| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống mới ở những khu tái định cư vùng biên giới

Chủ Nhật 06/02/2022 , 20:35 (GMT+7)

Bình Phước không chỉ là tỉnh có đến hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, mà còn là một trong những địa phương có số dân di cư về nhiều nhất.

Vì thế, tỉnh Bình Phước gặp áp lực không nhỏ về việc chăm lo, ổn định cuộc sống cho họ. Mấy năm qua, nhờ nỗ lực vươn lên của người dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn.

Chấm dứt những ngày “vất vưởng”

Đến khu tái định cư ở ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, chúng tôi thấy niềm vui hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười của những cư dân nơi đây. Cơ sở hạ tầng đang ngày càng khang trang hơn. Dọc suốt tuyến đường liên xã là các công trình dân sinh đang được xây dựng cùng những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát và ấn tượng hơn là con đường thảm nhựa mới làm xong. Từ đây có thể chạy thẳng lên cửa khẩu Hoa Lư sang nước bạn Campuchia. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trong vùng đang “ăn nên làm ra”, không còn hộ nào thiếu ăn.

Cuộc sống của người dân ở ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh ngày càng ổn định hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Cuộc sống của người dân ở ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh ngày càng ổn định hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Lâm Hùng, ở ấp Cần Dực cho biết, Khu tái định cư có hơn 60 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer, phần lớn là Việt kiều từ Biển hồ Campuchia về, hoặc những cư dân không có nhà ổn định. Năm 2013, gia đình được nhận nhà, đất trong Khu tái định cư ấp Cần Dực với diện tích 1ha, sau đó trồng 400 cây điều và nuôi 4 con bò, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Trước đây không có đất sản xuất, không có chỗ ở ổn định, suốt ngày đi tìm việc, ai thuê gì làm nấy, thu nhập không ổn định. Sau khi được nhà nước chăm lo, cuộc sống ngày càng ổn định, không phải “vất vưởng” lo nơi ăn chốn ở nữa. Các con còn được học chữ nữa.   

Rời khu tái định cư Cần Dực, chúng tôi đến Khu tái định cư Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Do có 119 hộ nên được gọi là Tiểu khu 119. Tương tự bên Cần Dục, cư dân ở đây cũng đa số là Việt kiều từ Campuchia về nước và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, những căn nhà mọc lên san sát trên diện tích 36,5ha và được bao quanh bởi các vườn điều xanh tốt, cùng những rẫy cao su xanh bạt ngàn làm xua tan cái nắng gay gắt vùng biên. Đứng trên triền đồi, chúng tôi cảm nhận nhịp sống hối hả của bà con, người miệt mài cạo mủ cao su, ngư dân trước đây vốn quen cảnh sông nước lặn ngụp dưới những khúc sông thả câu, quăng lưới.  Nhà nào cũng có nồi cơm điện, bếp gas, quạt điện và 2 con bò sinh sản.... để ổn định cuộc sống.

Từ ngày có nơi ăn chốn ở ổn định, kinh tế gia đình anh Lâm Hùng ngay càng khá lên. Ảnh: Phúc Lập.

Từ ngày có nơi ăn chốn ở ổn định, kinh tế gia đình anh Lâm Hùng ngay càng khá lên. Ảnh: Phúc Lập.

Từ Biển Hồ Campuchia, năm 2002, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh (SN 1953) trở về lòng hồ Cần Đơn thuộc xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập làm nhà bè nổi trên hồ để nuôi cá. Thu nhập đủ đắp đổi qua ngày, mỗi khi mưa dông, gió giật, gia đình ông Kênh lo âu vì sợ bè cá vỡ. nên mong muốn có một căn nhà che mưa nắng. Lo nhất là những khi cá không về, cuộc sống chật vật, thiếu thốn nên ông Kênh phải cặm cụi cạo mủ cao su, nhặt hạt điều thuê để kiếm sống.

Năm 2017, gia đình ông Kênh được cấp 1 căn nhà 40m2 tại Tiểu khu 119 để ổn định chỗ ở nên ai nấy mừng vui, cặm cụi làm lụng cũng tích cóp chút tiền, mở một quán tạp hóa nhỏ bán bột ngọt, gạo, mì tôm... Ông Kênh nói: “Mong muốn có “mảnh đất cắm dùi” đã thành hiện thực. Nhờ chỗ ở ổn định, quán tạp hóa cũng có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Giờ không lo mưa dông, gió lốc và mừng nhất là trẻ con được đến trường, không lo thất học. Vướng mắc lớn nhất là các hộ dân Việt kiều từ Campuchia về đây vẫn chưa có hộ khẩu, căn cước công dân nên không xin được việc làm ở các công ty”.

Và ổn định cuộc sống

Có được nơi ở yên ổn, anh Nguyễn Văn Tấn (SN 1968, quê Thái Bình) cũng bớt âu lo về cuộc sống phía trước. Anh cho hay: Từ năm 2002, gia đình về lòng hồ Cần Đơn, xã Phước Minh, làm lồng bè để nuôi cá lăng, nhưng vụ được, vụ mất và nhà bè dựng bằng gỗ nổi trôi trên sóng nước nên cuộc sống bất an mỗi khi mưa gió. Anh nói: “Ba năm trước, gia đình được cấp đất, cấp nhà nên có nơi ở ổn định. Gia đình vẫn nuôi cá lồng bè ở lòng hồ Cần Đơn và kiếm việc làm thêm trên bờ để có thêm thu nhập”.

Anh Nguyễn Văn Tấn đang chăm sóc vườn trái cây của gia đình tại Tiểu khu 119. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Nguyễn Văn Tấn đang chăm sóc vườn trái cây của gia đình tại Tiểu khu 119. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Hiện khu tái định cư 119 có 119 hộ/480 nhân khẩu, với tổng số vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Cuộc sống của người dân đã ổn định và có công ăn việc làm tăng thu nhập. Các hộ dân còn được tạo điều kiện học nghề để có thêm thu nhập góp phần cùng địa phương quyết tâm giữ vững và nâng cao các tiêu chí trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc quản lý người dân di cư tự do vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, địa phương cũng đã báo cáo với UBND huyện Bù Gia Mập kiến nghị với các cơ quan chức năng, tìm cách tháo gỡ.

Trước đây, 61 hộ dân người đồng bào dân tộc S’Tiêng thuộc Khu tái định canh, định cư ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú) không có đất sản xuất, nhà cửa và việc làm ổn định. Cuộc sống khó khăn vì “nay phát rẫy này trồng lúa, mai rong ruổi đến nơi khác mưu sinh”. Từ năm 2012, khu tái định cư được xây dựng với 54,7 ha, hàng chục km đường giao thông, hệ thống nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng... với nhiều tỷ đồng đầu tư đang đổi thay từng ngày.

Chị Thị He (người S’Tiêng), chia sẻ, trước đây gia đình sống du canh, du cư, xâm canh lấn chiếm đất lâm trường nên thường di chuyển chỗ ở. Từ khi về khu định cư được các cán bộ hướng dẫn cạo mủ cao su, tiền công 5-6 triệu đồng/tháng và nuôi thêm bò nên cuộc sống kinh tế ổn định hơn. Không riêng chị Thị He, nhiều hộ đồng bào S’Tiêng ở khu tái định cư 61 cũng không còn phá rừng, xâm canh trái phép, tranh chấp đất đai như trước, giờ bà con đã nắm bắt kỹ thuật khoa học, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Các hộ dân Việt kiều từ Campuchia về nước được cấp nhà, cấp đất (tại Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập), nhận hạt điều về nhà để làm thêm, tăng thu nhập. Ảnh: Phú Hoàng.

Các hộ dân Việt kiều từ Campuchia về nước được cấp nhà, cấp đất (tại Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập), nhận hạt điều về nhà để làm thêm, tăng thu nhập. Ảnh: Phú Hoàng.

Việc ổn định cuộc sống cho các hộ dân di cư tự do là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Và từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bình Phước có 22.511 người di cư đến sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn an ninh, trật tự.

Do đó, giai đoạn 2021-2025, Bình Phước sẽ bố trí, ổn định cho 2.166 hộ dân di cư, trong đó ổn định tại chỗ cho 1.2233 hộ, tập trung 933 hộ dân.  Đồng thời, tỉnh Bình Phước cũng đang kiến nghị các cơ quan Trung ương quan tâm đến các vấn đề đặc thù của địa phương và xem xét hỗ trợ 9 dự án tái định cư ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập…để ổn định cuộc sống của người dân di cư và đồng bào dân tộc thiểu số…

“Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn dân di cư tự do, bố trí dân di cư tự do vào các dự án ổn định tại chỗ và các điểm dân cư theo quy hoạch. Bình Phước sẽ tập trung xúc tiến việc nhập hộ khẩu, hộ tịch và phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân di cư tự do”, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng

Ngày 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào 'Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi'.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.