| Hotline: 0983.970.780

Dân tố 'quan xã' bắt tay với cán bộ thôn ăn chia 373 triệu đồng làm đường bê tông

Thứ Tư 17/08/2016 , 09:28 (GMT+7)

“Thuê giá rẻ nhưng kê khai cao lên, nơi người dân đóng góp ngày công nhưng kê khai vào giá thuê nhân công. Công trình làm xong, số tiền dư ra đáng lẽ trả lại cho người dân đóng góp trước đó, đằng này họ hợp thức chia chác cho nhau”, một người dân tố cáo.

17-17-07_nh-1
Trụ sở UBND xã Bình Lâm

 

Trong vòng 2 năm, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm (Hiệp Đức, Quảng Nam) cấu kết với các trưởng thôn ăn chia 373 triệu đồng. Sau tiền này được rút từ nguồn kinh phí làm đường bê tông.

 

Ăn chia trắng trợn

Theo đơn tố cáo của người dân xã Bình Lâm gửi Báo NNVN, thực hiện chủ trương bê tông hóa đường nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ vốn 70% cho các địa phương. Số còn lại do huyện và xã đóng góp.

Trên cơ sở đó, xã Bình Lâm tiến hành lập dự toán, 30% vốn đối ứng xã đứng ra thu của người dân, ai góp công thì không thu tiền. Khi thi công xong, quyết toán công trình bằng 100% nguồn vốn dự toán lập ban đầu. Tuy nhiên thông qua việc chi trả tiền mua vật liệu, thuê máy trộn, máy đầm, ván cốt pha, nhân công…, chủ tịch xã và cán bộ thôn đã cấu véo, cấu kết ăn chia. 

“Thuê giá rẻ nhưng kê khai cao lên, nơi người dân đóng góp ngày công nhưng kê khai vào giá thuê nhân công. Công trình làm xong, số tiền dư ra đáng lẽ trả lại cho người dân đóng góp trước đó, đằng này họ hợp thức chia chác cho nhau”, một người dân tố cáo.

Trong đơn, người dân còn ghi số tiền cụ thể mà chủ tịch xã và cán bộ thôn chia chác. Cụ thể năm 2014, nguồn vốn làm đường bê tông ở 8 thôn, chủ tịch xã và các trưởng thôn “ăn” 166 triệu. Số tiền này được chia tại nhà trưởng thôn Ngọc Sơn Dư Văn Lưu vào đầu năm 2015. 

17-17-07_nh-2
Làm đường bê tông, cán bộ xã, thôn bị người dân tố cáo ăn chia 373 triệu đồng

 

“Hôm đó, chủ tịch UBND xã Bình Lâm, kế toán xã tổ chức gặp mặt các trưởng thôn ở nhà ông Lưu. Số tiền được chia 50% cho chủ tịch xã và kế toán, số còn lại cho các trưởng thôn”, trong đơn viết.

Tương tự, năm 2015, làm đường bê tông hóa nông thôn, cũng bằng hình thức nhà nước hỗ trợ, các thôn bắt tay xây dựng. Với những chiêu bài cũ, cán bộ xã và thôn ăn chia 207 triệu đồng.

Cũng giống lần trước, đầu năm 2016, chủ tịch, kế toán xã và các thôn trưởng gặp mặt ở nhà ông Trần Tới, trưởng thôn Hội Trường để chia tiền.“Cán bộ xã kết hợp với cán bộ thôn vơ vét của công làm giàu cho cá nhân một cách trắng trợn. Việc này thể hiện việc tham nhũng có hệ thống”, một người viết đơn tố cáo bày tỏ.

 

Huyện ủy, công an vào cuộc

Xác minh những thông tin trong nội dung tố cáo, chúng tôi đến xã Bình Lâm liên hệ làm việc với ông Trần Đoàn Minh Hiệp, Chủ tịch UBND xã, tuy nhiên ông Hiệp đang đi học.

Gặp ông Nguyễn Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã đặt vấn đề, ông lấy cớ cuối tuần này, làm việc với Thường vụ Huyện ủy, do đó, mọi thông tin chưa thể cung cấp.

17-17-07_nh-3
Những tuyến đường bê tông mà cán bộ xã, thôn ăn chia

 

Tôi gặng hỏi: Đây là thông tin thuộc thẩm quyền của xã, nhưng ông Thông nói: “Giờ có lịch làm việc với Huyện ủy rồi, chưa được sự chỉ đạo của Huyện ủy nên chưa trả lời được. Về số liệu người dân tố cáo, sau cuộc họp với Huyện ủy, tôi sẽ trả lời”.

Hỏi về việc có sai phạm như người dân tố cáo không, ông Thông thừa nhận có sai rồi. “Tôi không bao che cái sai, chính quyền xã đã vào cuộc”, ông Thông nói.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, ông cho hay đã nhận được thông tin nhưng mới một chiều. “Đơn không gửi cho UBND huyện. Họ có gửi đơn cho công an huyện, tôi đã chỉ đạo công an điều tra. Hiện vụ công an đang làm”, ông Tỉnh thông tin.

Trong một diễn biến khác, ông Lê Minh Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho hay: “Khi biết được thông tin, tôi đã sắp xếp lịch làm việc xã Bình Lâm vào sáng 6 tuần này. Tôi muốn xã báo cáo toàn bộ sự việc. Sau đó sẽ thông tin với Báo NNVN”.

Theo người dân xã Bình Lâm, ngoài việc "ăn" đường bê tông thì cơn bão số 9 năm 2013, Bình Lâm được nhận tiền hỗ trợ từ trên, thế nhưng tiền không đến được người dân mà xã hợp thức hóa cho một tập thể nuôi cá tại hồ Việt An, sau đó ăn chia.

Ngoài ra, số tiền nhà nước hỗ trợ SX cây lúa 25.000 đồng/sào nhưng xã không cấp phát kịp thời đến người dân.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.