| Hotline: 0983.970.780

Cuộc khủng hoảng lương thực và phân bón ngày càng xấu đi

Thứ Năm 19/05/2022 , 09:30 (GMT+7)

Nạn đói trên toàn cầu “đang ở mức báo động”, với số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai năm.

Một đội ngũ y tế và dinh dưỡng di động phát thuốc men cho trẻ em và người dân Ethiopia hôm 10 tháng 5 năm 2022. Ảnh: UNICEF/AP

Một đội ngũ y tế và dinh dưỡng di động phát thuốc men cho trẻ em và người dân Ethiopia hôm 10 tháng 5 năm 2022. Ảnh: UNICEF/AP

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho biết như vậy tại cuộc họp đa phương nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng ngũ cốc tại Ukraine và phân bón tại Nga.

Theo đó, với mức độ thiếu đói do mất an ninh lương thực trên toàn cầu đang ở mức cao mới, ông Guterres cho biết ông đang có "các cuộc tiếp xúc sâu" với cả Nga và các quốc gia quan trọng khác với hy vọng đạt được một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc đang bị ùn tắc tại các cảng của Ukraine cũng như đảm bảo nguồn lương thực và phân bón của Nga được “khơi thông” vào thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang leo thang, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Ukraine, khiến cho các nỗ lực quốc tế “vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.

“Những tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên để đạt được một thỏa thuận trọn gói. Tôi sẽ không đi vào chi tiết vì những tuyên bố công khai có thể làm giảm cơ hội thành công”, ông Guterres nói.

Con số thống kê của Liên Hợp quốc cho biết, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi chỉ trong hai năm qua, từ 135 triệu người trước đại dịch Covid-19 lên 276 triệu người hiện nay. Đặc biệt có tới hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện thiếu đói, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.

Theo ông Guterres, Ukraine và Nga sản xuất tới gần một phần ba sản lượng lúa mì, lúa mạch và một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới. Ngoài ra Nga và quốc gia láng giềng Belarus còn là nhà sản xuất kali số hai và ba trên thế giới, một loại phân bón quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Thế giới sẽ không có một giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng lương thực mà không sớm tái liên kết sản xuất nông nghiệp ở Ukraine, cũng như việc sản xuất lương thực và phân bón ở Nga và Belarus để chuyển đi các thị trường thế giới, bất chấp chiến tranh”, ông Guterres khẳng định.

Tổng thư ký cho biết cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine đang "khuếch đại và tăng tốc" các nguyên nhân gây mất an ninh lương thực và nạn đói toàn cầu, cùng với biến đổi khí hậu, COVID-19 và bất bình đẳng.

David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp quốc thì cảnh báo rằng: “Việc không sớm mở lại các cảng biển ở khu vực Biển Đen sẽ là lời tuyên chiến đối với an ninh lương thực toàn cầu, dẫn đến nạn đói và sự bất ổn của các quốc gia cũng như nạn di cư ồ ạt”.

Ông Beasley nói: “Đây không chỉ là vấn đề Ukraine mà là câu chuyện về những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên khắp thế giới, những người đang trên bờ vực của nạn đói”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người chủ trì cuộc họp do Washington kêu gọi, cho biết thế giới đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu lớn nhất trong thời đại của chúng ta”.

Ông Blinken cho biết, từ năm 2016 đến năm 2021, số người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, không có đủ thức ăn khiến cuộc sống hoặc sinh kế của họ "gặp nguy hiểm tức thời", đã tăng vọt từ 108 triệu lên 161 triệu người.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế hợp tác cùng nhau yêu cầu Nga phải tạo ra các hành lang để lương thực và các nguồn cung cấp thiết yếu khác có thể rời khỏi Ukraine một cách an toàn bằng đường bộ hoặc đường biển. “Hiện ước tính có khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt trong các hầm chứa ở Ukraine, số thực phẩm này có thể ngay lập tức cứu giúp những người đang thiếu đói một khi có thể chuyển ra khỏi đất nước”, theo ông Blinken.

Dự báo, niên vụ sản xuất năm nay Ukraine sẽ không thể xuống giống từ 20-30 diện tích do nông dân buộc phải rời bỏ đồng ruộng đi sơ tán, tham gia chiến đấu... khiến cho hoạt động sản xuất lúa mì thêm căng thẳng. Ngoài ra, Nga- một cường quốc nông nghiệp khác cũng có thể bị gián đoạn xuất khẩu nông sản do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo người đứng đầu Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế Arnaud Petit, nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine kéo dài, các nước vốn phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì từ khu vực Biển Đen sẽ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng bắt đầu từ tháng 7 tới.

(PH; RT)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.