| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Lúa lai loay hoay tìm chỗ đứng!

Thứ Năm 25/08/2011 , 08:44 (GMT+7)

So với lúa thuần, diện tích lúa lai ở ĐBSCL hiện còn rất khiêm tốn, nhưng đã có những tín hiệu cho thấy cây lúa lai có triển vọng phát triển tốt ở khu vực này.

Ảnh minh họa
So với lúa thuần, diện tích lúa lai ở ĐBSCL hiện còn rất khiêm tốn, nhưng đã có những tín hiệu cho thấy cây lúa lai có triển vọng phát triển tốt ở khu vực này.

Theo ông Dương Thành Tài, Phó TGĐ Cty CP Giống cây trồng Miền Nam, trong vụ đông xuân vừa rồi, diện tích lúa lai ở ĐBSCL vào khoảng 9.500 ha. Như vậy, nếu so với diện tích vụ đông xuân toàn vùng là trên 1,5 triệu ha, thì rõ ràng con số nói trên không đáng kể. Cũng theo ông Tài, ước tính cả năm nay, ở ĐBSCL sẽ có khoảng 20.000 ha lúa lai, chủ yếu là ở vụ lúa hè thu muộn, thu đông trên đất lúa – tôm.

Trên thực tế, diện tích lúa lai ở ĐBSCL có thể cao hơn, vì theo ông Phan Văn Thuận, GĐ Marketing bộ phận hạt giống (Cty Bayer), trong năm nay, Cty Bayer sẽ cung ứng khoảng 1.000 tấn hạt giống, tương ứng với 28.000 ha gieo trồng.

So với lúa thuần, lúa lai ở ĐBSCL đã tỏ rõ sự vượt trội về năng suất. Ông Dương Thành Tài cho biết trong vụ đông xuân, năng suất bình quân lúa lai cao hơn năng suất bình quân lúa thường khoảng 15%. Còn trong vụ hè thu, năng suất lúa lai cao hơn lúa thuần tới 30-40%. Thông tin từ ông Phan Văn Thuận cho thấy trên bình diện chung, năng suất lúa lai của công ty này cao hơn lúa thuần 20%, riêng vùng đất nhiễm phèn mặn, có thể cao hơn 30%.

Chất lượng lúa lai ở ĐBSCL cũng đã được cải thiện khá nhiều. Ông Dương Thành Tài khẳng định hạt gạo lúa lai đã có chất lượng tương đương với hạt gạo lúa thuần. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng chất lượng lúa lai ở ĐBSCL hiện đã khá tốt, khác hẳn so với trước đây.

Cũng theo ông Dư, lúa lai đang rất có tiềm năng phát triển ở ĐBSCL, bởi với yêu cầu đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất lúa, lúa lai hoàn toàn đáp ứng được những yếu tố hàng đầu là tăng năng suất, sản lượng. Những kết quả thử nghiệm trong thời gian qua cho thấy những vùng lúa tôm, lúa năng suất thấp, vùng sản xuất 2 vụ lúa, hoàn toàn có thể đưa lúa lai vào sản xuất để đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên lúa lai ở ĐBSCL vẫn đang còn những nhược điểm khiến cho sức cạnh tranh chưa cao so với lúa thuần. Trước hết là thời gian sản xuất của nhiều giống lúa lai còn dài ngày, từ 105-110 ngày. Lâu nay, nông dân ĐBSCL đã quá quen và ưa thích những giống lúa có thời gian sản xuất chỉ dưới 100 ngày, do đó với thời gian như trên, lúa lai vẫn còn chưa thu hút được sự quan tâm của nông dân. Giá hạt giống lúa lai còn quá cao cũng là một lực cản không nhỏ. Ông Phan Văn Thuận cho biết hiện giá giống lúa lai đang cao hơn giống lúa thuần tới 7-8 lần, ông Dương Thành Tài đưa ra con số thấp hơn là 5-6 lần.

Theo ông Phan Văn Thuận, giá hạt giống lúa lai đang cao hơn nhiều so với hạt giống lúa thuần, nhưng bù lại, lượng giống sử dụng ít hơn và năng suất lại cao hơn lúa thuần từ 1,5-2,5 tấn/ha. Như vậy, khi trừ đúng các chi phí, trên mỗi ha lúa lai, nông dân sẽ có thêm lợi nhuận từ 8-14 triệu đồng so với lúa thuần.

Sở dĩ giá giống lúa lai còn quá cao là bởi năng suất sản xuất hạt giống lúa lai còn rất thấp, nên giá thành bị đội lên nhiều. Việc gieo trồng lúa lai cũng đòi hỏi một quy trình chặt chẽ, nhất là ở giai đoạn đầu (bởi chỉ sử dụng khoảng 30-50 kg hạt giống/ha (sạ), nên nông dân phải chăm sóc công phu hơn để cây lúa có thể đẻ ra nhiều nhánh), do đó, nông dân còn thấy ngán. Về khả năng kháng rầy, PGS.TS Phạm Văn Dư cho rằng tính kháng rầy ở lúa lai vẫn chưa tốt. Chất lượng lúa lai tuy đã được cải thiện nhiều nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu (hạt gạo lúa lai của Cty Bayer chưa đạt về độ dài, hạt gạo giống lúa lai HR 182 của Cty CP Giống cây trồng Miền Nam khi nấu lên vẫn còn hơi khô).

Bên cạnh đó, việc phát triển lúa lai ở ĐBSCL hiện còn mang tính tự phát, do các công ty tự thực hiện, gần như chưa có chính sách thúc đẩy phát triển của Nhà nước. Tuy vậy, ông Dương Thành Tài cho rằng trong vòng 5 năm tới, lúa lai ở ĐBSCL vẫn tự phát phát triển với tốc độ cao, nhất là khi các công ty đưa vào sử dụng dòng mẹ có năng suất hạt giống cao, qua đó làm giảm được giá thành, giá bán hạt giống lúa lai.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, các công ty đã hứa đến năm 2014 sẽ cơ bản khắc phục được những nhược điểm của lúa lai bằng cách đưa ra những giống thích hợp hơn nữa với ĐBSCL. Nếu làm được điều đó, diện tích lúa lai ở ĐBSCL có thể tăng lên tới vài trăm ngàn ha. Ông Dương Thành Tài ước tính nếu diện tích lúa lai ở ĐBSCL sẽ đạt mức 500.000 ha, sản lượng lúa tăng thêm sẽ vào khoảng 750.000 tấn, lợi tức tăng thêm trên mỗi một ha là 6,6 triệu đồng, và người trồng lúa ở ĐBSCL sẽ có thêm được tới 3.300 tỷ đồng mỗi năm.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).