệm tàu lượn Starry Sky 2 |