| Hotline: 0983.970.780

Đánh ghen được gì?

Thứ Hai 21/09/2020 , 15:39 (GMT+7)

Phụ nữ có quyền thể hiện vai trò trong gia đình, có quyền lựa chọn bạn đời cho riêng mình nhưng sử dụng bạo lực để đánh ghen là hành vi vi phạm pháp luật

Khi bạn search google với từ khóa đánh ghen, trong 0,52 giây có khoảng 14.600.000 kết quả. Nổi cộm và thu hút được sự quan tâm gần đây nhất là vụ đánh ghen ở Lý Nam Đế, Hà Nội. Đây không phải là hiện tượng mới, trong lịch sử đã có hiện tượng này. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ mang màu sắc khác nhau.

Khi thấy chồng bên cạnh nhân tình

Khi thấy chồng bên cạnh nhân tình

Chồng có thể bỏ vì vợ ghen tuông

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền "năm thê bảy thiếp", được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng.

Theo Luật Hồng Đức, nếu người vợ đoạn tuyệt ân nghĩa vợ chồng trong đó đề cập đến ghen tuông người chồng phải ly hôn do lỗi của người vợ. Còn Bộ Luật Gia Long cho phép người chồng bỏ vợ nếu như người vợ nhiều lời hay người phụ nữ có tính đố kỵ ghen tuông bởi luật pháp thời này cho phép người đàn ông được chung sống như vợ chồng với nhiều phụ nữ để duy trì dòng giống. Vì vậy, sự đố kỵ của người vợ bị cho là sẽ làm hại trật tự trong đại gia đình.

Với những quy định pháp luật và chế độ phong kiến hà khắc đối với phụ nữ, dân gian đã tìm mọi cách chuyển tải mong muốn cất lên tiếng nói của người phụ nữ thông qua tranh vẽ, ca dao, tục ngữ.

Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương phải thốt lên một cách bất lực:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!

Năm thì mười hoạ chăng hay chớ

Một tháng đôi lần có cũng không…

Bị phạt tiền, đi tù vì đánh ghen

Cùng với sự phát triển xã hội, bình đẳng giới ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. Vai trò của phụ nữ được ghi nhận và được đánh giá cao trong gia đình và xã hội. Đàn ông ngày nay không còn được năm thê, bảy thiếp nữa, phát luật quy định chế độ một vợ, một chồng. Hôn nhân gia đình được quy định trong bộ luật hình sự và luật hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, ngày nay có những người phụ nữ đang ngộ nhận quyền tự do yêu đương, quyền lựa chọn bạn đời mà pháp luật trao cho họ  như một dạng quyền "sở hữu". Và khi người chồng ngoại tình, thì họ nhìn người "thứ ba" giống như kẻ chiếm đoạt hay đánh cắp đức ông chồng thuộc về "sở hữu" của họ.  Nhóm phụ nữ này thường không xác định được phần lỗi chính thuộc về các ông chồng mà thường đổ tội hoàn toàn cho đối thủ.

Thường phụ nữ có thể kìm nén trong thời gian dài nhưng cơn ghen sẽ luôn chờ thời điểm để bùng phát dữ dội đặc biệt là khi thấy đối thủ bội phần xinh đẹp đang sánh bước cùng "một nửa" của mình. Đây chính là thời điểm người phụ nữ thường mất kiểm soát bản thân, không kịp suy tính thiệt hơn và sẵn sàng lao vào đối thủ.  

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, các vụ đánh ghen ở các cấp độ nghiêm trọng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Nhiều người gay gắt với hành vi ngoại tình, thương cảm với người bị phản bội, ủng hộ việc lôi những người ngoại tình ra ánh sáng, phơi bày trên mạng xã hội…Cũng có facebooker cho rằng không tội gì phải làm thế, không còn yêu thương nhau nữa thì chia tay… Những người hiểu biết về luật pháp khuyến cáo: không làm nhục đối phương, dù chỉ bằng lời nói, không được tụ tập đông người cùng mình đánh ghen, tuyệt đối không đánh nhau, gây thương tích cho đối phương; nên sử dụng quyền tố cáo ra chính quyền địa phương hoặc công an để xử lý.

Theo luật sư Đinh Thế Hưng (Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật): những vụ việc đánh ghen, được cộng đồng mạng chia sẻ, cấu thành tội làm nhục người khác và gây rối trật tự công cộng. Luật pháp không quy định đối với các hành vi ghen tuông, tuy nhiên những hành vi ghen tuông xúc phạm và làm nhục người khác, dù không hề đánh đập, gây thương tích cho nạn nhân (tình địch) nhưng người nào có hành vi “ghen tuông thái quá” bằng cách lột quần áo của nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù.

Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội làm nhục người khác:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người thi hành công vụ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đồng thời, từ ngày 01/7/2016, “ghen tuông thái quá” bị phạt tiền đến 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015.

Người dân ở bất cứ xã hội nào cũng đều luôn luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh và vững chắc để được bảo vệ an toàn. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên và đến được với người dân hiện nay là rất cần thiết. Suy cho cùng pháp luật cũng là để phục vụ người dân, đối với người dân pháp luật chính là lẽ phải, sự công bằng, là môi trường pháp lý bình đẳng giúp người dân có được quy tắc ứng xử trong xã hội.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.