| Hotline: 0983.970.780

Để miền núi bắt kịp miền xuôi: Cần những cú hích quyết liệt và đột phá

Thứ Năm 11/07/2019 , 19:29 (GMT+7)

Trong thời gian vừa qua, các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) và miền núi luôn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều những khó khăn, tồn tại và hạn chế.
 

Triển khai các chương trình, chính sách

Giai đoạn 2016 – 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người DTTS; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Ông Đào Ngọc Dung (phải), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Trong 3 năm 2016 – 2018 ngân sách trung ương bố trí 1.742 tỷ đồng thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới); đã hỗ trợ cho trên 800 nghìn người DTTS học nghề các cấp trình độ. Tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%.

Về việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 22/3/2018 phân bổ nguồn vốn bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay, theo đó phân bổ 35,161 tỷ đồng nguồn vốn bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay cho 3 tổ chức thực hiện chương trình và 11 tỉnh, trong đó ưu tiên các địa phương có đông đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2016 – 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.453 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm từ 2.200 – 2.500 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 357 nghìn lao động mỗi năm (trong đó người lao động là người DTTS chiếm khoảng 5%).

Giai đoạn 2016 – 2020 đã có 4.620 người thuộc các huyện nghèo, đã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 2.117 lao động đã xuất cảnh).

Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ cấp đột xuất cho đối tượng bảo trợ xã hội. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội của bốn khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) là 1.256.192 đối tượng. 

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo kết quả khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, có 15,25% người nghiện ma túy đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện trên cả nước là người dân tộc, trong đó đại đa số người nghiện là dân tộc thuộc hộ nghèo và người nghiện thuộc diện hộ nghèo.

Bên cạnh đó, hiện có 28 tỉnh, thành phố xây dựng dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng; có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 4.320 người nghiện; quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 23.600 người sau cai nghiện.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định: “Nói một cách khách quan, trong thời gian qua, những vấn đề liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi có sự phát triển mạnh mẽ. Những người nghèo, người DTTS ở Việt Nam đã được thụ hưởng khá đầy đủ những thành quả của sự nghiệp đổi mới so với các nước trên thế giới. Nếu nhìn rộng ra, nhiều quốc gia tăng trưởng rất mạnh nhưng người dân lại không được thụ hưởng đầy đủ thành quả của sự tăng trưởng ấy”.
 

Khó khăn và hạn chế

Có thể nhận thấy các chính sách pháp luật về việc làm đối với đồng bào DTTS còn dàn trải, thiếu đồng bộ và thường bị lồng ghép chung với với chính sách giảm nghèo và giáo dục nghề nghiệp. Vẫn còn có sự trùng lặp về cơ chế, đối tượng dẫn đến sự khó khăn trong lồng ghép và triển khai cho địa phương.

Ngoài ra hiệu quả tạo việc làm cho đồng bào DTTS chưa cao. Các dự án cho vay vốn tạo việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu làm tăng thêm thời gian lao động. Chất lượng việc làm vẫn còn thấp, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp,… cũng như phong tục, tập quán của các đồng bào dân tộc còn có hạn chế nhất định nên khó tiếp cận các dịch vụ việc làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài.

“Nếu không có những cú hích mang tính chất quyết liệt và đột phá thì đừng bao giờ hi vọng miền núi bắt kịp miền xuôi. Phải làm sao để khoảng cách giữa 2 vùng rút ngắn dần đi và vùng khó khăn được lớn nhanh hơn.” – Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn còn mỏng và chưa tạo thuận lợi cho người DTTS tham gia học nghề và chuyển đổi nghề. Nhiều địa phương cũng chưa chú trọng trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người DTTS học nghề; hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao, hộ nghèo DTTS chiếm tỷ trọng lớn tổng số hộ nghèo của cả nước.

Tệ nạn nghiện ma túy vẫn đang là vấn đề bức xúc của vùng đồng bào DTTS, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đói nghèo cao. Chất lượng cai nghiện tại các địa phương khu vực biên giới, vùng DTTS còn nhiều hạn chế; việc cai nghiện tại cộng đồng được triển khai chưa hiệu quả…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.