Hơn 700 tàu cá nằm bờ, lượng khai thác giảm mạnh
Ngày 19/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chống khai thác IUU 6 tháng đầu năm 2022 và đối thoại với doanh nghiệp, chủ tàu cá, thuyền trưởng về giải pháp ngăn chặn tàu cá hoạt động khai thác hải sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành.
Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 9.808 tàu cá đăng ký hoạt động, trong đó 3.895 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Đến cuối tháng 6/2022, số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.656 tàu, còn lại 239 tàu thuộc diện xóa đăng ký, nằm bờ, ngân hàng quản lý…
Việc tàu cá về cảng bốc dỡ nguyên liệu thủy sản giảm mạnh, trong khi hoạt động của Ban Quản lý Cảng cá Kiên Giang là tự thu, tự chi nên nguồn thu giảm và đang bị âm hàng trăm triệu đồng.
Do giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao, cùng với đó nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, khai thác không hiệu quả, giá bán hải sản giảm, buộc nhiều ngư dân phải chọn giải pháp cho tàu nằm bờ để tránh bị thua lỗ. Ông Ngô Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh Kiên Giang cho biết, qua khảo sát gần khu vực Cảng cá Tắc Cậu (trên tuyến sông Cái Bé, Cái Lớn) hiện đang có trên 700 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ phải nằm bờ do đi khai thác bị thua lỗ.
Tàu cá nằm bờ nhiều khiến sản lượng khai thác hải sản giảm mạnh, số lượng xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo đó cũng sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 60 hồ sơ của 17 doanh nghiệp với số lượng hơn 1.421 tấn được xác nhận. Ban quản lý Cảng cá Kiên Giang đã cấp 172 giấy biên nhận bốc dỡ với số lượng trên 1.131 tấn, trong đó cảng cá Tắc Cậu 168 giấy, với số lượng hơn 1.091 tấn.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận, hướng dẫn và chứng nhận 29 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu với khối lượng 285 tấn sản phẩm thủy sản.
Tàu cá vi phạm tăng đột biến
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang) khẳng định, với tình hình giá cả đầu vào tăng cap, trong khi đầu ra giảm như hiện nay, ngư dân mang tàu đi khai thác gần như chắc chắn là thua lỗ. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu vẫn phải vươn khơi là để giữ chân người lao động, có nguồn thu để đóng lãi ngân hàng. Kể cả cho tàu nằm bờ thì vẫn bị hư hỏng, cần phải đầu tư cho công tác bảo trì thường xuyên.
Đáng báo động là tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển, bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo thông tin từ các bộ, ngành và lực lượng chức năng cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 31 tàu cá của ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, Thái Lan 8 tàu, Malaysia 15 tàu, Indonesia 1 tàu, Campuchia bắt giữ và xử phạt trong vùng đất lịch sử 7 tàu.
Tại hội nghị, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ với những khó khăn mà ngành khai thác thủy sản đang gặp phải. Theo ông Thành, thời gian qua ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ nghề cá nhân dân, khai thác tự phát sang nghề cá hiện đại, khai thác có trách nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về phương tiện, kỹ thuật, nhân lực…
Qua kiểm tra, vẫn còn một bộ phận nhỏ vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến công tác chống khai thác IUU. Đều này không chỉ gây thiệt hại đến kinh tế do hoạt động xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng, mà còn mất uy tín của nghề cá nước ta.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo cần phải mạnh tay hơn nữa trong xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU; tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống, xử lý khai thác IUU tại vùng biển Kiên Giang, Cà Mau và vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Lực lượng công an cần đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm, nhất là hành vi môi giới đưa tàu cá đi nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, nếu có đủ căn cứ có thể khởi tố xử lý hình sự.