| Hotline: 0983.970.780

Đầm phá phòng chống biến đổi khí hậu

Thứ Ba 27/05/2014 , 08:28 (GMT+7)

Không chỉ trồng rừng lấn phá, để phòng chống BĐKH, chính quyền và người dân Hương Phong cũng có nhiều cách làm hay trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Do nằm ở địa thế ngã ba cửa sông Hương - phá Tam Giang - biển Thuận An nên vùng đất ven phá xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, TT-Huế) luôn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước mặn xâm thực…

Để đối phó với tình trạng trên, thông qua nhiều dự án, trồng cây ngập mặn ven phá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã được địa phương triển khai hiệu quả.

Trồng cây “lấn” phá

Đi dọc những triền đê dẫn ra Rú Chá, về khu vực Cồn Tè, Bàu Hạ, A Đáp…mới ngày nào còn trơ trọi màu bùn đất của đầm phá giờ đã được phủ một cánh rừng khá xanh tốt của các loại cây sú, đước, vẹt. Có được “tấm bình phong” vững chãi che chắn được gió bão là sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây.

15-15-50_4
Rừng ngập mặn trồng ven đầm phá

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, từ năm 2003 đến nay, thông qua nhiều dự án, Hội KHKT lâm nghiệp tỉnh TT-Huế phối hợp với chính quyền địa phương trồng hàng nghìn cây đước, sú, vẹt ở các khu vực Rú Chá, Bàu Hạ và ven Cồn Tè, A Đáp. Nhìn chung các cây trồng ngập mặn phát triển tốt, chỉ có một bộ phận diện tích sú, vẹt ở khu vực Bàu Hạ bị chết do không hợp thổ nhưỡng và bị cát bay lấp.

Điểm rõ nhất trong việc trồng cây “lấn” phá, phòng chống BĐKH là khu vực Rú Chá. Trước đây, rú có diện tích 25 ha, mùa lụt bão Rú Chá có tác dụng như bức tường thiên nhiên che cho cho dân làng Thuận Hòa, Vân Quật Đông...

Qua thời gian, cùng thiên tai và sự tàn phá của con người, Rú Chá bị suy giảm diện tích đáng kể. Từ năm 2010, Hội KHKT lâm nghiệp tỉnh phối hợp với các dự án và chính quyền địa phương đã lập quy hoạch tổng diện tích đất trồng rừng ngập mặn hơn 30 ha.

Vừa qua, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã xây dựng vườn ươm cây giống phục vụ việc trồng rừng ngập mặn tại địa bàn xã Hương Phong và dự kiến đưa vào trồng với gần 20 ở Rú Chá và khu vực Cồn Tè. Người dân địa phương cũng bắt tay vào hưởng ứng công tác trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái vùng đầm phá. Quy chế bảo vệ Rú Chá, rừng cây ngập mặn cũng đã được người dân Thuận Hòa đưa vào hương ước của làng.

Ông La Tiềm ở thôn Vân Quật Đông) cho biết, từ việc người dân chưa ý thức được tác động của BĐKH ảnh hưởng đến môi trường sống, SX, thông qua các kênh thông tin từ xã, đến nay bà con đã nắm bắt được và bắt đầu chung tay bảo vệ vùng đất ngập mặn, phát triển nuôi trồng thủy sản.

Chuyển đổi

Không chỉ trồng rừng lấn phá, để phòng chống BĐKH, chính quyền và người dân Hương Phong cũng có nhiều cách làm hay trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phục tráng, đưa vào SX nhiều giống lúa quý thích ứng với môi trường vùng cửa sông, đầm phá.

15-15-50_2
Giống lúa chịu mặn với giá thành bán ra rất cao được người dân Hương Phong lựa chọn

Vùng đầm phá ven biển TT-Huế có 42 xã, thị trấn của các huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang, trải dài trên hàng chục nghìn ha. Trong những năm qua, tình trạng sạt lở đất, cát bồi lấp, sa mạc hóa ở nhiều địa phương diễn ra phức tạp làm cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn. Việc có những biện pháp thiết thực phòng chống BĐKH không chỉ là vấn đề hiện tại mà còn là nguồn sinh kế lâu dài
đối với họ.

Ông Trần Viết Én cho biết, trong những năm qua, tình hình BĐKH diễn ra khá rõ rệt với địa phương nằm ở vùng cửa sông - biển như Hương Phong. Được sự quan tâm từ cấp trên, thông qua các dự án, ngoài việc tích cực trồng rừng ngập mặn, cải thiện môi trường sống, làm bãi đẻ cho các loài thủy hải sản; công tác chuyển đổi SX với các mô hình, cách làm mới cũng được vận dụng, nhằm đảm bảo cuộc sống, nguồn sinh kế ổn định cho người dân.

Những diện tích ngập mặn ở Hương Phong trước đây như Thuận Hòa, Bàu Vá… hiệu quả SX thấp, nhờ đưa vào các giống lúa chịu mặn, thân cây cao đã thích ứng tốt. Hiện, nơi đây trồng 20 ha giống lúa chịu mặn. Tuy là giống lúa truyền thống, năng suất chưa cao nhưng giá thành bán ra rất cao, 12 nghìn đ/kg.

Là địa phương có nhiều phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mô hình trồng nấm rơm cũng được nhiều hộ dân đưa vào SX. Trồng nấm rơm và các loại nấm đã mang lại thu nhập khá với 50 - 70 triệu đ/năm .

Ngoài ra, Hương Phong vốn nổi tiếng với việc chuyển đổi lúa sang trồng nếp. Hiện, diện tích nếp chiếm đến 90% diện tích trồng trọt trên toàn xã. Ông Châu Văn Đấu, một nông dân ở thôn An Lai nhẩm tính: “Tuy trồng nếp năng suất thấp hơn lúa, chỉ 2 tạ/sào; thời gian sinh trường kéo dài hơn, khoảng 95 ngày, nhưng giá thành bán ra 1 tạ nếp gấp 2,5 lần giá thành của lúa. Vụ ĐX năm nay, địa phương Hương Phong đã chuyển đổi diện tích nếp lên đến 90% bởi giá thành bán ra rất được.

Ngoài chuyển đổi SX, tại Hương Phong, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mới cũng được áp dụng. Ông Én cho biết thêm, hiện đa số diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương đều chuyển sang nuôi xen ghép các loại thủy sản như cua, cá, tôm. Với diện tích gần 200 ha, nhiều hộ dân thu vài chục đến cả trăm triệu đồng/năm.

Trước đây, những vùng nuôi trồng thủy sản đến mùa mưa lũ, nắng nóng do môi trường nước thay đổi, chết hàng loạt, chuyển sang nuôi xen ghép có điểm lợi là giảm thiểu được thiệt hại do có nhiều loại thủy sản được nuôi, lựa chọn. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi cá đối mục trên đầm phá, nuôi ếch thương phẩm, ếch sinh sản cũng được người dân đưa vào nuôi trồng với hiệu quả kinh tế khá cao…

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.