| Hotline: 0983.970.780

'Cứu tinh' của tàu cá xa bờ

Thứ Hai 04/09/2017 , 14:30 (GMT+7)

Sau khi sản phẩm tăng phô (Ballast) 1000W-220V-50Hz được ông Võ Kim Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Điện cơ Bình Định, Chủ tịch Hiệp hội Điện cơ tỉnh Bình Định nghiên cứu thành công, các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ hân hoan mở cờ trong bụng.

Bởi, từ nay không còn phải sử dụng loại tăng phô có xuất xứ từ Trung Quốc kém chất lượng, hư hỏng triền miên làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt. Nghiên cứu của ông Hưng được cho là “cứu tinh” của tàu đánh bắt xa bờ.
 

Tàu “ngốn” điện

Có lẽ không một loại phương tiện nào “ngốn” điện nhiều như những chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ. Theo ngư dân Nguyễn Văn Khỏe ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), thuyền trưởng tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS (811CV), tàu cá càng có năng lực đánh bắt lớn thì càng được bố trí nhiều bóng điện, mà càng có nhiều bóng điện thì càng cần được lắp nhiều tăng phô.

09-58-45_1
Ông Võ Kim Hưng (giữa) cùng thợ cơ khí Cty nghiên cứu cải tiến tăng phô 1000W-220V-50Hz

“Đối với tàu cá chuyên hành nghề lưới vây thường được lắp khoảng 150 tăng phô, mỗi bóng đèn là mỗi chiếc tăng phô. Nếu gắn tăng phô đôi loại 2.000W thì dùng được 2 bóng điện loại 1.000W/bóng, nếu gắn tăng phô loại 3.000W thì dùng được 2 bóng điện loại 1.500W/bóng”, ông Khỏe giải thích.

Cũng theo ngư dân Khỏe, riêng lắp đặt giàn điện trên 1 tàu lưới vây đã “ngốn” rất nhiều tiền, mỗi bộ gồm tăng phô, bóng điện, tụ hiện có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Từ trước đến nay, ngư dân thường dùng tăng phô Trung Quốc. Tuy nhiên tăng phô có xuất xứ từ nước này thường xuyên bị hư, gây cháy bóng điện làm thiệt hại lớn cho ngư dân.

“Tăng phô của Trung Quốc hay hỏng vì không có hệ thống làm mát. Trong hộp tăng phô xuất xứ từ Hàn Quốc có 1 cái tụ, bên trong hộp được bố trí 1 cái quạt nhỏ để làm mát tăng phô. Trong quá trình sử dụng điện, chiếc quạt có nhiệm vụ hút nóng nhằm không làm cháy những sợi dây điện bên trong tăng phô. Khi dây điện bên trong tăng phô bị cháy sẽ gây chập điện, thế là bóng điện cũng “tử vong”, đồng nghĩa chủ tàu mất đứt 3,5 triệu đồng”, ông Khỏe giải thích thêm.
 

Sáng tạo độc đáo

Nắm bắt được nỗi khổ về tàu ngốn điện, năm 2016 ông Võ Kim Hưng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Điện cơ Bình Định bắt tay nghiên cứu, cải tiến và lắp ráp tăng phô 1000W-220V-50Hz. Đến tháng 2/2017, sản phẩm được hoàn thiện và đưa ra thị trường tiêu thụ, đây được xem là “cứu tinh” của những chiếc tàu đánh bắt xa bờ.

09-58-45_2
Các thành viên Cty miệt mài với những công đoạn cải tiến tăng phô 1000W-220V-50Hz

Tính mới và tính sáng tạo của những chiếc tăng phô này là sử dụng công nghệ bão hòa từ, nguyên nhân làm mát tăng phô; được làm từ nguyên liệu tole tráng silic dạng EI Nippovina có xuất xứ từ Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng dây điện từ chịu nhiệt 220ºC, có tiết diện lớn hơn nên cường độ dòng điện đi qua tốt hơn, giúp bóng đèn hoạt động sáng và bền hơn. Tại Bình Định, đây là sáng tạo mới hoàn toàn, chưa có cá nhân hay tổ chức nào sản xuất.

Có thể nói, sáng tạo của ông Hưng là cả quá trình nghiên cứu, tính toán cải tiến, giảm chi phí, lắp ráp và thử nghiệm đến hoàn chỉnh. Ứng dụng công nghệ bão hòa từ bằng tole silic làm mát tăng phô, đảm bảo công suất và cường độ dòng điện, tiết kiệm điện năng tiêu thụ và tăng tuổi thọ bóng đèn. Đặc biệt, những chiếc tăng phô do ông Hưng làm ra có kết cấu đơn giản, dễ sửa chữa, độ bền cao, chịu mặn tốt, chịu nhiệt cao và thích ứng với môi trường khắc nghiệt.

“Gắn tăng phô 1000W-220V-50Hz tàu cá sẽ có mức tổn hao năng lượng ít hơn để sinh ra cùng lượng ánh sáng, tuổi thọ lâu hơn và không cần phải thay thế thường xuyên. Điều này có nghĩa là thực hiện việc chuyển đổi không chỉ tốt cho môi trường, mà còn tiết kiệm được chi phí. Tăng phô của chúng tôi tiết kiệm được chi phí sử dụng 15%, giảm chi phí đầu tư 7%. Sản phẩm hiện đang được bán với giá 950.000 đồng, thấp hơn giá của hàng Trung Quốc khoảng 300.000 đồng”, ông Hưng phân tích.
 

Ngư dân chào đón

Ông Võ Kim Hưng chia sẻ thêm, ý tưởng nghiên cứu của ông bắt nguồn từ tấm lòng hướng về ngư dân. Tăng phô sử dụng để chiếu sáng cho các tàu đánh bắt xa bờ được sử dụng khá nhiều, có những tàu công suất lớn phải cần đến một vài trăm sản phẩm này. Vậy nhưng sau mỗi chuyến biển, tình trạng tăng phô bị cháy và hư hỏng rất nhiều, trong khi giá tiền của sản phẩm lại không hề rẻ.

“Sửa chữa nhiều tăng phô bị hư hỏng của ngư dân, anh em hội viên Hiệp hội Điện cơ mới phát hiện ra phía trong tăng phô nhập từ Trung Quốc không phải chỉ quấn bằng dây đồng mà còn có nhiều dây nhôm, loại dây này khó lòng “trụ” được với nước biển. Thay thế tăng phô Trung Quốc bằng sản phẩm của chúng tôi là giải pháp tối ưu của ngư dân về bài toán giảm chi phí, tăng chất lượng”, ông Hưng nói.

09-58-45_3
Ảnh: Vũ Đình

Nguyên nhân đầu tiên anh em xác định là do tole silic không tốt, tính năng dẫn từ kém; thứ đến là ống dây điện từ quấn bằng dây nhôm, hoặc dây đồng nhỏ, tiết diện nhỏ, không đủ cho dòng điện chạy qua dẫn đến quá tải và bị cháy.

Từ thực tế trên, ông Hưng và đồng nghiệp bắt tay vào cải tiến 2 nhược điểm vừa nêu của sản phẩm. Để đảm bảo cho tole silic làm ống dẫn từ thì phải nhập từ Nhật Bản, ống dây dẫn từ quấn hoàn toàn bằng dây đồng và tiết diện đảm bảo cho hoạt động ổn định. Thêm vào đó là cải tiến thêm “cửa sổ” ổn định từ tăng phô đi đến bóng đèn.

Sau 6 tháng mày mò nghiên cứu, làm, thử nghiệm, đến khi hoàn thiện đưa ngư dân sử dụng, nhân viên kỹ thuật vẫn đi biển cùng ngư dân để thu thập thông tin, đo đạc, kiểm tra độ ổn định của tăng phô sử dụng trên từng tàu cá, từng vùng biển khác nhau mới đưa ra được quy chuẩn chung.

Sản phẩm đã được Sở KH-CN Bình Định kiểm định, cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn TCCS 01:2017/ĐCBĐ. Từ tháng 2/2017 đến nay, Cty CP Điện cơ Bình Định đã đưa ra thị trường khoảng 600 tăng phô. Không chỉ được ngư dân trong tỉnh sử dụng, nhiều đơn hàng của ngư dân ngoại tỉnh cũng “bay” về tới tấp. Thế nhưng niềm vui lớn nhất của ê kíp sáng tạo do ông Hưng “cầm chịch” là những phản hồi chất lượng sản phẩm của Cty tốt hơn nhiều so với hàng nhập từ Trung Quốc.

Là người đầu tiên thử nghiệm sử dụng tăng phô do Cty CP Điện cơ Bình Định sản xuất, đến nay, ngư dân Huỳnh Nghi ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đã lắp được khoảng 100 tăng phô trên 3 tàu đánh bắt xa bờ của mình.

“Tui cũng là dân cơ khí, nên chỉ sử dụng một thời gian ngắn là có thể đánh giá được tăng phô này đảm bảo đạt chất lượng như thế nào. So với sản phẩm nhập từ Trung Quốc mà ngư dân chúng tôi thường sử dụng hàng chục năm qua, thì tăng phô này chất lượng tốt hơn, độ bền cao hơn, thể hiện qua độ sáng của đèn phát ra và độ mát của tăng phô”, ngư dân Huỳnh Nghi đánh giá.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.