| Hotline: 0983.970.780

Những 'thủ lĩnh' của người S’tiêng

Điểu Kiêu - Nghệ nhân của đồng bào

Thứ Sáu 21/07/2023 , 07:40 (GMT+7)

Dân tộc S’tiêng có nền âm nhạc truyền thống rất lâu đời và đặc sắc, nhưng hiện đang ngày càng mai một, không còn nhiều người biết sử dụng các loại nhạc cụ truyèn thống.

Nghệ nhân Điểu Kiêu, ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Ông không chỉ có đam mê, năng khiếu âm nhạc thiên bẩm, là một trong số ít người có kỹ năng sử dụng và chế tác nhiều loại nhạc cụ của đồng bào S’tiêng, mà còn dành hết tâm huyết truyền lại những kỹ năng âm nhạc truyền thống của dân tộc mình cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Điểu Kiêu biểu diễn đàn tre. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu biểu diễn đàn tre. Ảnh: Phúc Lập.

“Cây đại thụ” về nhạc cụ truyền thống

Tôi tình cờ gặp nghệ nhân Điểu Kiêu trong buổi lễ cúng cơm mới của đồng bào S’tiêng ở xã Thiện Cư, huyện Bù Đốp cuối năm 2022. Nghệ nhân Điểu Kiêu là một trong số những người không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của đồng bào S’tiêng Bình Phước. Vì ông là một trong những “cây đại thụ” về nhạc cụ truyền thống, có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng như cồng, chiêng, kèn, trống, đinh jút, nong ker’pu (kèn chế tác từ sừng trâu), đàn tre (chapi)… và thuần thục các điệu múa dân gian của người S’tiêng.

Sau chuyến đi Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc, xã Bù Gia Mập, đúng lúc ông đang tỉ mẩn ngồi chế tác chiếc tre, cây đàn vốn nổi tiếng mà người Raglai gọi là Chapi.

Nghệ nhân Điểu Kiêu chế tác nong kerr’pu (kèn sừng trâu). Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu chế tác nong kerr’pu (kèn sừng trâu). Ảnh: Phúc Lập.

“Đàn tre của người S’tiêng giống đàn chapi của người Raglai, nhưng khác tên gọi, cách sử dụng cũng không giống nhau. Loại đàn này bây giờ rất ít người biết sử dụng. Nhìn đơn giản thế thôi chứ chế tác càng khó hơn. Giờ ở Bình Phước rất ít người biết làm nó”, ông Điểu Kiêu nói.

Nghệ nhân Điểu Kiêu cho biết, ngay từ nhỏ, ông đã mê mẩn âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ này. Vì thế, ngoài học cách sử dụng, ông còn mày mò học cách chế tác từ năm 14 tuổi, đến nay, đã ngoài 80 tuổi, ông không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu cây đàn tre.

“Hổi xưa nhiều người hay chơi cây đàn này lắm, vì nó có thể dùng hàng ngày, không như cồng, chiêng, chỉ được dùng trong lễ hội. Nhưng bây giờ chẳng còn mấy người biết gảy cây đàn này”, ông nói.

Cây đàn tre của người S’tiêng nhìn khá đơn giản, được làm từ một ống tre lồ ô, to cỡ bắp tay người lớn, dài khoảng 50 - 60cm. Đàn có 2 loại 8 dây và 6 dây. Nhưng công đoạn chọn nguyên liệu cây lồ ô là khó nhất.

“Đầu tiên phải là cây lô ô trung tuổi, không già quá, vì già quá thì vỏ cứng, âm thanh chua, non quá thì khi nó khô đi cũng sẽ hư. Sau khi chọn cây trung tuổi rồi phải kiểm tra độ dày, mỏng của vỏ, tức độ rỗng cũng vừa phải. Vỏ không mỏng, không dày quá. Mà công đoạn chọn thân cây lồ ô này phải có kinh nghiệm, gõ thân cây và nghe âm thanh phát ra”, ông Điểu Kiêu nói.

Toàn bộ các nguyên liệu khác của cây đàn đều nằm trên thân cây. Phần dây đàn được tách ra từ phần vỏ thân cây. Để tạo ra một cây đàn hoàn chỉnh, ngoài kỹ thuật dùng dao nhọn để cắt, khắc, gọt, đục… còn cần khả năng thẩm âm của người làm đàn khi cân chỉnh từng sợi dây để có được âm thanh như ý. Vì vậy, người chế tác đàn cũng phải biết sử dụng thành thục đàn.

Nghệ nhân Điểu Kiêu: 'Nong kerr’pu nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có, nhưng cách chế tác và diễn tấu thì khác người S'tiêng'. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu: "Nong kerr’pu nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có, nhưng cách chế tác và diễn tấu thì khác người S'tiêng". Ảnh: Phúc Lập.

“Khó nhất là kỹ thuật tạo dây đàn. Mình dùng dao nhọn cắt và tách làm sao cho thật khéo tay, tách ra 1 sợi dây trên lưng ống lồ ô nhưng phải giữ nguyên được 2 đầu, lần lượt như vậy cho được 6 sợi dây, rồi bỏ thanh ngựa vào để nâng lên, không khéo thì dễ bị đứt lắm. Làm xong, mình thử nếu nó không kêu thì phải bỏ, làm lại. Hồi nhỏ, mình cũng phải kiên trì tập nhiều lắm mới học được cách làm mấy cái dây đàn này”, ông Điểu Kiêu nói tiếp.

Ngoài đàn tre, cồng chiêng, ông Điểu Kiêu còn là người duy nhất biết biểu diễn nong kerr’pu, phối hợp với chiêng. Nghệ nhân Điểu Kiêu cho biết, khi biểu diễn nong kerr’pu gồm 6 chiếc kèn sừng trâu, phải “hợp âm” với dàn cồng chiêng 6 cái. Nong kerr’pu là loại nhạc khí độc đáo của người S’tiêng, chế tác đã khó, sử dụng còn khó hơn. Nhất là dàn nhạc phải bao gồm 6 người, mỗi người phải sử dụng thành thạo cả nong kerr’pu (ngậm trên miệng) và chiêng (2 tay).

Khi biểu diễn người đánh sẽ đeo chiêng vào vai trái, dùng tay phải đánh vào mặt chiêng còn nong kerr’pu được đeo trên đầu, miệng ngậm vào lỗ hơi để thổi và cứ tay đánh bài chiêng nào thì miệng lại thổi bài chiêng đó, nhịp điệu và tiết tấu phải rất nhịp nhàng với nhau. Khi biểu diễn, có thể ngồi, xếp hàng ngang hoặc đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ.

Thường thì người S'tiêng chỉ diễn chiêng, ít khi phối hợp với các nhạc cụ khác, nhưng khi biểu diễn chiêng chung với nong kerr’pu thì thực sự là một sự kết hợp diễn tấu không có sự độc đáo nào bằng! Đây là nét khác biệt trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng giữa người S’tiêng với các tộc người khác vùng Tây Nguyên.

Điểm khác biệt chính là lỗ khoét trên thân kèn này, để cho ra âm thanh khác kèn sừng trâu của các dân tộc khác. Ảnh: Phúc Lập.

Điểm khác biệt chính là lỗ khoét trên thân kèn này, để cho ra âm thanh khác kèn sừng trâu của các dân tộc khác. Ảnh: Phúc Lập.

“Tập diễn tấu nong kerr’pu với cồng chiêng khó lắm phải không chú?”, tôi hỏi. “Khó chứ, vì phải kết hợp hai loại nhạc cụ, 2 loại âm thanh với nhau cùng lúc, miệng thì ngậm và thổi nong kerr’pu, còn tay phải đánh chiêng đúng nhịp. Ngày xưa, người S’tiêng biết nong kerr’pu nhiều lắm. Nhưng mấy chục năm nay không ai thổi nên ngày càng hiếm người biết. Lâu nay tôi vẫn tập trung tập luyện cho mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên, ai muốn học tôi sẽ cố gắng hết sức để chỉ. Hiện nay, đội cồng chiêng đã tập luyện thành thạo 2 bài chiêng kết hợp nong kerr’pu rồi”, nghệ nhân Điểu Kiêu nói.

Nỗ lực truyền lửa

Lâu nay, do ảnh hưởng và giao thoa vùng miền, nền văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước đang bị mai một dần theo thời gian. Không chỉ lớp trẻ, ngay cả người lớn cũng không còn nhiều nghệ nhân, biết ca múa, hát, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng hay kèn sừng trâu. Đặc biệt, người biết kết hợp cồng chiêng với kèn sừng trâu như một dàn hợp xướng để diễn tấu lại càng hiếm. Nguy cơ mai một nghệ thuật cồng chiêng trong cộng đồng người S’tiêng là điều khiến nghệ nhân Điểu Kiêu không khỏi lo lắng.

“Dân tộc S’tiêng có nền văn hóa nói chung, âm nhạc, nhạc cụ nói riêng rất phong phú, đa dạng và đặc sắc, không thua kém bất cứ tộc người nào ở Việt Nam. Chỉ khi mình hiểu biết mới thấy nó hay thế nào. Vì thế, bao năm nay, tôi vẫn cố gắng hết sức để truyền lại cho lớp trẻ, đi biểu diễn nhiều nơi để mọi người biết âm nhạc của người S’tiêng hay thế nào”, nghệ nhân Điểu Kiêu nói.

Nghệ nhân Điểu Kiêu hướng dẫn diễn tấu kèn sừng trâu cho người học. Ảnh: Phúc Lập.

Nghệ nhân Điểu Kiêu hướng dẫn diễn tấu kèn sừng trâu cho người học. Ảnh: Phúc Lập.

Để “cứu vãn” tình trạng thất truyền văn hóa âm nhạc truyền thống, nỗ lực không ngừng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống của người S’tiêng, nghệ nhân Điểu Kiêu từ lâu đã kêu gọi, tập hợp những người trẻ trong thôn để dạy đánh cồng chiêng và thổi kèn sừng trâu.

Ngoài việc truyền đạt kỹ năng, ông luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về tầm quan trọng của cồng chiêng đối với văn hóa dân tộc, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Sau thời gian, việc truyền dạy nhạc cụ truyền thống của nghệ nhân Điểu Kiêu bắt đầu có những kết quả khả quan khi có nhiều người trẻ đã đam mê, tìm đến học chăm chỉ và biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn tre, chiêng.

“Hồi xưa đi rẫy, những lúc mệt nghỉ thường chỉ nghe tiếng chim, gió rừng, nghe tiếng suối chảy. Bây giờ mình mang theo đàn tre, vừa luyện vừa khảy cho vui. Cây đàn này nhỏ gọn, đi đâu cũng mang theo được, lúc làm rẫy mệt, mình lại ngồi khảy cho đỡ buồn. Lúc trước mình không biết gì về cây đàn này, giờ được ông Điểu Kiêu, Điểu Hoi daỵ, thấy hay lắm. Ngoài học khảy, mình còn học làm đàn, học đánh chiêng nữa. Nhiều người học lắm”, anh Điểu Cóc, một học trò trong lớp dạy nhạc cụ của nghệ nhân Điểu Kiêu khoe.

Biểu diễn kèn sừng trâu cần 1 bộ 6 cái. Trong ảnh là nghệ nhân Điểu Kiêu (thứ 2 từ phải qua) đang hướng dẫn cho nhóm học biểu diễn nong kerr’pu. Ảnh: Bùi Liêm.

Biểu diễn kèn sừng trâu cần 1 bộ 6 cái. Trong ảnh là nghệ nhân Điểu Kiêu (thứ 2 từ phải qua) đang hướng dẫn cho nhóm học biểu diễn nong kerr’pu. Ảnh: Bùi Liêm.

“Mỗi loại nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng đều mang ý nghĩa tâm linh riêng nên người diễn tấu không chỉ cần đến kỹ thuật điêu luyện mà còn phải tâm huyết, phải gửi gắm hết tình cảm từ trái tim mình đến từng phím, từng nốt nhạc, từng âm điệu, từ tiếng kèn, tiếng trống, đến tiếng cồng chiêng. Khi người diễn tấu hòa tâm hồn mình vào đó thì âm thanh cất lên mới réo rắt, trầm bổng, mới lay động được thần linh để được thần linh bảo vệ mình, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…”, nghệ nhân Điểu Kiêu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.