| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi con nước Mekong?

Thứ Ba 20/04/2021 , 14:59 (GMT+7)

Hai năm qua dòng chảy sông Mekong liên tục lên xuống thất thường, khiến con nước từng gắn bó với sinh kế của hàng chục triệu cư dân hạ nguồn chỉ còn trong ký ức.

Sân gôn giữa lòng sông 

Những ngày cuối mùa khô năm nay, tại nhiều khu vực ở tỉnh Nakhon Phanom, đông bắc Thái Lan, nếu đứng nhìn từ xa khó ai có thể hình dung nổi từng mảng xanh nhỏ nổi lên giữa những bãi bùn nứt nẻ trên dòng Mekong lại là những sân gôn.

Những sân gôn tự phát kiểu này gần đây bỗng nhiên “mọc” ra ngày một nhiều để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong vùng. Thậm chí, vừa qua một giải đấu gôn 9 lỗ đã được tổ chức ở ngay thành phố giáp biên Nakhon Phanom khá là hút khách.

Người ta đã chứng kiến những gôn thủ cầm gậy đi lại giữa lòng sông và nhắm đánh những trái banh bay qua từng vũng nước còn sót lại hay những mảng bùn cát trồi lên hướng về các lỗ gôn tạm thời ở phía bờ sông.  

Một khúc sông Mekong chảy qua tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan trong mùa khô năm nay. Ảnh: Jack Board

Một khúc sông Mekong chảy qua tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan trong mùa khô năm nay. Ảnh: Jack Board

Sáng kiến tổ chức sự kiện đấu gôn bất thường lần này coi như là một trải nghiệm mới mẻ “chưa từng thấy” ở Thái Lan và cũng là một cơ hội mới thúc đẩy cộng đồng địa phương. Tuy nhiên về sâu xa, vô hình trung nó cũng đã minh họa cho tình trạng rất đáng báo động của con sông lớn nhất nhì Đông Nam Á.

“Con nước sông Mekong thường được mặc định bởi phù sa đậm, chưa nhiều các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống trải dài trên khắp các lộ trình của nó. Tuy nhiên lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu của chúng tôi thực hiện các thử nghiệm cụ thể để đo độ đục của con nước - về cơ bản không còn lại bao nhiêu. Tại ba địa điểm đo đạc, quan trắc khác nhau trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận ‘hầu như không có’ trầm tích. Lẽ ra vào thời điểm này mọi năm là con nước chưa về nhưng năm nay thì khác, nước trên sông rất trong không có phù sa và chuyển sang màu xanh lam”, ông Apichai cho biết.

Cụ thể là chỉ vài ngày sau khi sự kiện đánh gôn được tổ chức, mực nước sông tại đây đã dâng cao và nhanh chóng nhấn chìm hết những sân gôn. Thế là cộng đồng dân cư địa phương, đa số là ngư dân lại lục tục quay trở lại luồng lạch để kiếm kế mưu sinh, đánh bắt ở những vùng nước nông chảy chậm.

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng khô hạn vào mùa khô vốn là một hiện tượng thường niên ở dọc theo đôi bờ sông Mekong, tuy nhiên những năm gần đây điều này đã thay đổi. Đặc biệt là trong hai năm qua, các mùa trên sông Mekong ngày càng trở nên khó đoán định và bất thường khiến cho điều kiện dòng chảy bình thường lâu nay đang dần trở thành một ký ức.

“Đó thường là dòng nước không đủ hoặc bất thình lình đổ dồn về hạ nguồn gây ra lũ lụt. Còn đâu dòng Mekong phù sa hiền hòa ngày xưa”, trưởng một ngôi làng ven sông kiêm tình nguyện viên giám sát mạng lưới sông Mekong ở Attapon Nakhon cho biết.

Vị này nói thêm: “Tôi chưa từng thấy dòng sông Mekong thay đổi thất thường và hung dữ như vậy trước đây. Chúng tôi rất tức giận về những thay đổi không theo quy luật tự nhiêndo những con đập ở thượng nguồn gây ra nhưng không thể nào làm gì được”.

Lâu nay hàng chục triệu cư dân sống dọc theo sông Mekong đã luôn bị kìm kẹp, lệ thuộc vào con nước nhưng giờ đây họ đã trở thành những con tin vì những sự thay đổi đáng lo ngại. Nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động của các con đập thủy điện lớn mọc lên ngày một nhiều ở phía thượng nguồn Trung Quốc và Lào.

Thống kê trong những năm gần đây, có tới 11 chiếc đập trên dòng chính ở Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước khổng lồ để phát điện, trước khi xả chúng vào những khoảng thời gian không có ai mong muốn, dẫn đến mất mùa, phá vỡ hệ sinh thái, xói lở bờ sông và vô số tình trạng khó lường hết đối với người dân ở các nước hạ nguồn.

Hiện tượng nước lũ về bất thường giữa mùa khô, mực nước dâng cao tới 1 mét trong vòng 48 giờ đồng hồ và nước trong xanh như nước biển. Ảnh: JB 

Hiện tượng nước lũ về bất thường giữa mùa khô, mực nước dâng cao tới 1 mét trong vòng 48 giờ đồng hồ và nước trong xanh như nước biển. Ảnh: JB 

Riêng Lào cũng đã vận hành hàng chục con đập trên sông Mekong và các chi lưu và phần lớn các dự án thủy điện này đều được Trung Quốc tài trợ.

Hình ảnh vệ tinh đã cho thấy các đập của Trung Quốc lưu giữ nước trong khi các nước láng giềng đang phải chịu đựng những giai đoạn hạn hán nghiêm trọng nhất. Giới chuyên gia cho rằng, tác động của các con đập cộng hưởng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng trong khu vực, đã ảnh hưởng sâu sắc đến sông Mekong, nơi hỗ trợ sinh kế cho khoảng 60 triệu người.

Càng ngày, những người dân ở hạ nguồn gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam càng phải chịu đựng những hệ lụy nặng nề gây ra ở phía thượng nguồn Mekong. Thời gian qua, tại nhiều tình thành phía đông Thái Lan, hoạt động đánh bắt cá, sản xuất nông nghiệp và du lịch đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do con nước, khiến các giới chức địa phương hết sức lo ngại.

Apichai Ritthigun, giám đốc Sở Môi trường tỉnh Nakhon Phanom, cho biết hầu hết những thay đổi lớn về nguồn nước và hệ sinh thái trên sông Mekong đều xảy ra trong hai năm qua và dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

Con nước Mekong lên xuống thất thường

Đối với các cộng đồng người dân Thái Lan ở dọc theo sông Mekong, lẽ ra vào thời điểm cuối mùa khô này là nhịp sống tương đối yên ả nhưng con nước đổ về bất thường đã khiến mọi thứ xáo trộn.

Hầu hết các bãi bồi ở vùng hạ lưu sông Mekong gần đây không còn màu mỡ do đất thiếu phù sa, nông dân không thể canh tác. Ảnh: JB 

Hầu hết các bãi bồi ở vùng hạ lưu sông Mekong gần đây không còn màu mỡ do đất thiếu phù sa, nông dân không thể canh tác. Ảnh: JB 

Ở nhiều đoạn sông ven các đô thị, những đợt con nước mạnh đã hình thành những cồn cát nhỏ trong mùa khô và người dân lại đổ xô đi kinh doanh loại hình du lịch lội nước giữa sông. Du khách khắp nơi đổ đến mang theo loa thùng, dựng lều trại trên các bãi cát ăn uống, tắm táp vui chơi từ sáng tới đêm giữa dòng Mekong giống y chang như bãi biển.

Nguồn nước trong veo được chứng minh là gây ra sự tò mò, cùng với sự dao động của mực nước gần đây lên đến 1m trong vòng 48 giờ, khiến cho những chủ bãi tắm phải thường xuyên canh chừng giữa mùa khô.

Các tác động xấu không chỉ riêng đối với quần thể cá dọc theo sông Mekong mà còn diễn biến lan rộng sang các ngư trường lân cận. Tại Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia – nơi được đánh giá là nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới - sản lượng khai thác trong năm 2019 đã giảm tới 75%. Đặc biệt là lượng phù sa tổng đo được đổ về đồng bằng sông Cửu Long- vựa lương thực quan trọng của Việt Nam năm nay được dự đoán chỉ bằng một phần ba so với cách đây chưa đầy 15 năm.

Amnart Traijak, một chuyên gia thuộc mạng lưới giám sát sông Mekong ở bảy tỉnh miền đông bắc Thái Lan cho biết, cần hết sức cảnh giác về những gì đang xảy ra để cảnh báo sớm cho người dân ven sông về những vấn đề mà họ đang phải đối mặt.

“Chúng tôi bắt đầu đối mặt với các nguy cơ bất ổn khi các con đập được xây dựng lên cách chúng tôi hàng nghìn km. Cho dù một số người tỏ ra rất thích thú khi nhìn thấy con nước xanh giống như ở biển, nhưng thực ra đó là một thảm họa đối với sông Mekong”, ông Traijak nói.

Lão ngư phủ Suphat Kudju gần như đã đánh cá trọn đời trên sông Mekong. Đối với người đàn ông 64 tuổi này, những gì ông chứng kiến gần đây trên dòng sông gắn bó này càng khiến ông thêm tiếc nuối.

“Đôi khi nói chuyện với bạn bè, tôi vẫn ứa nước mắt mỗi khi nhìn dòng sông trơ đáy nứt nẻ, cạn kiệt nguồn cá tôm. Và càng buồn hơn khi nghĩ đến sinh kế tương lai con cháu sau này không biết rồi sẽ ra sao?”, ông Kudju cho hay.

Các nhà khoa học cho biết, sự thay đổi dòng chảy cùng với biến đổi khí hậu khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả khi con nước về, nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản trên sông Mekong cũng lâm nợ vì môi trường nước thay đổi đột ngột do thiếu hụt oxy hoặc dịch bệnh làm cá chết hàng loạt.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề rất lớn. Tôi nghĩ rằng điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Đó là một vấn đề mang tầm quốc tế”, Tossapol Kaewngam, Giám đốc quản lý nghề cá tại Văn phòng Nghề cá tỉnh Nakhon Phanom cho biết.

“Trước đây người dân vẫn trồng rau dọc bờ sông Mekong nhưng bây giờ nhiều người không trồng nữa vì mất lũ, không có phù sa làm cho sản lượng rất kém”, nông dân Amnart ở tỉnh Nakhon Phamon nói.

(CNA)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.