| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh lúa GAP

Thứ Ba 05/10/2010 , 10:25 (GMT+7)

Việc phát sổ tay ghi chép diễn tiến quá trình canh tác cho các hộ nông dân là bước khởi động để chương trình trồng lúa theo hướng GAP lan tỏa mạnh tại ĐBSCL.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy, GĐTT Kỹ Thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang cho biết, sau khi HTXNN Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) lần đầu tiên đón nhận giấy chứng nhận lúa GlobalGAP Mỹ Thành vào đầu năm 2009 với trên 11 ha được Công ty ADC bao tiêu cao hơn giá thị trường 20%, mô hình canh tác tiên tiến này được lan tỏa mạnh tại ĐBSCL, mở ra hướng đi quan trọng ở vựa lúa gạo lớn nhất cả nước.

Theo TS Nguyễn Hồng Thủy, diện tích trồng lúa được cấp chứng nhận GlobalGAP đã mở rộng lên trên 115 ha trong đó HTX Mỹ Thành (Tiền Giang) 95,5 ha và HTX Lúa – Tôm Hòa Lời (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) 20 ha. Ngoài ra, nhiều tỉnh khác tại ĐBSCL cũng triển khai mạnh mẽ chương trình trồng lúa theo hướng GAP (GlobalGAP, VietGAP) nhằm xác lập nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với xu thế hội nhập, tăng hiệu quả kinh tế và khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong đó, An Giang nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long triển khai trồng theo qui trình GlobalGAP với diện tích 64 ha ở hai huyện Châu Phú và Thoại Sơn. Đồng Tháp đang triển khai mô hình tại Tam Nông; tỉnh Bạc Liêu triển khai thí điểm ở huyện Hồng Dân còn Long An trồng 100 ha nếp VietGAP ở Châu Thành. Riêng đối với Tiền Giang, tỉnh đi đầu mô hình canh tác theo hướng GAP đang triển khai mạnh mẽ mô hình trồng lúa và nếp VietGAP tại các huyện nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công: Chợ Gạo, Gò Công Tây...

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đang tập trung triển khai ứng dụng qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đối với lúa xuất khẩu, làm thí điểm nông dân ghi chép sổ tay theo qui trình VietGAP đối với trồng lúa từ đó tính toán giá thành và hiệu quả sản xuất lúa. TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trước mắt, Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương tăng cường phổ biến cho bà con qui trình sản xuất theo hướng GAP, tập huấn ghi chép sổ sách, ứng dụng tốt các giải pháp thâm canh tiên tiến “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý nước và tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón cân đối và hợp lý...

Đến nay, 9/13 tỉnh ĐBSCL đã tổ chức tập huấn ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng GAP từ các chương trình của Cục Trồng trọt và Trung tâm KNKN Quốc gia. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, nông dân ĐBSCL đã được cấp trên 2.100 quyển sổ tay ghi chép quá trình sản xuất theo hướng GAP trong đó Cục Trồng trọt đã trực tiếp tập huấn và cấp 700 quyển sổ tay ghi chép cho nông dân 7 tỉnh trọng điểm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang và Long An. Cục phấn đấu hết năm nay có 10%, năm 2011 tăng lên 20% và 2012 có đến 30% hộ nông dân có sổ tay ghi chép diễn tiến quá trình canh tác – bước khởi động để chương trình trồng lúa theo hướng GAP lan tỏa mạnh tại ĐBSCL.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.