Đã trồng được gần 770 triệu cây xanh
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... Đây là cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng rừng, trồng cây xanh hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án. Các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch tiến tới trồng gần 1,1 tỷ cây xanh. Trong đó, trồng mới rừng tập trung gần 470 triệu cây xanh; gần 600 triệu cây phân tán. Các Bộ, ngành tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối tượng trồng bao gồm các loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, ưu tiên các loài cây bản địa được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác...
Nhiều Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào trồng cây xanh với cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng và trồng cây xanh. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng hưởng ứng Đề án Một tỷ cây xanh, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ cán bộ công nhân viên trong công ty và trích từ quỹ phúc lợi của công ty để thực hiện.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh, các Bộ, ban, ngành và địa phương đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt trên 121% đề ra.
"Không chỉ trồng một tỷ cây xanh mà còn phải phát triển một tỷ cây xanh"
Theo báo cáo của Cục Lâm Nghiệp, trong 3 năm, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh. Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 2,3 nghìn tỷ đồng thực hiện thông qua lồng ghép các chương trình đầu tư công. Nguồn vốn xã hội hóa trên 4,1 nghìn tỷ đồng từ đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế. Phần còn lại là vốn ODA và nguồn vốn khác.
Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống còn có sự đóng góp về nguồn lực lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng.
Ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 42%; diện tích rừng có chứng chỉ ước đạt 465.000 ha/500.000ha; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,3 tỷ USD, giá trị xuất siêu hơn 12,2 tỷ USD. Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục có chuyển biến tích cực, các địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện tốt xã hội hóa các nguồn lực vào bảo vệ, phát triển rừng, phục hồi rừng, phát triển du lịch sinh thái, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Năm 2023 đánh một dấu mốc rất quan trọng khi Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng). Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD (tương ứng với 80%) và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển tài.
Ông Triệu Văn Lực cho biết thêm, với những giá trị to lớn mang lại, Đề án Một tỷ cây xanh sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2024-2025, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng với tổng số trên 492 triệu cây xanh.
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh diễn ra tại tỉnh Quảng Trị sáng 12/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023, ngành lâm nghiệp có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và lần đầu tiên thu được tiền từ bán tín chỉ carbon... Những thành quả đó đến từ việc các Bộ, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các kế hoạch trồng rừng.
Đối với Đề án Một tỷ cây xanh, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả đã thực hiện, tiếp tục trồng theo kế hoạch được phê duyệt; khi thực hiện phải linh hoạt, chủ động; tài liệu hóa các kinh nghiệm trồng rừng và tăng cường công tác truyền thông.
"Chúng ta không chỉ trồng một tỷ cây xanh mà còn phải phát triển một tỷ cây xanh để xây dựng hệ sinh thái bền vững. Để làm được điều này, mong rằng, các tổ chức, các cá nhân, kể cả trong nước và quốc tế, tiếp tục hỗ trợ để thực hiện chương trình bằng cả kinh phí, sáng kiến thực hiện,....", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.
Tại hội Nghị, thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 25 tập thể, 39 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh.
Trồng 1 tỷ cây xanh gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới
Ngày 8/3/2022, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 về Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM. Theo đó, các thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 phải đạt chỉ tiêu chung “Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn”.