Chỉ biết phạt thôi chứ biết làm gì
Tại huyện Văn Lãng có một quả đồi với hơn 2.500m2 đất trồng rừng bị phá, gần 1.000m2 đất trồng lúa bị san phẳng. Theo tìm hiểu của PV, chủ sử dụng đất là ông Lương Văn Tuấn, người thực hiện san gạt là ông Trần Ngọc Phú, hộ khẩu thường trú tại Thanh Chương, Nghệ An.
Vị trí quả đồi nằm ngay đường tránh thị trấn Đồng Đăng đi cửa khẩu Tân Thanh. Hiện trạng ban đầu gồm đất trồng rừng, đất trồng lúa, nay đã bị san phẳng, ngang mặt đường.
Có mặt tại hiện trường theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, ông Hoàng Dương Tuấn, Trưởng phòng TN-MT huyện, nói: “Đúng là có san gạt. Chúng tôi đã xử phạt rồi. Chỉ biết phạt thôi chứ biết làm gì”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, xác nhận sự việc “người dân tự ý san gạt”. Ông Nhớ nói việc này xảy ra hồi tháng 8/2021, khi Lạng Sơn đang thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19.
“Lúc đó, tôi đi kiểm tra các chốt phòng chống dịch thì phát hiện. Tôi đã lấy xe công vụ chặn ngang đường, gọi cho các lực lượng đến hỗ trợ. Một số người, có lẽ là được thuê san gạt, bỏ chạy tứ tán”, ông Nhớ kể lại.
Lúc phát hiện, ông Nhớ cho biết quả đồi đã bị san gạt một nửa. Công an huyện sau đó vào cuộc, tạm giữ xe chở đất. “Khu vực này giáp ranh, có 2/3 quả đồi thuộc huyện Cao Lộc, nên công tác xử lý cũng khó. Phát ngôn của đồng chí Tuấn đúng là có phần thiếu trách nhiệm, chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm điểm”.
Tuy nhiên, ông Nhớ và đại diện Phòng TN-MT huyện Văn Lãng không giải thích được vì sao huyện không tạm giữ máy xúc, và người được thuê là Trần Ngọc Phú.
Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp thông tin với UBND huyện Văn Lãng bản "hợp đồng san gạt", và giấy tờ mà ông Phú ghi “tiền làm luật 7,5 triệu mỗi xe tải chở đất”. Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tôi không rõ tiền làm luật là tiền gì, cũng chưa biết việc người dân ký hợp đồng san gạt với đối tượng ở địa phương khác. Việc này, chúng tôi sẽ tham mưu với Chủ tịch UBND huyện, giao các cơ quan chuyên môn làm rõ”.
San gạt từ huyện này sang huyện khác
Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 2/11 có bài phản ánh “Phân lô bán nền trên đất trồng rừng, chính quyền bất lực”. Người được thuê san gạt đất đồi trồng rừng tại huyện Cao Lộc cũng là Trần Ngọc Phú. Điều khó hiểu là vì sao ông Phú dùng máy xúc, xe tải, đi san gạt đất nông nghiệp từ huyện Cao Lộc sang huyện Văn Lãng ở Lạng Sơn, mà tới nay chưa bị xử lý.
Liên quan vụ việc, UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết, đơn vị này đã yêu cầu chủ sử dụng đất là ông Vi Văn Tấn trồng cây trở lại, không được phép phân lô bán nền.
“Về việc một số hộ dân xây nhà kiên cố trên đất trồng rừng, chúng tôi đã thông báo để họ tự tháo dỡ. Trong trường hợp không tự giác, thị trấn sẽ báo cáo huyện, lên phương án cưỡng chế”, đại diện UBND thị trấn Đồng Đăng, nói.
Tuy nhiên, yếu tố gây phức tạp là việc ông Tấn, ông Phú, đã phân lô bán nền cho nhiều người, thì từ huyện Cao Lộc đến hai địa phương liên quan là thị trấn Đồng Đăng và xã Hồng Phong, đều phủ nhận. Thực tế, theo tài liệu PV thu thập được, ông Tấn và ông Phú đã tự ý phân lô, bán nền cho nhiều người, thu lợi hàng tỷ đồng. Thậm chí, cùng một lô đất, ông Tấn và ông Phú bán cho nhiều người. Một số người mua đang tranh chấp với nhau về quyền sở hữu.
Có thông tin cho rằng thị trấn Đồng Đăng đang trên đường nâng cấp lên thị xã, do đó, đất nền ở khu vực này lên giá. Mặt khác, một số bản đồ quy hoạch đất ở, đang được một số người truyền tay nhau ở Đồng Đăng, cho thấy gần 1ha đất của ông Tấn đã được quy hoạch thành đất ở.
Theo UBND thị trấn Đồng Đăng, ông Tấn đã hai lần bị xử phạt hành chính vì tự ý san gạt đất trồng rừng. Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng ở mức phạt hành chính với gần 1ha đất rừng đã bị san phẳng.
Việc san gạt đất rừng ở huyện Cao Lộc không chỉ là cá biệt. Tại thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, cũng có hàng nghìn m2 đất trồng rừng bị san gạt, phân lô bán nền.
Ngày 22/11, Đội Quản lý Trật tự đô thị huyện Cao Lộc đã lập biên bản với bà Lý Thị Ô, vì tự ý san gạt hơn 7.600m2 đất trồng rừng. Tại hiện trường, hai quả đồi bị san phẳng, các ô đất được xây gạch chia lô, cắm cả cột điện, đổ bê tông làm đường xung quanh.
Rõ ràng, sự việc không diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng chỉ khi PV báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, cơ quan quản lý mới vào cuộc. Đại diện xã Phú Xá và thị trấn Đồng Đăng đều phủ nhận phần đất nêu trên thuộc địa bàn quản lý, trong khi huyện Cao Lộc đến nay vẫn chưa xác minh được phần đất này thuộc địa giới hành chính nào.
Bà Lục Kim Hòa, cán bộ địa chính thị trấn Đồng Đăng, không cung cấp biên bản xử phạt vi phạm hành chính với ông Vi Văn Tấn, dù đã nhận chỉ đạo từ Chủ tịch UBND thị trấn. Tương tự, Phòng TN-MT huyện Văn Lãng từ chối cung cấp biên bản xử phạt hành chính với ông Lương Văn Tuấn, dù PV đã xuất trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo. Đại diện Phòng TN-MT huyện Văn Lãng nói lý do không cung cấp vì “bộ phận văn thư không tìm thấy giấy tờ liên quan mà PV đã photo gửi”. Có hay không việc “lợi ích nhóm” của cán bộ địa chính, cán bộ Phòng TN-MT là câu hỏi mà đến nay hai huyện Văn Lãng, Cao Lộc vẫn chưa trả lời.