| Hotline: 0983.970.780

Đa lợi ích từ dự án trồng rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh

Thứ Sáu 22/09/2023 , 15:53 (GMT+7)

Không chỉ giúp phủ xanh những vùng đất ngập mặn, cải tạo hệ sinh thái, dự án trồng rừng ven biển ở Quảng Ninh còn đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.

Người dân địa phương tham gia trồng rừng ngập mặn theo dự án FMCR tại Quảng Ninh. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân địa phương tham gia trồng rừng ngập mặn theo dự án FMCR tại Quảng Ninh. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trong đó, khu vực dự án triển khai tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả tích cực, không chỉ với mục tiêu sinh thái mà còn hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Ông Bùi Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào tháng 8/2021, dự án FMCR đầu tư cho xã một hợp phần trồng rừng ngập mặn gần 40ha. Để thực hiện nhiệm vụ này, một tổ cộng đồng trồng rừng ngập mặn của xã Vạn Ninh đã được thành lập, các đối tượng cây trồng ở diện tích này thường là trang và đước.

Đến năm 2022, xã tiếp tục mở rộng quy mô, thành lập thêm một nhóm cộng đồng tham gia trồng rừng với diện tích xấp xỉ 60ha. Sau 2 đợt triển khai, tổng diện tích vùng rừng ngập mặn mà dự án FMCR triển khai tại Vạn Ninh đã suýt soát 100ha.

Từ đó đến nay, trên diện tích này đã trồng được gần 3.000 cây và tạo công ăn, việc làm cho khoảng 80 hộ dân của xã. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng công tác trồng mới và chăm sóc cây ở các vùng ngập mặn, dự án FMCR đã đầu tư cho Vạn Ninh 3 tuyến đê biển với tổng chiều dài 2,8km để bà con thuận lợi hơn trong quá trình di chuyển.

"Những tuyến đê biển này không chỉ phục vụ mục đích trồng và chăm sóc cây. Thời gian qua, nhờ có các công trình này mà bà con xã Vạn Ninh thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình đánh bắt và giao thương thủy hải sản", ông Bùi Văn Nhơn chia sẻ thêm.

Vườn ươm cây giống của dự án trồng rừng ngập mặn FMCR tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn ươm cây giống của dự án trồng rừng ngập mặn FMCR tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh việc hỗ trợ hạ tầng, ban quản lý dự án FMCR của tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ bà con một dự án nuôi lợn nái để phát triển sinh kế vùng triển khai trồng rừng ngập mặn.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa FMCR với nhiều dự án trồng rừng khác đã từng được triển khai tại Vạn Ninh, theo ông Nhơn đó là việc xây dựng chính cộng đồng địa phương tham gia vào trồng, chăm sóc, quản lý và có được thu nhập từ các hoạt động này.

"Hiện nay, những người tham gia vào cộng đồng thực hiện dự án FMCR của xã có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Điều này giúp họ có ý thức tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và chăm sóc, không chỉ những khu vực rừng của dự án mà còn đối với cả các diện tích rừng ngập mặn tự nhiên của xã", Chủ tịch UBND Bùi Văn Nhơn cho biết.

Để có được những kết quả như hiện nay, lãnh đạo xã Vạn Ninh cho biết ngoài nỗ lực của ban quản lý dự án trung ương và địa phương, chính quyền và người dân trong xã đã tham gia rất tích cực, xuyên suốt từ trên xuống dưới.

"Chúng tôi nhận thức rất rõ về lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn. Thứ nhất là đảm bảo về nguồn lợi thủy hải sản, thứ hai là góp phần giảm sức tác động của sóng triều cường và mưa bão. Chính vì vậy, chính quyền xã Vạn Ninh đã có những chỉ đạo rất sát sao, cùng với ban quản lý dự án và bà con thực hiện hiệu quả việc trồng rừng ngập mặn trong 3 năm qua", ông Nhơn khẳng định thêm.

Trồng rừng ngập mặn không chỉ cải thiện được sinh thái mà còn giúp bà con nâng cao đời sống, ổn định sinh kế. Ảnh: Tùng Đinh.

Trồng rừng ngập mặn không chỉ cải thiện được sinh thái mà còn giúp bà con nâng cao đời sống, ổn định sinh kế. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 7/5/2019, với tổng mức đầu tư 725.285 triệu đồng.

Trong đó, vốn ODA Trung ương cấp phát 513.810 triệu đồng (ODA cấp phát qua Bộ NN-PTNT: 446.104 triệu đồng; ODA cấp phát trực tiếp về tỉnh: 67.706 triệu đồng); vốn ODA tỉnh vay lại 67.706 triệu đồng; ngân sách Trung ương đối ứng cấp phát cho tỉnh: 49.894 triệu đồng; ngân sách tỉnh đối ứng 93.875 triệu đồng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn 38 xã/phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm: Quảng Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.

Đến nay, tổng diện tích trồng rừng ngập mặn của Dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh là 840,75ha (trồng mới 151,03ha; trồng bổ sung 689,72ha), trong đó kế hoạch thực hiện trong năm 2022 là 611,51ha (trồng mới 108,68ha; trồng bổ sung 502,83ha).

Trong đó, tổng diện tích rừng đã trồng được 730,74/840,75ha (trồng mới 107,7ha; trồng bổ sung, phục hồi 623,04ha), đạt tỷ lệ 86,9% tổng diện tích. Số diện tích còn lại 144,32ha (trồng mới 44,86ha; trồng bổ sung, phục hồi 99,46ha) dự kiến hoàn thành trồng trong năm 2023, đồng thời thực hiện công tác chăm sóc, trồng dặm và bảo vệ rừng trồng đối với diện tích đã trồng.

Với 2 gói đầu tư nâng cấp tuyến đường quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn, kết hợp phục vụ đời sống, sản xuất của người dân thuộc huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái đã thi công xong và bàn giao công trình cho địa phương quản lý, sử dụng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.