Xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng liên tục và hiện là một trong Top 3 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Trong 3 năm qua, riêng xuất khẩu thủy sản xếp vào Top 10 ngành xuất khẩu lớn nhất ở nước ta. Ngành thủy sản đã tạo sinh kế và việc làm cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp là nông dân và ngư dân khai thác biển.
Tuy nhiên để duy trì mức trăng trưởng xuất khẩu tôm đang đặt ra nhiều thách thức. Hoạt động khai thác biển đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi hải sản khai thác biển suy giảm, trong khi giá xăng dầu tăng cao, lợi nhuận tàu cá giảm hoặc thua lỗ. Do đó giải pháp đặt ra cần tìm giải pháp chuyển đổi từ khai khác sang tăng năng suất, giảm giá thành và tăng sản lượng nuôi trồng.
Thực tại ở ĐBSCL có ngư trường rộng lớn cả hai mặt biển Đông, Tây và vùng nuôi tôm nước lợ tập trung diện tích lớn nhất cả nước. Tuy vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự chuyển đổi áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm công nghiệp. Song, khai thác biển đang đứng trước báo động. Trong quá trình đầu tư hình thành một số trang trại nuôi tôm tuy đạt thành công bước đầu nhưng vẫn còn nhiều thử thách, nút thắt cần tháo gỡ. Trong đó thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động mạnh đến môi trường vùng nuôi.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta ở tỉnh Sóc Trăng là một trong những doanh nghiệp mở mũi đầu tư nuôi tôm quy mô lớn hàng trăm héc-ta đạt hiệu quả.
Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Sao Ta, cho biết: Năm 2021 Sao Ta cung ứng nuôi 100 tỷ con tôm post thẻ chân trắng và sản lượng tôm đạt khoảng 660.000 tấn. Nếu trung bình tôm thu thương phẩm 60 con/kg, cho thấy tỉ lệ thu hồi chạm mức 40%, tức tỉ lệ thành công chỉ khoảng 40%. Trong khi theo thông tin từ hội nghị tôm toàn cầu 2021 Thái Lan là 55%, Ấn Độ là 47-48%.
Theo ông Vũ, nút thắt chính là môi trường nước sạch và con giống cần có chính sách khuyến khích gia hóa con tôm giống nhanh hơn để chủ động giúp người nuôi. Bởi vì trong nuôi tôm, theo kinh nghiệm dân gian, con giống là yếu tố thứ nhất quyết định thành công vụ nuôi. Thứ hai là môi trường, trong đó cơ bản là nguồn nước.
Ngoại trừ diện tích nuôi ven biển, diện tích nuôi tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre tập trung hai bên các con sông nối ra biển và đồng thời có kết nối hệ thống sông Cửu Long. Nguồn nước này có rủi ro là nước lũ về sớm sẽ không còn đủ độ mặn nuôi tôm như vùng Sóc Trăng (năm 2022). Nước thượng nguồn dẫn về qua các khu công nghiệp các tỉnh đầu nguồn, nước từ các vùng trồng lúa, cây ăn trái và sinh hoạt tiềm ẩn rủi ro các dư chất không tốt cho tôm nuôi.
Mặt khác, nhìn về mục tiêu chiến lược trong kế hoạch xuất khẩu tôm đạt 6 tỷ USD năm 2025, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng cần phải đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng sức cạnh tranh.
Tỉnh Sóc Trăng quy hoạch 39.000 ha, xuất khẩu gần 800 triệu USD tôm thẻ. Tỉnh Cà Mau quy hoạch 11.250 ha xuất khẩu gần 800 triệu USD tôm thẻ. Diện tích nuôi tôm sú tỉnh Cà Mau 268.750 ha và Sóc Trăng 28.115 ha. Đến nay số trang trại nuôi tôm thẻ chiếm khoảng 15.000 ha chiếm 10%. Nuôi tôm thâm canh quy mô nông hộ chiếm cơ cấu lớn nhất và nuôi tôm theo mô hình tôm lúa, tôm rừng, tôm sinh thái chiếm tỷ trọng nhỏ. Nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp chủ yếu là tôm sú.
Ông Hòe đề xuất chiến lược quy hoạch gia tăng diện tích nuôi tôm quy mô trang trại, chuyển đổi hợp lý diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Quy hoạch các vùng nuôi tôm rừng, tôm lúa đi kèm chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù của mô hình nuôi.
Hiện nay, cả nước có 600.000 ha nuôi tôm sú, 150.000 ha nuôi tôm thẻ, sản lượng 970.000 tấn/năm. Trong đó các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đóng góp 70%, với trên 515.000 ha nuôi tôm sú và 68.250 ha nuôi tôm thẻ.