Chị kính mến!
Bố mẹ chúng tôi có 5 người con, 4 gái đầu và 1 trai út. Vì trai út nên chúng tôi không đòi hỏi em ấy nhiều như khi trai là cả, thương em, thương cả em dâu luôn chị ạ. Nhưng riêng 4 chị em gái thì...
Tôi nói những muộn phiền trước, sau đó sẽ nói về quan niệm của tôi và mong chị chia sẻ.
Chị cả tôi là nông dân, ở quê, lấy chồng ở cạnh nên vẫn tự nguyện chăm sóc bố mẹ đẻ chúng tôi. Anh rể cần cù và hiền lành, lấy quê vợ làm quê mình, không mặc cảm, không từ nan việc trọng nào.
Chị thứ của tôi làm việc ở Thủ đô, dĩ nhiên rất khá giả, chị luôn hỗ trợ chị cả và anh rể làm nhà, chăm bố mẹ. Chị trên tôi ở tỉnh, cùng với tôi.
Chị này trái tính từ bé, lấy chồng quan, con hư, chồng góa, vẫn chiều con hư và giờ, là “đốt mía sâu” của gia tộc chúng tôi đấy chị. Em trai út cũng ở chung thị xã với hai chị, cậu ấy không khá giả, nhưng ổn.
Vấn đề ở đây là giúp đỡ sao đây? Bố mẹ tôi và chị cả cứ rên rỉ “một giọt máu đào”, nhưng vì sao người thành thị luôn phải có nghĩa vụ “máu đào” với quê, nhà cửa, mồ mả, đau ốm, mọi thứ? Dĩ nhiên là tự giác nhưng mãi rồi nó thành gánh nặng. Cũng được đi, vì người quê thiệt thòi, thu nhập bấp bênh.
Riêng chị trên tôi, chị ấy hơn nửa đời vợ quan hãnh hỗ, công xá với quê không thể so với người chị ở Thủ đô. Biết bao bổng lộc, con cái chị, hai đứa, gái và trai đều nướng sạch. Chị không giúp tôi hay em trai tôi được gì ngoài những chuyện ưu phiền, tai tiếng đem về cho dòng họ.
Đến mức, chị ấy chỉ còn có mỗi một căn nhà hình ống, chị và thằng con hư ở hai tầng trên, phía dưới cho thuê để nuôi cái thằng ấy. Cũng đã khá rồi nếu nhìn xuống người nghèo hơn, ngay cả láng giềng chị cũng khá hơn.
Nhưng vì ngồi ăn núi lở, cầm cố nhà cho Ngân hàng, họ bắt đầu xiết. Thế là chạy về khóc với bố mẹ và chị cả, thế là một cuộc thảo luận gần như cháy cả điện thoại. Cứu sao đây? Cứu được không?
Tôi không “máu đào”, hai đứa cháu hư ấy chưa từng xem chúng tôi là máu đào. Chị ở Thủ đô cũng từ mặt chúng lâu rồi.
Em trai tôi và em dâu “cố thủ” trong phận tùng tiệm của chúng, lấy đâu dư mà góp. Bố mẹ tôi đòi bán đất cho chị ấy giữ cái nhà. Bán hết đất chỉ mong trả lãi chứ làm sao chuộc nổi ngôi nhà ba tầng ấy. Chuyện đang mắc kẹt thế đấy chị ạ.
--------------------
Bạn thân mến!
Người Việt mình sống chết bởi gia tộc. Thử đứng ngoài xem, bứt rứt không làm ăn gì được, vì cứ bất an, thấy có lỗi, thấy như là không phải. Vậy nên, người hơi có là phải nghĩ đến người kém hơn, cứ thế, dắt dây, lếch thếch với nhau mãi. Sức mạnh có thể tạo ra từ gia tộc nhưng ngược lại, sự ậm ạch cũng do kẻ này kéo kẻ kia xuống.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã, rõ rồi. Luôn luôn triết lý ấy, hàng ngàn năm rồi. Sao giờ? Thì như bạn mô tả, chị ở Thủ đô khá nhất, lãnh đủ, giúp đến mức an toàn rồi, không cần giúp nữa mới thôi.
Mà cũng đúng, do nông thôn thiệt thòi, nông dân bấp bênh, mình ăn ngon mặc đẹp nhà lầu ô tô, sao đành để người ruột rà thiếu thốn quá? Dù vậy, có giúp thì người được giúp cũng đỡ hơn chứ làm sao sướng bằng người đang sướng được?
Cha mẹ luôn nghĩ khác. Luôn thương đứa bất hạnh dù dưới dạng nào. Tối, dại, kém, thậm chí cái tâm kẻ đó ác, cha mẹ cũng nghĩ kiểu khác để xoa dịu lòng trắc ẩn mẹ cha của họ cơ.
Vì vậy, không trách bố mẹ bạn lo sốt vó nếu đứa con gái kia mất nhà. Không nhà là ra đường thật, viễn cảnh đó thật kinh hoàng.
Nếu là con của mình, mình có giúp con theo giải pháp ấy không? Có thể, hay chắc chắn. Lòng cha lòng mẹ mênh mông. Ấy là việc của bố mẹ với đứa con và hai đứa cháu hư ấy.
Theo tôi, các người con còn lại không làm được gì thì cứ chuẩn bị chăm bố mẹ nhiều hơn thôi, tức, đất bán rồi, không còn gì thì 4 người còn lại ấy chia nhau chăm bố mẹ. Không có chuyện cho tiền người con kia.
Việc nào ra việc ấy. Thậm chí khi mất nhà, cô con ấy về bám bố mẹ ở quê, những đứa con khác cũng đành chịu thôi. Đó là sự thu xếp của mẹ cha với đứa ấy.
Bạn có thể tán thành hoặc không với tư vấn này. Nếu là tôi, rạch ròi, chị ấy và các con mất nhà, tùy bố mẹ giúp hay không, việc của bố mẹ. Chúng con lùi ra, để rồi sẽ lo cho bố mẹ khi già, khi mọi chuyện sẽ đến với tuổi già, thế nhé bố mẹ.
Nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngang, càng khó chảy ngược bố mẹ nhé. Buồn, bực, nhưng phải có một "đốt mía sâu", gia tộc nào cũng vậy.