| Hotline: 0983.970.780

Điện mặt trời 'quây' hồ Bầu Ngứ, chặn đường sống của người dân

Thứ Hai 17/05/2021 , 10:23 (GMT+7)

Dự án điện mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành quây hồ Bầu Ngứ bằng 7,8km tường bao, 3km dây thép gai.

Công ty Trường Thành xây cổng khang trang chắn ngay con đường đi xuống hồ trước đây của người dân. Ảnh: K.S. 

Công ty Trường Thành xây cổng khang trang chắn ngay con đường đi xuống hồ trước đây của người dân. Ảnh: K.S

Chặn đường sinh kế của người dân Bầu Ngứ 

Sinh kế của người dân quanh hồ Bầu Ngứ đang bị chặn đứng vì công trình điện mặt trời Trường Thành đã "quây" hồ thủy lợi. Theo người dân địa phương, hồ Bầu Ngứ là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi, khi dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Ngứ do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành chủ đầu tư xuất hiện vào năm 2017.

Đưa ánh mắt u buồn, đầy lo âu nhìn vào cổng chính vào nhà máy điện, bà Trần Thị Thu Loan, ở thôn Bầu Ngứ xót xa: “Giờ đến con đường vào hồ của dân làng bấy lâu nay cũng bị biến thành đường của họ. Bảo vệ canh giữ suốt ngày đêm”.

Gia đình chị Niễu Thị Hoàng Hạnh sống sát hồ nhưng không thể lấy nước do Công ty Trường Thành rào thép gai quây chắn hồ. Ảnh: K.S. 

Gia đình chị Niễu Thị Hoàng Hạnh sống sát hồ nhưng không thể lấy nước do Công ty Trường Thành rào thép gai quây chắn hồ. Ảnh: K.S. 

Thời gian đầu xây dựng công trình, chủ đầu tư cho thiết lập hàng rào bao quanh để bảo vệ tài sản. Con đường chính đi vào hồ lúc bấy giờ cũng được công ty cho làm hàng rào thép để hạn chế sự ra vào. Đến khoảng năm 2020, chủ đầu tư đã cho bê tông hóa nhiều đoạn tường rào bao quanh và xây dựng cổng chắn khang trang, cắt cử người bảo vệ. Cũng kể từ đó, lòng hồ Bầu Ngứ biến thành vùng cấm đối với gia súc và cư dân địa phương.

"Điện năng lượng mặt trời lấy luôn hồ, không cho dân đưa gia súc vào nên bị người dân phản ứng. Có cán bộ đến nói để cái đường này (PV - cổng chính) cho dân đi nhưng họ vẫn cứ làm lần lần và làm cổng.

Dù Công ty điện mặt trời Trường Thành vẫn để ra một khoảng không xây tường bao, không lắp đặt hàng rào thép gai nhưng đây lại là vị trí gần bề mặt thân công trình. Vị trí này nằm cách xa khu dân cư và khu chăn nuôi nên vật nuôi khó có thể tiếp cận được nguồn nước”, bà Loan nói.

Vị trí ao nước sát bên gia đình ông Kiều Thành Đúng - nơi này được người dân cho rằng Công ty Trường Thành bố thí nước cho họ. Còn lòng suối chảy vào hồ đã bị rào kín, khóa chặt bằng các cửa lưới sắt. Ảnh: K.S. 

Vị trí ao nước sát bên gia đình ông Kiều Thành Đúng - nơi này được người dân cho rằng Công ty Trường Thành bố thí nước cho họ. Còn lòng suối chảy vào hồ đã bị rào kín, khóa chặt bằng các cửa lưới sắt. Ảnh: K.S. 

Chỉ tay về khoảng đất mênh mông như sa mạc cạnh nhà, chị Niễu Thị Hoàng Hạnh, thôn Bầu Ngứ nói như muốn khóc: “11 mẫu ruộng của gia đình, năm ngoái đến giờ không có nước tưới nên không làm được gì cả, bỏ hoang như vậy rất phí”. Thêm vào câu chuyện cùng vợ, anh Kiều Gia Thiên cho biết thêm, gia đình anh lập nghiệp ở địa phương gần 40 năm. Khi dự án điện chưa triển khai, gia đình vẫn dùng máy bơm nước từ hồ lên để trồng hoa màu và trồng cỏ để chăn nuôi cừu cải thiện nguồn thu nhập.

Nhưng giờ có sản xuất được thì chỉ trông chờ nước trời. Cuộc sống khó khăn, nguồn nước khan hiếm nên bầy cừu 200 con của gia đình đều dần bán hết. Còn đàn bò phải di dời nơi khác để kiếm thức ăn.

Rời nhà chị Hạnh, chúng tôi đến nhà ông Trần Viết Tốt, người cùng thôn cũng buồn rười rượi khi đàn cừu của gia đình thèm khát nước bên hồ Bầu Ngứ nhưng lại bị ngăn cách bởi tường rào bê tông cao 2-3m.

Bên trong nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ. Ảnh: K.S.

Bên trong nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ. Ảnh: K.S.

Ông Tốt chỉ tay về căn nhà gần nơi ông đứng là căn nhà như bỏ hoang, đó là nhà ông Lượng Lân. Mấy năm trước, cái bãi cát trước nhà ổng là bãi cỏ nuôi cừu. Giờ không có nước tưới nên cỏ chết hết, ổng phải bán đàn cừu mấy trăm con rồi bỏ đi làm thuê.

Trưởng thôn Bầu Ngứ cũng xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, trước đây dê, cừu trên địa bàn rất nhiều, nhưng vì chăn nuôi, tiếp cận nguồn nước ở Bầu Ngứ khó khăn khi có dự án điện mặt trời Trường Thành nên người dân đã bán dần.

Tường bao gần 8km, dây thép gai 3km, sao nói không quây?

Hồi đầu tháng 4, sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh việc chủ đầu tư dự án điện mặt trời quây bao hồ thủy lợi hồ Bầu Ngứ thì UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các ngành liên quan khẩn trương kiểm tra. Ngày 14/4, Sở Công Thương phối hợp cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra thực tế tại hồ Bầu Ngứ.

Một đoạn đường đi vào hồ bị chủ đầu tư chặn ngang bởi thép gai. Ảnh: K.S.

Một đoạn đường đi vào hồ bị chủ đầu tư chặn ngang bởi thép gai. Ảnh: K.S.

Theo văn bản của Sở Công Thương về kết quả kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã xây dựng tường thành kiên cố dọc theo con đường tránh lòng hồ về phía tây nam dự án với chiều dài 7,8km, các phía còn lại xây hàng rào trụ bê tông, lưới B40 (thực chất là thép gai) chiều dài 3km. Chỉ có 3 vị trí để trống không xây tường kiên cố.

Ở các vị trí để trống bao gồm: Một là, tại khu vực phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ; hai là, phía đông bắc của nhà máy gần vị trí đập; thứ 3, khoảng trống dưới chân móng tường thành phía tây nam gần nhà ông Kiều Thành Đúng.

Tuy nhiên khi chúng tôi ghi nhận thực tế tại đây và ý kiến của người dân ở thôn Bầu Ngứ cho thấy, có vị trí chủ đầu tư mới mở ra sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, đó là tại khu vực phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ.

Lối xuống hồ ở khu vực phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ bị rào kín hồi cuối tháng 3/2021 - thời điểm Báo Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu ghi nhận, phản ánh thực trạng. Ảnh: K.S. 

Lối xuống hồ ở khu vực phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ bị rào kín hồi cuối tháng 3/2021 - thời điểm Báo Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu ghi nhận, phản ánh thực trạng. Ảnh: K.S. 

Một bảo vệ của nhà máy này cũng xác nhận: “Vị trí này mới mở trong tháng 4 này, lúc UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra và họ mở luôn. Chứ lâu nay vị trí này đóng barie, rào thép gai phía dưới”.

Còn đối với vị trí dưới chân móng tường thành phía tây nam, gần nhà ông Kiều Thành Đúng, thì theo ông Trần Văn Tốt, lâu nay dê, cừu nhà ông dù gần bên nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn nước do khu vực này vẫn đang tranh chấp đất giữa chủ đầu tư và người dân. Trên thực tế, khu vực này là một ao nhỏ, nguồn nước tại đây không phải chảy từ hồ ra mà là nước đọng lại từ ao và vườn người dân phía trên dồn về.

Ông Kiều Thành Đúng cũng bức xúc và cho rằng, đất này vốn dĩ của gia đình ông bấy lâu nay. Nhưng lợi dụng vợ chồng ông đi làm, không có nhà nên chủ đầu tư đã cho máy múc thành ao nhỏ trữ nước và tổ chức đóng trụ bê tông, rào lưới thép gai. Theo người dân, chủ đầu tư điện mặt trời tạo ra ao nước nhỏ ở cạnh vườn gia đình ông Kiều Thành Đúng là một kiểu bố thí nước cho dân. Nhưng ao này nhỏ, lượng nước ít và bẩn nên cũng không đảm bảo được nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt, sinh hoạt của người dân.

Vị trí phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ được tháo gỡ rào chắn sau khi báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh. Ảnh: K.S.

Vị trí phía tây bắc của dự án gần nhà điều hành của Ban quản lý hồ Bầu Ngứ được tháo gỡ rào chắn sau khi báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh. Ảnh: K.S.

Đối với vị trí phía đông bắc của nhà máy gần vị trí đập, theo ghi nhận chúng tôi đây là vị trí được cắm biển nước sâu nguy hiểm. Hơn nữa vị trí này cách xa khu dân cư nên bất tiện trong việc di chuyển đàn gia súc tiếp cận nguồn nước. Nếu người chăn nuôi cho cừu từ nhà đến vị trí này uống nước sẽ phải đi đường vòng 3-4 km. Trong khi trước đây, người chăn nuôi có thể lùa cừu xuống hồ bất cứ vị trí nào. Vì vậy, cho thấy việc người chăn nuôi bị ảnh hưởng là có cơ sở.

Thế nhưng, kết quả kiểm tra thực tế dự án điện mặt trời Bầu Ngứ do ông Võ Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận ký báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng, không ảnh hưởng sản xuất, không cản trở chăn nuôi gia súc?

Thêm một điều đáng nói nữa, báo cáo kết quả này còn ghi nhận ý kiến người dân sinh sống gần hồ. Nhưng theo biên bản kiểm tra thực tế của Sở Công Thương lại không có ý kiến người dân và chính quyền xã, huyện Thuận Nam.

Công ty Trường Thành xây dựng hàng rào bê tông kiên cố đã chặn đứng đường xuống hồ của người dân địa phương. Ảnh: M.H.

Công ty Trường Thành xây dựng hàng rào bê tông kiên cố đã chặn đứng đường xuống hồ của người dân địa phương. Ảnh: M.H.

Trước câu hỏi Đoàn kiểm tra đã ghi nhận ý kiến người dân sinh sống gần hồ không? Ông Võ Đình Vinh cho biết, vấn đề này chỉ khi UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu, Sở mới cung cấp!

Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự khách quan, công tâm của Đoàn kiểm tra và cá nhân ông Võ Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận.

Sẽ lập lại Đoàn kiểm tra nếu cần

Trước những vấn đề mà chúng tôi đặt ra, ông Võ Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở Công Thương nói rằng nếu cần, Sở sẽ lập lại Đoàn kiểm tra thực tế ở nhà máy điện mặt trời Bầu Ngứ và sẽ mời đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tham gia. Khi chúng tôi đề nghị Đoàn kiểm tra phải có sự tham gia của người dân địa phương để mọi việc được công tâm, khách quan thì ông Vinh một mực từ chối với lý do… sợ xảy ra sự xung đột. Sau đó, ông Vinh xin ngưng cuộc trao đổi thông tin với báo chí vì… bận họp.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.