Mới đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị đã cứu hộ kịp thời một cá thể rùa biển quý hiếm mắc vào lưới đánh cá của ngư dân.
Cụ thể, sáng 14/12, cá thể rùa biển này bị mắc vào lưới đánh cá trên biển của các ngư dân Lê Hữu Phiếu, Lê Hữu Tẩy và Nguyễn Quang Hòa (thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khi đang đánh cá trên vùng biển xã nhà.
Ngay sau khi nhận được tin báo có rùa biển mắc lưới của ngư dân, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với chính quyền, Đồn Biên phòng Triệu Vân (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cùng ngư dân, tiến hành kiểm tra sức khỏe, thu thập thông tin của cá thể rùa mắc lưới và thả trở lại biển an toàn.
Ông Trần Khương Cảnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ cho biết, đây là cá thể đồi mồi dứa, tên khoa học là Lepidochelys olivacea, đực trưởng thành, nặng 40 kg; chiều dài thân, chiều dài mai, chiều rộng thân lần lượt là 80 x 60 x 55 cm.
Bà con ngư dân cho biết, những ngày vừa qua vùng biển bãi ngang có nhiều ruốc, cá nổi, sứa…, cá thể rùa biển này có thể đã theo cá để kiếm ăn nên dính lưới bà con. May mắn là đã được ngư dân phát hiện sớm, kịp thời tháo lưới, kiểm tra sức khỏe và báo cho các đơn vị liên quan để cứu hộ kịp thời.
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với nhiều lực lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đơn vị đã thiết lập được đội tình nguyện viện cứu hộ rùa biển với 26 người ở 13 xã, thị trấn ven biển và đảo Cồn Cỏ.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các trường học, các đồn biên phòng ven biển và hải đảo để tuyên truyền kiến thức khoa học cũng như kiến thức pháp luật về công tác bảo tồn biển. Đồng thời kịp thời cứu hộ nhanh nhất có thể các cá thể rùa gặp nạn, chăm sóc trị thương cho rùa trước khi thả về biển và tiêu hủy, chôn cất các cá thể không may bị chết do gặp nạn.
Từ năm 2019 đến nay, đã có hơn 100 cá thể rùa biển được Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ cứu hộ an toàn và trở về đại dương.
Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô, rong cỏ biển và các loài cá.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ đã làm tốt công tác bảo tồn da dạng sinh học và quản lý tài nguyên biển đảo, nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong Khu bảo tồn biển đảo.
Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 15 hải lý, có tổng diện tích 4.532 ha, được chia thành 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha; phân khu phát triển 2.376 ha.
Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ có mức độ đa dạng sinh học cao với khoảng 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá nhiệt đới rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du; trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực, san hô sừng.
Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển đảo Cồn Cỏ ước tính đạt khoảng 40.000 tấn, sản lượng khai thác bền vững khoảng 12.000 tấn/năm.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt về công tác bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ tài nguyên Khu bảo tồn biển đảo, bảo vệ và cứu hộ rùa biển..., trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động ngư dân, khách du lịch, cán bộ công nhân viên đang sinh sống và công tác trên đảo Cồn Cỏ thực hiện tốt Quy chế bảo tồn biển để nguồn lợi biển ngày càng được nâng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
Tăng cường quản lý tài nguyên biển, đặc biệt trong việc phối hợp tuần tra, giám sát, truy quét và ngăn chặn các tác động xâm hại tới rạn san hô, rong cỏ biển, môi trường nước biển trong Khu bảo tồn biển;
Tăng cường công tác cứu hộ, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ có tên trong sách Đỏ Việt Nam, cũng như sách Đỏ thế giới; các loài quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ...